Biên phòng - “Mấy năm trước, có người đến nhà đòi mua hết số cây bồ kết với giá 30 triệu đồng, tôi không bán, nếu bán là thua to rồi. Năm ngoái thu trái bán được 120 triệu đồng, năm nay trái ra nhiều, lấy chắc ăn thu 150 triệu đồng. Đây là loại thuộc nhóm cây cổ thụ, chẳng cần chăm sóc gì cả, trái rụng xuống nhặt giống như “nhặt tiền”, êm ăn nhất hạng” - ông Hoàng Định Thuận, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 2, xã Ia Hrung, huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai nói.

Ông Thuận lấy đôi ủng cho tôi xỏ vào để dẫn đi thăm vườn cây rộng mấy héc ta, trồng đủ các loại cây: cà phê, tiêu, sầu riêng, bơ, vải... “Trước đây, cây tiêu chết hàng loạt, nông dân điêu đứng, do dịch bệnh một phần, thiếu kiến thức quản trị cây trồng cũng nhiều. Bà con cứ nghe mấy ông tiếp thị bán phân bón nói loại nào cũng “siêu ra trái”, ai cũng bỏ tiền ra mua về bón xuống gốc quá nhiều, dẫn đến cây bị “ngộ độc”. Tôi đã sớm nhận ra được những tác hại lạm dụng phân bón hóa học nên dừng lại sớm, còn cứu được nhiều gốc không bị chết. Năm ngoái thu được mấy tấn tiêu hạt, năm nay, giá tiêu cao cũng kiếm được trên 200 triệu đồng” - ông Thuận nêu vấn đề cụ thể.
Nguồn thu quanh năm
“Tại sao anh để cỏ lên lút cả gốc tiêu?” - tôi thấy lạ. Ông Thuận nói ngay: “Mấu chốt nó nằm ở đó, nhiều người cũng hỏi tôi như vậy. Trước mùa mưa, tôi bón phân hữu cơ xung quanh gốc. Vào mùa mưa, tuyệt đối không được đụng gì vào gốc tiêu, cứ để cỏ lên cao, nó có tác dụng giảm độ nén của đất do mưa lớn dội xuống. Rễ cỏ chằng chịt dưới mặt đất có tác dụng như “đường thở” của gốc tiêu, trao đổi được khoáng chất, sang mùa khô mới “đập” sạch cỏ (dùng máy cắt cỏ). Anh thấy vườn tiêu của nhà tôi xanh rì, trái ra đầy từ dưới gốc lên ngọn. Nếu tính chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, như vụ năm 2022 sẽ giảm hơn một nửa so với trước đây, điều quan trọng là sức khỏe của cây tiêu tuyệt vời. Năm 2023 mới thu lớn”.
Với kinh nghiệm từ thực tiễn của mình, sau 3 năm, ông Thuận đã phục hồi lại vườn tiêu mấy trăm gốc. Trách nhiệm trưởng thôn, ông đi phổ biến kiến thức và cách làm cho nhiều người dân trong thôn biết, thay đổi phương thức canh tác, chăm sóc cây tiêu đạt năng suất cao, lợi nhuận nhiều.
Suốt nhiều năm, ông Thuận làm trưởng nhóm phát triển cây cà phê bền vững. Lúc đầu, có nhiều hộ không muốn tham gia hội thảo đầu bờ, sinh hoạt mỗi khi có chuyên gia nông nghiệp về tận vườn cà phê tư vấn. “Tôi đến từng nhà hỏi rõ ngọn ngành, đầu đuôi như thế nào. Họ trả lời “biết rồi...”. Tôi giải thích: “Bà con nói “biết rồi”, tại sao nhà mình làm mãi mà chưa giàu? Cây trồng còn chết hàng loạt? Bà con cứ chịu khó đến lắng nghe đã, rồi tính sau, có mất mát gì đâu”. Bà con nghe lời, đến dự hội thảo và nghe chuyên gia nói mới “vỡ” ra được nhiều điều hay. Cái mà đánh vô trực diện túi tiền của nông dân, đó là ai cũng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, vừa lãng phí, vừa hại cây trồng” - ông Thuận chia sẻ.
Qua phân tích, hướng dẫn canh tác đúng cách của chuyên gia, bà con đã giảm một nửa tiền mua phân bón, năng suất trên diện tích lại cao hơn. Ông Thuận làm trước, tận dụng vỏ cà phê trộn với phân chuồng, bỏ thêm men vi sinh, ủ cho hoai mục, mang ra bón trực tiếp dưới gốc cây trồng. Chính vì vậy, sản lượng của ông Thuận lúc nào cũng cao hơn nhiều hộ khác.
“Ông bà mình có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Hằng ngày, bà con trong thôn thấy tôi làm, thấy cây ra trái nhiều, họp dân, tôi đề nghị bà con chuyển đổi cách làm, ai cũng hưởng ứng ngay. Nhà tôi có thu nhập quanh năm: Tháng 10 và 11 thu hoạch cà phê, tháng 12 thu hoạch bồ kết. Ăn Tết xong thu tiêu, chuyển sang thu bơ, sầu riêng... Mỗi thứ mang lại vài chục triệu đồng đến mấy trăm triệu đồng, cộng lại thành cục tiền to” - ông Thuận hào hứng cho biết.
Hễ chỗ nào có mô hình hay, làm ăn có hiệu quả, ông Thuận rủ người dân trong thôn đi đến tham quan, học hỏi, mở mang kiến thức trong sản xuất. Ông Lữ Thanh Trọng, một nông dân trong thôn 2 kể: “Tôi nghe lời bác Thuận rủ đi sang huyện khác xem mô hình tái canh cây cà phê bằng giống cao sản năng suất cao, về nhà mua chồi ghép mấy héc ta. Năm nay, sản lượng cao gấp đôi so với cà phê chưa ghép giống mới. Bác Thuận là nông dân sản xuất giỏi, cách bác hướng dẫn trồng và chăm sóc cây tại vườn rất dễ hiểu, dễ áp dụng ngay. Tấm lòng trưởng thôn luôn lo nồi cơm cho dân, ai cũng nể trọng”.

Dân “bắt” làm trưởng thôn
Cứ mỗi lần chuẩn bị bầu trưởng thôn, y rằng người dân trong thôn bắt đầu xì xào, bàn tán để giữ ông Thuận tiếp tục làm trưởng thôn, 15 năm liên tục làm trưởng thôn. Ông Nguyễn Khắc Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Hrung cho biết: “Trưởng thôn là cấp chính quyền sát dân nhất, đi làm rẫy cũng gặp trưởng thôn, dự đám cưới, đám tang... cũng có trưởng thôn. Nếu không được lòng dân, thì khó trụ vững lâu được, gần như ngày nào trưởng thôn cũng tiếp xúc với dân, hay dở bà con biết ngay. Nhiều lần anh Thuận xin chính quyền cho nghỉ làm trưởng thôn, cái chính là người dân vẫn muốn anh Thuận làm. Thực tế nhiều năm qua, dân trong thôn 2 luôn đoàn kết và phát triển tốt”.
Những năm gần đây, thôn 2 đã vượt lên đứng đầu xã Ia Hrung trong mọi phong trào. 100% hộ dân trong thôn làm nông nghiệp, cái quan trọng hàng đầu phải tăng thu nhập trên diện tích canh tác, dân khấm khá lên thì mọi phong trào đều tham gia tốt.
“Năm ngoái, thôn huy động dân đóng góp được 250 triệu đồng làm đường giao thông thôn, năm 2022 đóng 140 triệu đồng. Muốn dân làm theo chủ trương của cấp trên, bản thân trưởng thôn phải biết hi sinh lợi ích cá nhân, đôi khi đóng góp nhiều tiền hơn. Dân đóng tiền vào xây dựng cái này, cái kia ở thôn, cần phải công bằng, rõ ràng, công khai, minh bạch từng khoản chi tiêu cho toàn dân biết, giải thích cặn kẽ khi có hộ nào thắc mắc” - ông Thuận nói về công việc.
Ông Lê Công Phú, Chủ tịch UBND xã Ia Hrung thông tin: “Thôn 2, xã Ia Hrung là một trong những khu dân cư đầu tiên của huyện Ia Grai được công nhận thôn văn hóa. Nhờ có trưởng thôn nhiệt tình, trách nhiệm, uy tín nên mọi phong trào được triển khai thực hiện rất tốt, đời sống của bà con đổi thay, tiến bộ rất nhiều”.
Hải Luận