Biên phòng - Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) từ ngày 23 đến 26-5, được đánh giá là một cuộc bầu cử quan trọng bậc nhất trong năm nay, bởi nó có thể là một cuộc trưng cầu ý dân về công trình hội nhập đã tồn tại 6 thập kỷ qua của một khối các quốc gia đóng tại Brussels (Bỉ). Ngần ấy thập kỷ gắn kết, song giờ đây, một thành viên lại đang tìm cách dứt áo ra đi, làm dấy lên không ít câu hỏi về tính hiệu quả của liên minh này. Cuộc bầu cử Nghị viện là cơ hội để châu Âu phá vỡ sự hoài nghi đó, cho dù kết quả có thế nào đi chăng nữa...

Cuộc bầu cử này không chỉ quan trọng đối với tương lai của châu lục mà với cả phần còn lại của thế giới, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) vẫn là một siêu cường kinh tế, với tổng GDP tương đương với Mỹ và lớn hơn Trung Quốc. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới, khi tổng số các quốc gia có châu Âu đang là đối tác hàng đầu trải rộng từ châu Á cho đến châu Mỹ. Trong bối cảnh Anh đang xúc tiến các thủ tục để rời khỏi EU (còn gọi là vấn đề Brexit), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng mô tả, cuộc bỏ phiếu này là một lựa chọn hoặc là vì châu Âu, hoặc chống lại châu Âu.
Ngờ vực
Quả thực, thách thức đối với ông Emmanuel Macron và những người cùng chí hướng chính là việc cuộc bầu cử diễn ra trong hoàn cảnh rất nhiều cử tri bất mãn và thờ ơ. Điều này còn bị kích động bởi thực tế là hầu hết người dân ở châu lục đã không còn niềm tin vào EP, cho rằng Brussels dường như quá thờ ơ với cuộc sống của họ.
Theo thống kê, số lượng cử tri tham gia bầu cử EP đã giảm liên tục, từ 62% năm 1979 xuống mức thấp kỷ lục là 42% vào năm 2014. Tại một số quốc gia, lượng người đi bầu cử cũng chỉ đạt mức khoảng 2 con số trong lần bầu cử trước. Sự thờ ơ này xảy ra bất chấp việc các cường quốc phát triển mạnh mẽ được hưởng lợi từ EP. Với “cú huých” Brexit thì cánh buồm của những đảng phái chống EU dường như đang được thổi căng.
Từ năm 2014, sự trỗi dậy của những đảng phái chống EU khiến việc hoạch định chính sách ở Brúc-xen càng thêm phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách kinh tế. Đó là bởi các đảng hoài nghi châu Âu hầu hết đều phản đối thương mại tự do và EP thì lại có quyền phủ quyết đối với nhiều hiệp ước quốc tế. Thực tế, các đảng chống hội nhập có thể giành đủ ghế tại cơ quan lập pháp này trong lần bầu cử hiện nay để gây ảnh hưởng một cách mạnh mẽ và khả năng còn cản trở sự lập pháp, chứ không chỉ nói suông và đó chính là vấn đề.
Các vấn đề lớn hơn còn bao gồm sự bất an từ trong sâu thẳm đối với các đảng chính trị và các hệ thống đã được thiết lập từ lâu ở các quốc gia, nỗi lo ngại xung quanh vấn đề nhập cư, sự bất mãn đối với thời kỳ suy thoái kinh tế hậu 2008 cũng như các biện pháp khắc khổ kéo theo sau đó, rồi tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ. Rốt cục, châu Âu đã thay đổi. Thay đổi đó là sự trỗi dậy của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc mà giờ đây đang nắm quyền ở Hungary, Ba Lan, Italy và đang trở nên ngày càng phổ biến ở hầu hết các quốc gia chủ yếu khác ở châu Âu.
Chẳng hạn, các cuộc thăm dò hiện tại ở Pháp cho thấy đảng Nền cộng hòa tiến bước của Tổng thống Pháp Macron đạt kết quả chẳng hơn gì đảng Tập hợp quốc gia (trước đây là Mặt trận quốc gia) của Marine Le Pen. Đảng Liên đoàn phương Bắc và Phong trào 5 sao của Italy, cũng như đảng Luật pháp và công lý của Ba Lan cũng được kỳ vọng sẽ có những thành tích đáng kể, song các đảng Xanh ở Đức và Hà Lan cũng vậy.
Tin tưởng
Theo kết quả thăm dò ý kiến được thực hiện tại 28 nước thành viên EU, khá nhiều nước vẫn tỏ ra hào hứng với châu Âu. EP cho biết, điều bất ngờ là có đến 61% công dân châu Âu cho rằng gia nhập EU là quyết định đúng đắn.
Chưa bao giờ uy tín của EU được đề cao như vậy kể từ khi liên minh này mở rộng, kết nạp thêm hàng loạt thành viên mới hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, sau khi Liên Xô tan rã. Trường hợp điển hình nhất là Tây Ban Nha với 69% cử tri "mê" châu Âu. Nước này sẽ đưa đa số ứng cử viên của đảng Xã hội cầm quyền vào EP. Tâm lý hãnh diện là "công dân châu Âu" của người dân Tây Ban Nha cao hơn các nước thành viên Nam Âu khác là Italy và hai đầu tàu châu Âu là Pháp, Đức.
Tương tự, nước láng giềng Bồ Đào Nha cũng vượt qua giai đoạn chế độ quân phiệt để dân chủ hóa và gia nhập EU. Từ năm 1995 đến nay, tỷ lệ người già nghèo khổ tại nước này đã giảm một nửa. Thăm dò ý kiến cho thấy, 69% công dân Bồ Đào Nha hãnh diện là "công dân châu Âu" và sẽ bầu cho đảng Xã hội vào EP.

Trong khi đó tại Cộng hòa Ireland, 83% dân chúng "thích" châu Âu. Họ cho rằng phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc trở thành thành viên EU. Từ năm 1973 đến nay, Cộng hòa Ireland đã nhận được 42 tỷ euro từ Quỹ châu Âu, tạo ra 700.000 việc làm, ngoại thương tăng gấp 90 lần. Tất cả các chính đảng của nước này đều thân châu Âu.
Ba nước Baltic gồm Estonia, Litva và Latvia sau khi độc lập với Liên Xô trước đây, đã gia nhập EU từ năm 2004 và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. EU đồng nghĩa với sự thịnh vượng thông qua một thị trường chung. Ngay ở Estonia, cho dù đảng cực hữu nằm trong chính phủ liên hiệp, tỷ lệ công luận "thân châu Âu" cũng lên đến 74%. Tại hai nước còn lại là Litva và Latvia, không có nhóm bài châu Âu nào lập danh sách ứng cử. Phải chăng dân chúng tại các quốc gia này biết rút kinh nghiệm đau thương nên chọn con đường đồng hành hơn là xé lẻ?
Bấp bênh
Những cuộc thăm dò mới nhất cho thấy cán cân quyền lực trong Nghị viện chủ yếu vẫn đang do những người ủng hộ hội nhập chiếm đa số đang nắm giữ. Mặc dù điều này sẽ khiến nhiều người ở trong và ngoài châu lục yên lòng, song tương lai châu Âu chưa thể được đảm bảo một cách chắc chắn. Một Nghị viện với cơ cấu gần như ngang nhau giữa các lực lượng chống châu Âu và các lực lượng thân châu Âu sẽ có nguy cơ trở nên tê liệt thực sự.
Trong hoàn cảnh đó, sự hợp tác vượt khỏi khuôn khổ các nhóm chính trị truyền thống và việc tìm kiếm sự đồng thuận về các vấn đề, như khí hậu hoặc củng cố EU với tư cách là lực lượng kiến thiết toàn cầu để các nhóm có thể tìm thấy tiếng nói chung, là điều vô cùng quan trọng.
Xét cho cùng, đối với những nhân vật kỳ cựu ở Brussels, thời điểm quan trọng nhất không phải kết quả đầu tiên của cuộc chạy đua được công bố, mà là khi sau đó các lãnh đạo quốc gia họp với nhau trong một bữa tối ở Brussels. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, các lãnh đạo sẽ thảo luận về các vị trí đứng đầu các ủy ban, hội đồng, nghị viện và cả ngân hàng trung ương châu Âu. Và trọng trách phá vỡ hoài nghi tiếp theo sẽ đổ dồn về những người “cầm cân nảy mực”...
Hồng Ngọc