Biên phòng - Người dân của ấp Tân Kiên (xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) cũng như những người dân của phum Đôn (xã Ruông, huyện Mê Mốt, tỉnh Bum Thum, Vương quốc Campuchia) đều dành cho ông Ba Nghĩa tình cảm đặc biệt. Đó là sự cảm phục, mang ơn người không những gắn bó cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc, mà còn thường xuyên giúp đỡ một cách nhiệt tình để người dân hai bên biên giới thoát cảnh nghèo khó, cưu mang giúp đỡ họ lúc hoạn nạn, khó khăn.
Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Hà, BĐBP Tây Ninh tuần tra biên giới, băng qua những cánh rừng cao su để ra mốc 101-102, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp của rừng cao su bạt ngàn thẳng tắp, hun hút trước mắt. Mất gần một giờ đi bộ băng qua rừng cao su, chúng tôi nghỉ chân tại một căn nhà cấp 4 ngay giữa rừng cao su. Trung úy Võ Văn Sáu, Đội Vận động quần chúng cho chúng tôi biết: Đây là nhà của ông Bùi Văn Nghĩa, người dân nơi đây thường gọi thân thiết là “ông Ba Nghĩa”. Căn nhà này ông ở để trông coi ruộng cũng như rừng cao su mà chúng tôi vừa đi qua.
Thoạt nhìn, không ai nghĩ ông Nghĩa đã 70 tuổi, bởi vóc người vạm vỡ, săn chắc, da ngăm đen, giọng nói hào sảng. Thật bất ngờ, khi chúng tôi đến nhà, ông đã pha ấm nước chè chờ sẵn tại sân vườn. Không khỏi tò mò, tôi hỏi ông:?“Sao biết chúng tôi sẽ vào đây?”. Ông Ba Nghĩa cười sảng khoái, hóm hỉnh đầy ý nghĩa: “Ở đây các chú Biên phòng và nhà tôi như anh em trong nhà. Biên phòng đi tuần tra phải đi qua rừng cao su và cánh đồng lúa của gia đình tôi. Vậy sao tôi không biết được”. Qua câu chuyện của ông, chúng tôi biết được ông là chủ của hơn 40 mẫu cao su và hơn 20 mẫu ruộng. Ruộng của ông cạnh mốc quốc giới 101 và 102 mà chính ông là người đã nhận trông coi, bảo vệ.
Ông Ba Nghĩa cho biết: Gia đình ông khai hoang tại đây đã gần 40 năm, từ thời cha ông đến lập nghiệp ở mảnh đất này. Trước kia, đây chỉ là khu đất hoang, toàn cây ngập mặn. Nhiều người đến khai hoang nhưng rồi cũng bỏ đất mà đi, vì đất khó canh tác. Chỉ có gia đình ông bám trụ lại được và thành quả của việc khai hoang đó đến giờ là hơn 40 mẫu đất trồng cây cao su và hơn 20 mẫu ruộng. Mỗi năm, riêng cao su đã cho ông thu lời hơn 1 tỉ đồng.
Về vấn đề bảo vệ đường biên, mốc giới, ông bảo: “Không phải chỉ từ mấy năm gần đây mà từ thời cha ông, hồi còn chưa phân giới cắm mốc, đường biên chỉ nhận dạng qua bờ ruộng, gia đình tôi đã tự giác bảo vệ biên giới rồi”. Khi phân giới cắm mốc xong, cột mốc 101 và 102 nằm ngay trên ruộng của ông, ông cũng nhận trông luôn, ngày ngày ra ruộng, ông lui tới kiểm tra hiện trạng mốc giới.
Thời gian này, cứ thứ Sáu hằng tuần, ông lại cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Hà tổ chức họp dân ở ấp Tân Kiên để tuyên truyền về Quy chế khu vực biên giới. Không những thế, mỗi dịp họp dân tại chùa bên phum Đôn (xã Ruông, huyện Mê Mốt, tỉnh Bum Thum, Vương quốc Campuchia), ông lại được các già làng, người có uy tín của phum Đôn mời sang dự cùng để tuyên truyền về những quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề biên giới.
Khi được hỏi lý do gì khiến những người dân bên kia biên giới, đặc biệt là những trưởng phum, người có uy tín quý mến ông đến vậy, ông Ba Nghĩa nói: “Tôi là người lớn tuổi, lại được người dân quý mến. Nhiều gia đình khó khăn bên kia được tôi cho vay tiền, không lấy lãi để đầu tư làm ăn. Có những hộ, tôi cho vay 70 đến 80 triệu đồng, như gia đình ông Bôn Tết, Khơm Đon, Pum Xi Ty. Những lần họ sang, tôi cùng cán bộ Đồn Biên phòng Tân Hà hướng dẫn bà con đi mua phân bón, chỉ bảo cho họ cách trồng cao su cũng như chăm bón ruộng”. Ông Ba Nghĩa lập ra một quỹ gần 700 triệu đồng để cho người có hoàn cảnh khó khăn vay. Sau một năm người vay trả gốc, ông lại cho người khác vay. Cứ tuần tự như vậy, nhiều người dân của ấp Tân Kiên cũng như người dân nghèo nước bạn Campuchia có nguồn vốn để làm ăn mà không phải trả lãi.
Thiếu tá Ngô Xuân Kiên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tân Hà cho biết: Ông Ba Nghĩa không những gắn bó mật thiết với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, mà còn là người đi đầu trong các phong trào tham gia tự quản đường biên, cột mốc.
Với sự nhiệt tình cũng như đóng góp của ông, năm 2014, ông Nghĩa được ra Hà Nội, được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng Giấy khen trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Cũng năm 2014, ông được Bộ Tư lệnh BĐBP tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Kim Nhượng