Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:39 GMT+7

Phản ứng của EU với “thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ tại Trung Đông

Biên phòng - Liên quan tới những mâu thuẫn giữa Israel và Palestine thời gian qua, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) mong muốn 2 nước này trực tiếp giải quyết các bất đồng để mang lại hòa bình cho Trung Đông. Song, trước Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 4-2, EU đã lên tiếng phản đối chính sách gây tranh cãi này.

la8x_11a
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông vào ngày 28-1. Ảnh: Nhà Trắng (Mỹ)

Sau khi nghiên cứu bản kế hoạch của Tổng thống Mỹ, ngày 4-2, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell khẳng định, bản kế hoạch của Mỹ vi phạm sự thỏa thuận của quốc tế. Đồng thời cảnh báo, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ đã và đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Ông Josep Borrell nhấn mạnh rằng, để đạt được nền hòa bình thực sự và bền vững thì Israel và Palestine cần phải đàm phán để giải quyết hài hòa những mâu thuẫn còn tồn đọng như vấn đề về biên giới và quy chế của thành phố Jerusalem. 

Đây không phải là lần đầu tiên EU phản bác chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với tranh chấp giữa Palestine và Israel. Năm 2017, EU cũng từng lên án việc Tổng thống Trump thừa nhận thành phố Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Theo công bố của Tổng thống Donald Trump vào ngày 28-1, kế hoạch này mang tới lợi ích hài hòa cho cả 2 quốc gia đang tranh chấp. Trong đó, Israel được phép giữ chủ quyền đối với Jerusalem, còn Palestine sẽ phải đặt thủ đô ở khu vực ngoài thành phố này. 

Theo nguyên lý “cây gậy và củ cà rốt”, ông Trump cũng mở ra cơ hội cho Palestine với khoản đầu tư 50 tỷ USD, cùng cam kết Israel sẽ không làm tổn hại đến họ. Đứng cạnh Tổng thống Trump khi công bố kế hoạch, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dành những lời ca ngợi đối với “người bạn Mỹ tuyệt vời nhất của Israel”, đồng thời khẳng định đây là giải pháp tối ưu cho hòa bình. 

Tuy nhiên, bản kế hoạch của Mỹ đã gặp phải làn sóng phản ứng từ nhiều quốc gia và tổ chức thế giới vì cho rằng, đây là sự thiên vị của Mỹ dành cho Israel. Kịch liệt phản đối Mỹ và Israel, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas gọi kế hoạch này là một “thỏa thuận ngầm”. Đối với “củ cà rốt” của Mỹ, Tổng thống Abbas nhấn mạnh rằng: “Jerusalem không phải để bán”. Đồng thời tái khẳng định, Đông Jerusalem phải là Thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cũng cho rằng, kế hoạch của Tổng thống Mỹ là động thái thù địch chống lại người Palestine. 

Liên đoàn Arab (AL) đã họp khẩn cấp tại Ai Cập vào ngày 1-2 và đưa ra tuyên bố phản đối Kế hoạch của Tổng thống Mỹ vì không đáp ứng quyền lợi tối thiểu và nguyện vọng của người Palestine. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit khẳng định, con đường duy nhất mang tới hòa bình và ổn định là giải pháp đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine. 

Tương tự, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã nhóm họp vào ngày 3-2 và kêu gọi 57 quốc gia thành viên không được ủng hộ kế hoạch này dưới mọi hình thức. Còn với Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhìn nhận, kế hoạch này khó có thể tồn tại bởi nó đi ngược lại Nghị quyết của Liên hợp quốc và bị phần lớn các nước Arab bác bỏ.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch trên có thể là nguyên nhân gây leo thang xung đột và khiến dải Gaza những ngày qua nhuốm đậm thêm khói lửa bởi sự phản ứng trả đũa qua lại giữa Palestine và Israel. Về việc xác định chủ quyền, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric đưa ra tuyên bố, Liên hợp quốc duy trì cam kết đối với giải pháp 2 nhà nước giữa Israel và Palestine với đường biên giới được xác lập trước khi Israel chiếm đóng bờ Tây và dải Gaza trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Ông Stephane Dujarric nhấn mạnh, đây là quan điểm xuyên suốt của Liên hợp quốc.

Dự kiến, ngày 10-2 tới đây, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp để thảo luận về bản kế hoạch của Tổng thống Mỹ đang gây ra tranh cãi gay gắt trên thế giới.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO