Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Phấn đấu trở lại vai trò “đầu tàu”

Biên phòng - Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố (TP) Hồ Chí Minh “bắt tay” vào khôi phục sản xuất để lấy lại vị trí đầu tầu kinh tế của cả nước. Mục tiêu khôi phục nền kinh tế, xã hội của TP Hồ Chí Minh sau dịch bệnh Covid-19 là đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, người lao động có việc làm ổn định, được chăm lo sức khỏe nhiều hơn, doanh nghiệp duy trì sản xuất và tăng trưởng tốt…

Các hoạt động kinh tế, xã hội đã trở lại bình thường mới tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Doanh nghiệp tăng tốc khôi phục sản xuất

Hiện nay, đang là cao điểm để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hoàn thành các đơn hàng cuối năm để bù lỗ cho những tháng đóng cửa vì dịch bệnh. Cụ thể, để giữ vững đơn hàng xuất khẩu trong mùa dịch, Công ty CP S Furniture (chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất) cũng đã thay đổi cách thức hoạt động từ chào hàng, giới thiệu sản phẩm trực tuyến, tự kiểm hàng, phát triển mẫu, thay đổi về công nghệ máy móc sản xuất… Vì vậy, tính đến tháng 7-2021, công ty đã đạt doanh số bằng cả năm 2020. Nguyên nhân là do công ty thay đổi cách thức hoạt động linh hoạt theo mùa dịch và đẩy mạnh khai thác được thị trường mới”.

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch Công ty CP S Furniture cho biết, dịp cuối năm cũng là lúc đơn vị đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng sofa cho thị trường Canada với trị giá hàng triệu USD. Công ty cũng đang sản xuất lượng lớn sofa để xuất đi Mỹ. Suốt mùa dịch, công ty đã triển khai thực hiện “3 tại chỗ” để bảo đảm việc sản xuất đơn hàng đáp ứng cho thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, công ty cũng xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro, nghĩa là dành một khoản tích lũy nhất định để dự phòng khi gặp khó khăn có thể sử dụng.

“Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ tư, ngay lập tức, công ty đã “kích hoạt” hệ thống này, rà soát tất cả các hoạt động của công ty và tiến hành điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp với tình hình mới. Nhờ vậy, mà doanh thu và hoạt động của công ty vẫn phát triển tốt để phục vụ thị trường xuất khẩu dù đang hoạt động trong mùa dịch. Dự kiến năm 2020, công ty cũng có nhiều đơn hàng xuất khẩu ” - ông Huỳnh Thanh Vạn nói.

Đang tăng tốc sản xuất để phục vụ hàng hóa vào dịp cuối năm, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết, trong suốt mùa dịch để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, doanh nghiệp đang tập trung sản xuất các mặt hàng khô và đóng hộp. Hiện, Vissan đang khôi phục sản xuất và đạt gần 100% công suất nhà máy. “Không có phương án nào tối ưu và vẫn có những rủi ro nhất định, bởi hiện nay số ca nhiễm quá nhiều. Tùy theo ngành hàng và điều kiện thực tế, nên cho phép doanh nghiệp chọn mô hình phù hợp nhất để có thể vừa hoạt động vừa bảo đảm sức khỏe người lao động trong mùa dịch. Nhờ chọn những phương án thích ứng linh hoạt với dịch, điều chỉnh hoạt động sản xuất cho phù hợp, bố trí lao động luân phiên làm việc khi xuất hiện các ca F0 nên doanh nghiệp vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho ngành hàng thực phẩm với sản lượng tăng cao để phục vụ mùa cao điểm kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán 2022” - ông Nguyễn Ngọc An nói.

Năm 2022, khôi phục kinh tế theo chữ V

Chia sẻ về việc khôi phục nền kinh tế sau dịch, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III-2021 giảm mạnh, giảm 24,97% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy, kinh tế, xã hội TP năm 2021 cũng có những điểm sáng tích cực như tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỉ đồng, đạt 101,3% dự toán năm. Hoạt động tín dụng - ngân hàng duy trì và tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Lượng kiều hối về TP ước đạt 6,6 tỉ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ…

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhìn nhận thực tiễn cho thấy tổng thể kinh tế TP vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh những hệ quả về kinh tế- xã hội, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra 3 vấn đề lớn TP cần đặc biệt quan tâm như: quản trị TP trong tình hình mới; xây dựng hệ thông cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị TP; từ đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng TP trong tương lai.

"Do đó, chặng đường phục hồi kinh tế phía trước sẽ còn gặp nhiều trở ngại nếu không có hệ thống các giải pháp đồng bộ, với tầm nhìn dài hạn và triển khai linh hoạt, kịp thời, phù hợp trong thời gian tới. Theo đó, với nền tảng hạ tầng kinh tế và lực lượng doanh nghiệp hiện hữu của TP, cùng với truyền thống sự năng động, sáng tạo vốn có, nếu có môi trường kinh doanh thuận lợi; có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của Nhà nước về tài chính, tín dụng, dịch vụ hành chính công và kiểm soát tốt dịch bệnh thì việc phục hồi kinh tế TP theo chữ V là điều hoàn toàn có thể. Đây còn là sự quyết tâm chính trị đưa TP Hồ Chí Minh trở lại vị trị, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước” - ông Phan Văn Mãi nói.

Các nhà phân phối, bán lẻ đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào dịp cuối năm. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Chia sẻ thông tin về hoạt động của nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, TP Hồ Chí Minh tăng trưởng âm 6,78%, vì vậy toàn Đảng, chính quyền và nhân dân quyết tâm khôi phục nền kinh tế trở lại quỹ đạo trong năm 2022. Theo đó, trong năm 2022, nếu điều kiện dịch diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ trong và ngoài nước để đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người dân. Tích cực đẩy mạnh công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, dập ngay từ cơ sở những dấu hiệu có thể gây mất ổn định an ninh trật tự để có thể ổn định tình hình an ninh trật tự để ổn định phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện có dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện TP Hồ Chí Minh đã cơ bản kiểm soát được dịch, các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu trở lại với nhịp độ sôi động, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội có dấu hiệu phục hồi. Trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh đề ra 20 chỉ tiêu, trong đó đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6-6,5%, duy trì tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. Trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế trên cơ sở “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”.

“Năm 2022, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung khắc phục việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối để đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công; tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát và bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng, hệ thống điều trị nhằm đảm bảo thông suốt với quá trình khôi phục kinh tế và bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi và phí, giữ nguyên nhóm nợ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế…” - ông Nguyễn Văn Nên cho biết thêm.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO