Biên phòng - Tiến độ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 đang rất chậm dường như là hệ quả tất yếu từ việc “vỡ” kế hoạch giai đoạn trước đó. Bởi trong cả giai đoạn 2016-2020, chỉ có 39/137 doanh nghiệp thuộc danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện CPH. Về thoái vốn, chỉ đạt 30% về số lượng doanh nghiệp và 11% tổng giá trị vốn phải thoái.

Nối tiếp tiến độ chậm chạp trên, nửa năm 2022 đã đi qua, nhưng theo báo cáo của Bộ Tài chính, công tác CPH tiếp tục diễn ra chậm khi duy nhất Công ty TNHH MTV phà An Giang hoàn thành CPH. Đối với công tác thoái vốn, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022,các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn tại doanh nghiệp thu về 2.180 tỷ đồng.
Lý giải về việc “lỡ” kế hoạch CPH, thoái vốn, nhiều chuyên gia chỉ ra các nguyên nhân: Doanh nghiệp CPH, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai và tồn tại nhiều vấn đề về tài chính. Những vướng mắc trong việc định giá đất, định giá tài sản,xác định giá trị doanh nghiệp,lập phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất để triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nướctiếp tục được ghi nhận là rào cản lớn nhất đối với tiến trình CPH, thoái vốn.
Cùng với đó, một số phương án CPH chưa hấp dẫn với nhà đầu tư nên không bán hết số lượng cổ phần lần đầu (IPO), dẫn đến hạn chế giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn lòng lẻo, thiếu quyết liệt. Doanh nghiệp nhà nước cũng chưa chủ động triển khai đến khi cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện.
Thế nên, đến thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương, cấp có thẩm quyền mới phê duyệt phương án xử lý được khoảng 75% tổng số cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cần được sắp xếp lại.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của chính sách sắp xếp lại, xử lý nhà đất là để rà soát, tổng hợp lại toàn bộ quỹ nhà, đất là tài sản công do các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng. Trên cơ sở đó bố trí sử dụng một cách hợp lý quỹ nhà, đất hiện có phục vụ công tác quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công và hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp nhà nước không CPH vẫn phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm và có phương án xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi không hoàn thành mục tiêu, kế hoạch CPH, thoái vốn đã đề ra. Thậm chí, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã từng có kiến nghị, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Rõ ràng, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn chưa cao, còn ngại khó, né tránh, sợ trách nhiệm, thiếu tính chủ động mà trông chờ vào việc thay đổi cơ chế, chính sách mới triển khai, còn tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm đến các bộ và Chính phủ quyết định đang khiến công tác CPH trì trệ so với kế hoạch đề ra.
Việc CPH càng để lâu càng khó thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng đến số thu về ngân sách nhà nước từ CPH, thoái vốn. Do vậy, Bộ Tài chính và các ngành liên quan cần sớm rà soát, nghiên cứu quy định về xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất. Các cơ chế chính sách cũng cần được sửa đổi, bổ sung đồng bộ bảo đảm tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ CPH.
Thiết nghĩ, sự trì trệ trong CPH, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước chỉ được cải thiện và có được những kết quả cụ thể khi cả hệ thống chính trị và các cơ quan hữu quan quyết tâm vào cuộc với nỗ lực cao nhất.
Thanh Thảo