Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 10:47 GMT+7

Phải có biện pháp quyết liệt để xử lý ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài

Biên phòng - Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, được tổ chức ngày 10-8, tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định.

yqd6m3pbgf-65481_117774560768609013_1_Thiu_tng_L_Nh_c_pht_biu
Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Oanh

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021" tỉnh Bình Định, hiện địa phương này có 6.466 tàu cá, trong đó phần lớn là tàu đánh bắt xa bờ ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã mở nhiều lớp để tuyên truyền về Luật biển và các văn bản pháp luật có liên quan cho cán bộ và nhân dân khu vực biên giới biển; tổ chức cấp phát 37.000 tờ rơi, 3.000 đĩa phim, 3.500 tài liệu hỏi đáp, thực hiện các chuyên mục về biển, đảo trên sóng phát thanh, truyền hình và báo in… Tuy nhiên, hiện nay tình trạng ngư dân xâm phạm chủ quyền các nước vẫn đang tiếp diễn. Năm 2016 có 52 tàu với 388 thuyền viên bị các nước bắt giữ; từ đầu năm 2017 đến nay có 17 tàu với 118 ngư dân bị bắt giữ.

Nguyên nhân khách quan của hành vi vi phạm là do các nước trên Biển Đông chưa phân định các vùng chồng lấn. Trong thời gian qua, một số nước tăng cường tuần tra ở vùng biển này để khẳng định chủ quyền. Bên cạnh đó, do Trung Quốc xua đuổi ngư dân hành nghề, làm ngư trường đánh bắt ngày càng co hẹp.

Nguyên nhân chủ quan là do ngư dân thiếu ý thức chấp hành pháp luật, đặt nặng về lợi ích kinh tế; công tác quản lý tàu cá bằng hệ thống định vị hiện đại chưa theo kịp thực tế, thiếu chế tài xử lý tàu cá vi phạm; các nước xử lý, phạt tù ngư dân, nhưng không gửi văn bản thi hành cho cơ quan pháp luật Việt Nam…

9erydbcjwg-65490-2140055071767510471-ng-dn
Tình trạng tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đang trở thành vấn đề nóng, làm đau đầu các cơ quan chức năng. Ảnh: Phương Oanh

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho rằng: “Việc xác minh việc ngư dân vi phạm trên biển gặp khó khăn, nhưng cũng phải cương quyết xử lý, không để tình trạng trên tái diễn. Vì việc xâm phạm chủ quyền sẽ ảnh hưởng đến vị thế, danh dự của người Việt Nam”.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu: “Sau khi tuyên truyền và tổ chức cho ngư dân ký cam kết thì phải kiểm tra lại xem có chấp hành tốt không; phải có biện pháp quyết liệt để xử lý thì mới hiệu quả. Toàn bộ thuyền trưởng, máy trưởng chỉ đi biển theo kinh nghiệm, nên phải được đào tạo bài bản trở lại để ngư dân có hiểu biết về pháp luật”.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO