Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 02/12/2023 04:19 GMT+7

Phải có kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19

Biên phòng - Thực tiễn cho thấy, hiện nay, nguy cơ xảy ra thiên tai (TT) ngày càng gia tăng, dị thường và gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân. Thực tế đó đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả TT trong thời gian tới cần phải được quan tâm toàn diện hơn. Đặc biệt, trong điều kiện chúng ta vừa phòng, chống dịch Covid-19, khi bão xảy ra thì phòng, chống bão triển khai như thế nào? Các địa phương cần phải có kịch bản để ứng phó với từng tình huống cụ thể.

Năm 2020, lũ, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại gần 17.000 tỉ đồng. Ảnh: Mí Lùng

Năm 2021 có khả năng xảy ra 12-14 cơn bão

Năm 2020, TT diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng, miền cả nước. Cả nước đã xảy ra 16/21 loại hình TT, trong đó, có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long... Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động phòng chống thiên tai (PCTT).

Theo Tổng cục PCTT, năm 2020, TT đã làm 357 người chết và mất tích; hơn 3.400 nhà sập, trên 333.000 nhà bị hư hại, tốc mái; nhiều diện tích lúa và vật nuôi của nhân dân bị hư hại, cuốn trôi. Tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng (trong đó: Do lũ, ngập lụt là hơn 18.400 tỷ đồng; lũ quét, sạt lở đất là gần 17.000 tỷ đồng).

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, TT còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực.

Nhận định về xu thế TT trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự báo, số lượng bão, áp thấp trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta năm 2021 có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm. Các tháng còn lại của năm 2021, khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó, 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Nửa đầu mùa (từ tháng 6 đến tháng 9), bão, ATNĐ sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vào thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9 đến tháng 11) sẽ tập trung ở khu vực giữa và Nam biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực từ Bắc Trung Bộ trở vào phía Nam. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong mùa mưa bão năm 2021.

Các đợt lũ vừa và lũ lớn khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng tập trung nhiều vào nửa cuối mùa lũ. Lũ trên các sông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động (BĐ)1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị tiếp tục có nguy cơ xảy ra do mưa lớn cục bộ trong các tháng mùa lũ.

Tập trung nguồn lực ứng phó

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác ứng phó, chống đỡ TT là công tác dự báo. Ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong mùa mưa bão năm 2020, ngành khí tượng thủy văn đã cảnh báo sớm trước bão 5 ngày; dự báo, cảnh báo ATNĐ trước 3 ngày; dự báo trước 2-3 ngày đối với mưa lớn diện rộng với độ tin cậy trên 75%. Công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cũng có nhiều cải tiến. Những đợt lũ lớn có thể cảnh báo trước 24-48 giờ. Dự báo các trận lũ lịch sử có trước 12-48 giờ. Tuy nhiên, do hạn chế về khoa học công nghệ, chúng ta chưa dự báo được lũ quét, sạt lở đất mà mới chỉ ở mức độ cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét ở một vùng hoặc một khu vực rộng. Vì vậy, gây nhiều khó khăn cho công tác ứng phó.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, BĐBP Hà Giang giúp người dân khắc phục hậu quả sạt lở đất. Ảnh: Mí Lùng

Bên cạnh đó, trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế. Chính vì vậy, một trong những ưu tiên đầu tư là cần tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng PCTT, tìm kiếm cứu nạn, đầu tư mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng và nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo TT.

Ngày 4-6, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nhận định, xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra TT ngày càng gia tăng, bất thường. Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó với TT, đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, năm nay dự báo nước ta sẽ hứng chịu 5-7 cơn bão đổ bộ vào đất liền. "Phải quyết tâm thật cao để làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại do TT trong năm 2021. Đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do TT gây ra. Tuyệt đối không được chủ quan” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan Trung ương, cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát TT, bảo đảm kịp thời, chính xác. Bên cạnh đó, cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về TT, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát TT. Các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả TT, từ Trung ương tới địa phương tiếp tục tăng cường trang thiết bị. Ưu tiên bố trí ngân sách, tập trung xử lý dứt điểm các công trình trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả TT.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO