Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%

Biên phòng - Sáng 24-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại.

4riepdk8l2-2271_13429875701686804741_anh
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Theo Bộ Tài chính, hiện có 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của hơn 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Trung bình, chi phí thông quan cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Tới cuối năm 2017, tiết kiệm 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 10-6-2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 28.509 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 14.392 C/O.

Việc triển khai NSW, ASW mang lại hiệu quả to lớn trong cải cách hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp; số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến.

Một số thủ tục vẫn ở trạng thái “nửa vời”, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, doanh nghiệp vẫn bị yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp. Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu.

Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Nghị định và Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy NSW, ASW, tạo thuận lợi thương mại để sớm ban hành.

Trong Nghị định và Kế hoạch hành động, phải đề xuất cải cách mang tính đột phá sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, đặc biệt công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để tháo gỡ các tồn tại, bất cập, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế và khu vực.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc cần phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả hàng xuất và hàng nhập. Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, khắc phục bất cập mà hội nghị nêu ra. Phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

PV (tổng hợp)

 

Bình luận

ZALO