Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:17 GMT+7

Ông Vàng Chỉn Tờ học tập và làm theo lời Bác

Biên phòng - Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, vậy mà từ dáng vóc bên ngoài cho tới lời nói, ông Vàng Chỉn Tờ, người có uy tín thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vẫn sang sảng, mau lẹ, linh hoạt. Ở ông luôn toát lên phẩm chất của một đầu tàu gương mẫu, nói luôn đi đôi với làm.

Ông Tờ (thứ hai từ trái sang) luôn dành nhiều thời gian, tâm sức phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ đường biên, cột mốc để làm gương cho người dân trong bản. Ảnh: Thanh Hưởng

Chúng tôi theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Thàng Tín tới nhà ông Tờ vào lúc xế chiều. Trung tá Nguyễn Văn Đại, cán bộ Đồn Biên phòng Thàng Tín được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Thàng Tín nói với tôi rằng: “Không chỉ hoàn thành mọi công việc của thôn, việc gia đình, bác Tờ còn tích cực tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng. Đặc biệt, bác Tờ có rất nhiều đóng góp vào việc cùng với BĐBP giữ gìn cột mốc biên giới quốc gia”.

Do đã có hẹn từ trước nên hôm nay, ông đi làm nương về sớm hơn thường ngày. Nhìn thấy chúng tôi từ xa, ông chạy ra, đon đả mời vào nhà. Với ông, những người lính Biên phòng thân thiết như người nhà vậy. Ông Vàng Chỉn Tờ nguyên là cán bộ xã Thàng Tín, đã nghỉ hưu được 15 năm, nhưng thực tế, ông đâu có nghỉ ngơi. Từ ngày nghỉ việc xã, ông tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn biên giới Giáp Trung. Ông Tờ tâm sự: “Từ ngày nghỉ hưu, công việc còn nặng nề hơn khi còn làm cán bộ xã đấy, các cháu ạ. Nhà có hai vợ chồng già và hai đứa con, tôi trồng cấy trên 1,5ha ruộng nương, hơn 2ha rừng được giao khoán bảo vệ, rồi đàn trâu, bò, chưa kể lợn, gà, ngan, vịt, ngày nào cũng phải chăn thả”.

Uống xong ngụm trà, Trung tá Nguyễn Văn Đại tươi cười hỏi ông Tờ: “Thế tình hình hai cột mốc dạo này thế nào hả bác?”. Ông Tờ trả lời: “Vẫn bình thường, cháu ạ. Sáng nay, bác vừa đi một vòng từ mốc 224 (2) sang mốc 225”. Trung tá Nguyễn Văn Đại quay sang nói với tôi: “Bác Tờ quản lý hai cột mốc là 224 (2) và 225. Bác thường ở dưới đó trông lán nên nếu phát hiện vấn đề gì phát sinh trên biên giới, bác sẽ báo tin cho xã, đồn Biên phòng để xử lý ngay”.

Cũng theo lời Trung tá Đại, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia theo tinh thần Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đồn Biên phòng Thàng Tín đã tổ chức phong trào cho các tập thể, hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia tự quản, bảo vệ các cột mốc. “Bác Tờ hăng hái nhận quản lý hai cột mốc 224 (2) và 225. Cứ mỗi lần lên cột mốc là bác lại lau chùi bốn mặt cột mốc cho sạch, cho nổi rõ những dòng chữ Việt Nam và con số in trên hai mặt chính của cột mốc, cũng như kiểm tra hiện trạng của cột mốc” - Trung tá Đại cho biết.

Chúng tôi tò mò hỏi: “Điều gì khiến bác mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn miệt mài, nhiệt tình làm tốt nhiệm vụ của người cán bộ thôn, chăm lo các cột mốc biên giới, chăm sóc, bảo vệ rừng, cho tới việc phát triển kinh tế của gia đình đều trọn vẹn như vậy?”. Ông Tờ cười hiền từ tâm sự: Tôi luôn tâm niệm mốc quốc giới quan trọng như cái cột nhà của mình. Cái cột nhà mình bị hỏng, bị tổn hại thì nhà có nguy cơ đổ sập, nguy hiểm đến tính mạng, tinh thần của mình. Vì vậy, tôi luôn ráng sức làm những điều tốt nhất để góp phần cùng BĐBP giữ vững đường biên, cột mốc. Đối với việc chăm sóc, bảo vệ rừng, tôi cũng cố gắng hết sức.

Phải coi rừng như tài sản của mình, bảo vệ rừng là bảo vệ cho chính lợi ích của mình, gia đình, cộng đồng, chứ không phải cho nhà nước như nhiều người vẫn nghĩ. Còn đối với việc chăn nuôi trâu, bò, trồng trọt, phát triển kinh tế để thoát nghèo, trở thành hộ khá của thôn thì đó chính là cuộc sống của mình, không chịu khó thì không thể trở thành hộ khá giả được, các cháu ạ. Tôi muốn làm gương để bà con còn làm theo, bỏ cái tính trông chờ, ỷ lại đi. Vai trò lớn nhất của người có uy tín chính là ở chỗ đó. Ngoài ra, mình còn phải tích cực vận động bà con trong thôn xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không vi phạm pháp luật, chung tay giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới quốc gia.

Điểm qua các thành tích của ông Tờ có được trên các tấm bằng khen, giấy khen được đóng, dán trang trọng trên các cột, dầm nhà, tôi thấy rằng, ông Tờ đã nhiều lần được khen thưởng về các thành tích trong bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang.

Chúng tôi hỏi ông Tờ: “Bác đã được tặng Bằng khen về thành tích thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, vậy bác thấy tâm huyết nhất và nhớ nhất về lời dạy nào của Bác Hồ?”. Ông Tờ tươi cười nói tiếp: “Trong 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang năm 1961, mà tôi được quán triệt, học tập, tôi thấy lời nào Bác Hồ căn dặn cũng rất ý nghĩa, phù hợp và dễ nhớ. Sau 60 năm, khi ngẫm lại, vẫn thấy những lời của Bác căn dặn sao mà sâu sắc đến thế. Tôi tâm đắc và cũng luôn nhắc nhở mọi người, nhất là các cháu còn trẻ ở trong thôn, đó là lời căn dặn thứ 7 của Bác Hồ: “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ, phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ”. Đúng là một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, người Mông ở bản này bỏ được tập quán du canh, du cư cũng nhờ có cái chữ. Nếu không đi học, không có kiến thức thì không biết đường nào mà làm ăn, không giữ gìn sức khỏe, không biết phân biệt phải trái, đúng sai, không thể bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu được, chỉ tụ tập uống rượu thì sẽ gây nên nhiều cái xấu khác thôi”.

Trực tiếp trò chuyện, chúng tôi thật sự khâm phục ông Vàng Chỉn Tờ - một cán bộ, đảng viên đã học, hiểu thực chất và vận dụng đúng những lời Bác Hồ căn dặn. Ông Vàng Chỉn Tờ thật xứng đáng với những gì mà cộng đồng đã lựa chọn và đề nghị tôn vinh ông - Người có uy tín tiêu biểu là tấm gương tiêu biểu để bà con thôn Giáp Trung, xã Thàng Tín học tập, noi theo.

Thanh Hưởng

Bình luận

ZALO