Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Phá Thóng chắt chiu từng giọt nước

Biên phòng - Sau chừng 1 giờ đồng hồ vượt qua con đường đất đèo dốc quanh co dài hơn 20km, chúng tôi đã đặt chân tới bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Hình ảnh dễ thấy nhất ở đây là những ống nhựa dẫn nước nhỏ bằng ngón chân cái chạy từ nhà này qua nhà khác. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa khô là Phá Thóng lại “khát nước”.

Người dân tới tổ công tác của Đồn Biên phòng Nậm Lạnh xin từng can nước về dùng. Ảnh: Bích Nguyên

Mường Và là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, còn Phá Thóng là bản nghèo nhất của xã Mường Và. Toàn bản có 69 hộ đồng bào Mông sinh sống. Ở bản vùng cao này, cái gì cũng thiếu nhưng dai dẳng nhất là thiếu nước sinh hoạt. Cuộc sống của dân bản vì thế càng thêm khó khăn, bất tiện.

Sáng sớm tinh mơ, tôi nghe tiếng người lao xao phía đầu hồi nhà của tổ công tác địa bàn, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh. Người dân lục tục mang theo những chiếc can 20 lít lên đây xin nước. Anh Giàng A Lý giãi bày: “Trước kia, nhà tôi ở gần cột mốc 172. Con cái đi học xa quá nên gia đình tôi đã chuyển xuống ở phía sau nhà văn hóa của bản. Ở đây gần trường học, con cái đi học thuận lợi hơn, nhưng lại có cái khổ là không có nước dùng. Nhà tôi không có bể chứa, lại ở cuối nguồn nước, hứng cả đêm không được một can. Vì thế, ngày nào tôi cũng phải lên đây xin nước của bộ đội”.

Nhiều năm nay, cứ vào mùa khô, các hộ dân ở Phá Thóng lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Anh Lý bảo rằng: “Bên cạnh sự khó khăn về giao thông, điều mà chúng tôi lo lắng nhất là thiếu nước sinh hoạt. Vào mùa mưa, nước sinh hoạt dồi dào hơn nhưng lại bị bẩn đục, phải đổ nước ra chậu, lắng lại mới dùng được. Mùa khô, nước khan hiếm hơn. Mỗi ngày tôi phải đi xin 2 can nước chỉ để dùng cho việc nấu ăn. Còn việc tắm giặt, chúng tôi phải tới tận khe suối”.

Cũng trong hoàn cảnh phải đi xin nước hằng ngày mỗi khi mùa khô tới, anh Mùa A Lâu thở dài nói: “Gia đình tôi đã mua đường ống dẫn nước rồi nhưng không có nước. Chúng tôi hứng cả buổi mà không đủ để nấu cơm”.

“Nhà tôi ở cuối nguồn nên nước chảy nhỏ giọt như người ta nấu rượu vậy. Ngày nào cũng thế, nếu buổi sáng không đi xin nước được thì tối về, vợ chồng tôi phải thay phiên nhau tới tổ công tác của đồn Biên phòng để xin nước. Chúng tôi phải dùng nước rất tiết kiệm. Mong rằng, Nhà nước đầu tư cho bản đường ống dẫn nước lớn hơn, có bể chứa để người dân đủ nước dùng. Cứ hứng từng giọt một thế này khổ quá” - anh Lâu chia sẻ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bản Phá Thóng được thành lập từ năm 1999. Trong nhiều năm nay, các hộ dân ở đây phải sống trong tình trạng thiếu nước không hẳn do không có nguồn nước mà là do thiếu đường ống dẫn nước và bể chứa. Trung tá Lò Văn Bình, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị triển khai chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 tại Phá Thóng. Điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn, anh em phải vào nhà dân trong bản để xin từng can nước về phục vụ sinh hoạt. Hứng được 1 can 20 lít nước phải mất 20 phút. Việc tắm giặt đều phải ra suối, trời nóng cũng như trời lạnh. Tháng 7-2021, đơn vị xây dựng lại chốt theo hướng kiên cố hóa đã đầu tư đường ống dài hơn 3km dẫn nước từ khe nước phía đầu bản về. Từ đó, anh em mới có đủ nước để dùng.

Sau khi hoàn thành công tác phòng, chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh bố trí 2 cán bộ “bám trụ” lại chốt vừa nắm tình hình địa bàn, vừa phụ trách lớp xóa mù chữ ở đây. Thiếu tá Lò Văn Phích, 1 trong 2 cán bộ của tổ công tác địa bàn Phá Thóng cho biết: “Chúng tôi phải dùng nước rất tiết kiệm vì còn phải san sẻ cho người dân nữa. Thực tế, khu vực đầu bản có một mó nước nhưng không có mạch to, người dân phải đào giếng ở đó rồi bắc đường nước về. Nguồn nước của tổ công tác cũng dẫn từ đó về, có 5 hộ dân khác cùng dùng chung nguồn nước này. Các hộ dân thiếu nước dùng là do không có đường ống dẫn nước và không có bể chứa”.

Chỉ một số ít hộ dân ở bản Phá Thóng có thùng chứa nước để phục vụ sinh hoạt. Ảnh: Bích Nguyên

Cũng theo lời anh Phích, cả bản chỉ có điểm trường Phá Thóng, Trường Tiểu học Quang Cáp, xã Mường Và có bể chứa nước nhưng lại không có đường ống dẫn nước. Còn các hộ dân đều không có bể chứa. Trước đây, Nhà nước đầu tư cho 2-3 hộ dân dùng 1 thùng nhựa có dung tích 1m3 để chứa nước nhưng đã bị hỏng hết. Anh Hạng A Thái, một người dân ở đây cho hay: “Phần lớn các hộ dân ở đây dùng nước trực tiếp, ai có chậu, xô hoặc có cái gì thì hứng bằng cái đó”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Mùa A Dinh, ở bản Phá Thóng bày tỏ mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống nước sinh hoạt để người dân trong bản có điều kiện sống tốt hơn, yên tâm làm ăn. “Việc thiếu nước sinh hoạt, chúng tôi đã ý kiến với xã, huyện nhiều lần rồi. Lần nào tiếp xúc cử tri, bà con cũng có ý kiến nhưng vẫn chưa thấy chuyển biến gì. Bây giờ, chúng tôi chỉ có một mong muốn là Nhà nước làm công trình nước sạch cho dân” - anh Dinh nói.

Đem câu chuyện thiếu nước sinh hoạt của người dân bản Phá Thóng trao đổi với lãnh đạo địa phương, tôi nhận được sự chia sẻ và cảm thông của ông Lò Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Và. Ông Hương cho biết: “Không chỉ Phá Thóng, một số bản khác như Huổi Vèn cũng rơi vào tình trạng thiếu nước vào mùa khô. Chính quyền rất chia sẻ với người dân. Thực tế, chính quyền đã kêu gọi các nhà đầu tư vào khảo sát nhưng không có mó nước đủ lớn. Hiện, Phá Thóng chỉ có 3 nguồn nước nhỏ. Chúng tôi đã lên phương án, đề xuất xây dựng các bể chứa, sau đó, phân phối cho các hộ dân”.

Thiết nghĩ, nước sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong khi chưa có đủ điều kiện làm các công trình nước sạch quy mô thì trước mắt, chính quyền địa phương nên đầu tư đường ống dẫn nước và hỗ trợ các bể chứa nước bằng nhựa để người có thể hứng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

“Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, Nhà nước sớm đầu tư xây dựng các bể chứa nước và làm đường ống dẫn nước đến các nhà dân. Nếu hứng nước cả đêm sẽ đủ để phân phối nước cho các hộ dân dùng” - Thiếu tá Lò Văn Phích kiến nghị.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO