Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 23/03/2023 05:25 GMT+7

Ổn định thị trường nông sản

Biên phòng - Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, thế nhưng thu nhập của người nông dân vẫn hạn chế, điệp khúc “giải cứu”, “được mùa rớt giá”, ùn ứ, tắc nghẽn nông sản vẫn khó tới hồi kết.

Vài thiều Thanh Hà được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh minh họa

Thời điểm này, người nông dân Nam bộ đang đứng ngồi không yên vì nhiều loại trái cây đang vào mùa thu hoạch rộ dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, khiến giá nhiều loại trái cây giảm mạnh. Cụ thể, giá các loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... giảm từ 5.000-15.000 đồng/kg so với đầu vụ.

Trong khi xuất khẩu nhiều loại nông, thủy sản đang tăng trưởng mạnh, thì giá trị xuất khẩu hàng rau quả 5 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 5/2022, xuất khẩu rau quả ước đạt 300 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng cây ăn quả chính phía Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn. Nhưng xuất khẩu trái cây vẫn đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Thế nên, việc Trung Quốc duy trì chính sách “Zero Covid” khiến các mặt hàng nông sản nói chung, rau quả nói riêng vào thị trường này đối diện nhiều khó khăn, tiến độ xuất khẩu chậm, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt trên 700 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ.

Mặt khác, các thị trường nhập khẩu ngày càng trở nên “khó tính” hơn, đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn, kiểm duyệt khắt khe hơn nên việc xuất khẩu nông sản đối diện với nhiều rào cản hơn. Do đó, nông sản Việt xuất khẩu cần phải nâng tầm cả về chất lượng cũng như mẫu mã để không đánh mất thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, nông sản Việt vẫn trong tình trạng bấp bênh, các địa phương mạnh ai nấy làm và còn nhiều hạn chế từ công tác điều hành, tổ chức sản xuất đến chế biến, tiêu thụ... Dù vậy, giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng, muốn thị trường nông sản ổn định, bền vững, chúng ta cần có một chính sách bài bản và có tính hệ thống.

Tình trạng “được mùa rớt giá”, ùn ứ nông sản chỉ giải quyết được khi ngành nông nghiệp sớm đổi mới, tổ chức lại sản xuất, tăng chế biến để giảm lượng thô đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản, đồng thời thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa để thị trường thông suốt.

Các chuyên gia lưu ý, xuất khẩu tiểu ngạch là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu. Cùng với đó, người nông dân vẫn buôn bán chủ yếu thông qua trung gian, bán qua đại lý nên bị cắt đứt với thị trường về thông tin, tiêu chuẩn, về giá cả.

Do vậy, doanh nghiệp, người nông dân phải dứt khoát chuyển đổi sang phương thức xuất khẩu chính ngạch, dần loại bỏ xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Muốn vậy phải phát triển mạnh các hợp tác xã để thay thế hệ thống thương lái và đại lý, đồng thời đẩy mạnh thương mại điện tử, liên kết, liên doanh trong tiêu thụ sản phẩm.

Đối với thị trường trái cây, các chuyên gia lưu ý đặc biệt chú trọng thị trường nội địa với dân số gần 100 triệu người, là nơi tiêu thụ 70% nông sản và còn rất nhiều tiềm năng vì sức tiêu thụ ngày càng tốt hơn, đa dạng phong phú và cũng cao cấp hơn.

Rõ ràng, để nông sản vươn tới các thị trường lớn, đòi hỏi các địa phương sớm hình thành các vùng chuyên canh lớn cho các mặt hàng chiến lược như cà phê, lúa gạo, thủy sản, rau quả. Doanh nghiệp, người nông dân phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản phẩm xanh, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng thị hiếu... để có thể giữ chân được thị trường xuất khẩu.

Người nông dân chỉ thực sự yên tâm canh tác, làm ra các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao khi các khâu chế biến, bảo quản, các trung tâm logistics... được đầu tư phát triển đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất hàng hóa nông sản trong tình hình mới.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO