Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của người nghệ sĩ - chiến sĩ quân hàm xanh

Biên phòng - Trong đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ IX – 2019 vừa qua, lực lượng BĐBP góp mặt 4 nghệ sĩ thuộc Đoàn Văn công BĐBP. Đó đều là những gương mặt nghệ sĩ đã nhiều năm gắn bó với khắp nẻo đường biên giới, hải đảo, có nhiều thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sáng tác, biên đạo và biểu diễn văn hóa nghệ thuật.

i80u_24a
4 nghệ sĩ của Đoàn Văn công BĐBP nhận danh hiệu NSƯT (từ phải qua trái): Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh; Trung tá Hoàng Thị Loan; Thượng tá Nguyễn Văn Hóa; Thiếu tá Nguyễn Hải Nam. Ảnh: Thanh Thuận

NSƯT, Thượng tá, nhạc sĩ  Nguyễn Tuấn Anh 

Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh hiện là Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP. Anh được đồng nghiệp, bạn bè và khán giả biết đến trong vai trò chỉ huy dàn nhạc, nhạc sĩ, Tổng đạo diễn chương trình ca múa nhạc. Nguyễn Tuấn Anh tham gia hoạt động nghệ thuật từ năm 1994 trong vai trò Đội trưởng Đội nhạc của Đoàn Văn công Quân khu 3. Đến năm 2001, anh đầu quân về Đoàn Văn công BĐBP và công tác đến thời điểm hiện tại.  

Từ khi công tác tại Đoàn Văn công BĐBP, Nguyễn Tuấn Anh đã có nhiều đóng góp cho lực lượng BĐBP. Anh từng đảm nhiệm các vai trò như chỉ huy dàn nhạc, diễn viên nhạc, Phó Đoàn trưởng và Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP. Những tháng năm gắn bó với đoàn đã cho anh nhiều trải nghiệm thực tế, đi vào sáng tác của anh rất tự nhiên, chân thực. Hình ảnh biên giới, người chiến sĩ Biên phòng và nhân dân các dân tộc trên khắp các miền biên cương, hải đảo của Tổ quốc... luôn được phản ánh đậm nét trong các tác phẩm của Nguyễn Tuấn Anh như một sự ngợi ca, sự tri ân tới đồng đội, đồng bào các dân tộc đã thầm lặng hy sinh, đóng góp công sức xây dựng biên cương.

Anh tâm sự: “Đề tài biên giới và BĐBP chính là mạch nguồn cảm hứng cho các tác phẩm của tôi, khiến giai điệu cứ thế tuôn trào như niềm tự hào, sự tri ân của tôi với đồng chí, đồng đội đang ngày đêm sát cánh cùng đồng bào giữ vững sự bình yên của Tổ quốc”.

Đón nhận danh hiệu NSƯT lần này, Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, danh hiệu NSƯT khiến anh cảm thấy rất vui và tự hào. Đối với anh, đây là thành quả lao động nghệ thuật nghiêm túc trong nhiều năm qua, khẳng định hướng đi đúng đắn trên con đường nghệ thuật, đồng thời, đánh dấu bước trưởng thành mới của anh. Trong vai trò Đoàn trưởng, anh sẽ tiếp tục cống hiến, hướng dẫn, bồi dưỡng nhiều nghệ sĩ trẻ để có thêm những đóng góp cho nền nghệ thuật của BĐBP nói riêng và nền âm nhạc nước nhà nói chung.

NSƯT, Thượng tá Nguyễn Văn Hóa 

Trong số 4 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT lần này, NSƯT Nguyễn Văn Hóa là người cao tuổi nhất (52 tuổi), cũng là người có nhiều năm cống hiến trong nghề nhất với 31 năm tại Đoàn Văn công BĐBP. Đam mê nhạc cụ truyền thống từ nhỏ, 7 tuổi, Nguyễn Văn Hóa đã được Huy chương Vàng tiết mục độc tấu đàn bầu tại một cuộc thi âm nhạc của tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương). Tốt nghiệp loại ưu tại Nhạc viện Hà Nội, năm 1988, anh được tuyển vào Đoàn Văn công BĐBP và công tác từ đó cho đến nay. 

Hơn 30 năm công tác tại Đoàn Văn công BĐBP trong vai trò diễn viên nhạc, Nguyễn Văn Hóa đã cùng đoàn đặt chân tới mọi miền biên giới, vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Tổ quốc để biểu diễn, phục vụ chiến sĩ, đồng bào và nhân dân các dân tộc trên mọi miền biên cương của Tổ quốc. Bên cạnh đó, anh cũng cùng đơn vị tham gia các hội thi, hội diễn chuyên nghiệp toàn lực lượng, toàn quốc, đạt được nhiều thành tích, huy chương. Dù ở cương vị nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân yêu mến. 

Được phong danh hiệu NSƯT lần này, Thượng tá Nguyễn Văn Hóa cho biết, anh rất vui mừng vì những đóng góp của mình với nghề đã được ghi nhận. “Là nghệ sĩ, không gì có thể vui hơn thế. Đó là niềm vinh dự, tự hào, niềm hạnh phúc rất lớn đối với nghệ sĩ. Sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước sẽ giúp những người như chúng tôi có thêm động lực để cống hiến hơn nữa cho nghệ thuật nước nhà” - NSƯT, Thượng tá Nguyễn Văn Hóa chia sẻ.

NSƯT, Trung tá Hoàng Thị Loan 

Trong số các nghệ sĩ của Đoàn Văn công BĐBP được phong tặng danh hiệu NSƯT lần này có duy nhất Trung tá Hoàng Thị Loan là nữ. Sinh ra trong gia đình không ai làm nghệ thuật tại một miền quê của Thái Bình, nhưng từ nhỏ, Hoàng Thị Loan đã thích múa. Nhờ có năng khiếu mà chị được tuyển vào Đoàn ca múa nhạc Thái Bình từ năm 14 tuổi. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, Hoàng Thị Loan được tuyển vào công tác tại Đoàn Văn công BĐBP trong vai trò diễn viên múa. Chị cho biết, chị vào đoàn chỉ vì yêu màu xanh trên quân hàm người chiến sĩ Biên phòng và yêu mến các chú bộ đội, muốn được biểu diễn cho bộ đội xem.

Những tháng ngày của tuổi thanh xuân tại đoàn, chị đã được đi biểu diễn ở nhiều nơi cực kỳ gian khổ, vất vả, “lấy đồi núi là sân khấu, lửa nhiệt tình làm ánh sáng”, nhưng chị luôn cảm thấy rất vui vì đã cống hiến, được mang ánh sáng văn hóa, văn nghệ làm phong phú đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo. 

Sau này, chị chuyển từ diễn viên múa sang làm biên đạo múa. 25 năm cống hiến trong nghề, được Đảng và Nhà nước ghi nhận với danh hiệu NSƯT khiến chị vỡ òa trong niềm vui, niềm xúc động, hạnh phúc xen lẫn tự hào. Danh hiệu NSƯT là danh hiệu cao quý đối với mỗi người nghệ sĩ. Vinh quang nào cũng có sự hy sinh, đặc biệt là đối với một nữ nghệ sĩ. Tuy nhiên, Trung tá Hoàng Thị Loan lại cho rằng, chị đã vượt qua sự hy sinh ấy không quá nặng nề, bởi trong chị luôn đong đầy tình yêu với múa. Danh hiệu NSƯT giúp chị có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục tiến bước trên con đường nghệ thuật phía trước.

NSƯT, Thiếu tá Nguyễn Hải Nam 

Thiếu tá Nguyễn Hải Nam là nghệ sĩ trẻ nhất (39 tuổi) và cũng là nghệ sĩ trống duy nhất của Đoàn Văn công BĐBP được phong NSƯT lần này. Ngày đón nhận danh hiệu NSƯT, Thiếu tá Nguyễn Hải Nam vui mừng và hạnh phúc vô cùng, bởi những đóng góp của anh với nghề, với nền nghệ thuật nước nhà đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. “Đối với tôi, đó là vinh dự rất lớn của người nghệ sĩ. Đồng thời, khi đã được ghi nhận, tôi cần phải nỗ lực hơn nữa, cống hiến hơn nữa để xứng đáng với danh hiệu NSƯT, xứng đáng với sự mong đợi của mọi người” - NSƯT, Thiếu tá Nguyễn Hải Nam bày tỏ.

Sinh ra trong một gia đình cả nhà đều công tác trong quân đội và có truyền thống âm nhạc nên không khó hiểu khi Hải Nam có niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ. Năm 1996, anh là thủ khoa khi thi vào Trường Nghệ thuật Quân đội, theo học lớp trống. Cuối năm đó, Đoàn Văn công BĐBP chưa có nghệ sĩ đánh trống nên anh trở thành người chuyên trống của đoàn, ăn lương của đoàn khi còn đi học.

Ở Đoàn Văn công BĐBP, có 2 đội là dân tộc và nhạc nhẹ mà chỉ có mình anh đánh trống nên vai trò của anh không thể thiếu trong các buổi biểu diễn của đoàn. 23 năm gắn bó với Đoàn Văn công BĐBP, anh đã cùng các nghệ sĩ của đoàn không quản ngại trèo đèo, lội suối, đến phục vụ các đơn vị đồn, trạm Biên phòng và nhân dân các dân tộc nơi biên giới, hải đảo. Những thành tích, huy chương vàng, bạc trong các liên hoan, hội diễn nghệ thuật và cao nhất là danh hiệu NSƯT là phần thưởng xứng đáng cho quá trình phấn đấu không ngừng của người nghệ sĩ – chiến sĩ Nguyễn Hải Nam với BĐBP và nền  âm nhạc nước nhà.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO