Biên phòng - Là nhóm đối tượng chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu dân số nước ta, việc phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên được xác định đóng góp vai trò quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, thực hiện tốt BHYT học sinh, sinh viên còn góp phần giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ý thức sống cộng đồng cho thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.

Những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của ngành BHXH và ngành Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% học sinh, sinh viên tham gia BHYT; năm học 2012-2013 tăng lên khoảng 80%; năm học 2013 - 2014 là 85%; năm học 2014 - 2015 tăng lên 88,5% tương ứng với gần 14,82 triệu học sinh, sinh viên có thẻ BHYT; năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu em; năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu em; năm học 2017-2018, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đã đạt khoảng 93,5%, tương ứng khoảng 16,5 triệu em. Số liệu thống kê mới nhất đến tháng 4-2019, đã có trên 17 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, chiếm hơn 94%. Như vậy là còn khoảng 6% nhóm đối tượng học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, chiếm gần 1 triệu học sinh, sinh viên.
Từ khi thực hiện Luật BHYT đến nay, cùng với tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm, số kinh phí trích lại từ tiền thu BHYT dành cho y tế học đường cũng tăng lên đáng kể. BHYT học sinh, sinh viên đã phát huy hiệu quả thiết thực với công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên luôn được cơ quan BHXH chuyển đến kịp thời, tạo nguồn lực quan trọng phát triển y tế trường học.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên cũng ngày càng được tăng lên, học sinh, sinh viên được thụ hưởng nhiều lợi ích khi đi khám, chữa bệnh BHYT. Cụ thể, Quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh, sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính như điều trị suy thận bằng chạy thận nhân tạo; điều trị thuốc chống ung thư, phẫu thuật tim mạch với chi phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có trường hợp chi tới hàng tỷ đồng...
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Thu, BHXH Việt Nam Đinh Mai Hạnh, mặc dù nhóm học sinh, sinh viên đã được quy định là nhóm bắt buộc tham gia BHYT nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với những trường hợp không tham gia. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc học sinh, sinh viên tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương.
Bên cạnh đó, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT, do một bộ phận học sinh, sinh viên chưa nhận thức đúng về giá trị của BHYT, cho rằng BHYT chưa mang lại lợi ích trong khám, chữa bệnh, chủ quan nghĩ mình chẳng bao giờ ốm đau, bệnh tật. Thêm nữa, do điều kiện hoàn cảnh kinh tế khó khăn của nhiều hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có con em là học sinh, sinh viên nên không có tiền mua BHYT.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, khi chuyển từ BHYT tự nguyện sang bắt buộc và theo hộ gia đình, còn một bộ phận học sinh, sinh viên chưa tham gia vì chính sách chưa cởi mở. Học sinh, sinh viên tham gia theo mô hình hộ gia đình thì nên bảo đảm yêu cầu là từ người thứ ba trở đi được giảm và đến người thứ tư, thứ năm hoàn toàn được miễn giảm. Thứ hai, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động giúp học sinh, sinh viên biết được mục đích ý nghĩa quan trọng của tham gia BHYT là đóng thấp nhưng hưởng quyền lợi rất cao. Đồng thời chỉ rõ, tham gia BHYT không phải là trách nhiệm cá nhân mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, để sớm hoàn thành mục tiêu bao phủ BHYT đến 100% học sinh, sinh viên, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện một số nội dung như giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh, sinh viên cho từng cơ sở giáo dục; là tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH thực hiện thu BHYT bảo đảm theo đúng quy định đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu BHYT của những tháng còn lại năm 2019. Đối với học sinh, sinh viên đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu BHYT của năm 2020 vào cuối năm 2019; cơ sở giáo dục thu tiền đóng của học sinh, sinh viên theo phương thức linh hoạt 3 tháng; 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào Quỹ BHYT.
Lê Hoa