Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:09 GMT+7

Ổn định thị trường lao động

Biên phòng - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, không có đơn hàng để sản xuất đã lên kế hoạch cho nhân công nghỉ việc với quy mô lớn. Con số này có thể tăng khi các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa thể hồi phục.

Anh: minh họa

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ tháng 9 đến tháng 11/2022, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam phải đối mặt với nỗi lo giảm thu nhập, mất việc làm khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 lao động bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng.

Ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm, nên các nhà máy gia công cho các nhãn hàng bị ảnh hưởng nặng nề. Đơn cử như đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may tại thị trường Mỹ giảm 40%, châu Âu giảm 60%; lượng hàng tồn kho chiếm tới 25%.

Các doanh nghiệp sau một thời gian dài cầm cự, vượt qua đại dịch Covid-19 giờ lại thấm đòn suy thoái kinh tế và lạm phát ở nhiều nước trên thế giới nên đành chấp nhận cắt giảm lao động và quy mô sản xuất.

Hệ quả là nhiều lao động bấy lâu nay quen với công xưởng, nhà máy giờ thất nghiệp về quê chưa biết phải làm gì. Trong khi nhiều gia đình rời quê lên thành phố lập nghiệp, thu nhập trông cả vào đồng lương công nhân.

Sinh hoạt hằng ngày, tiền nhà trọ, học hành của con cái giờ không biết lấy đâu khi việc làm, thu nhập bị cắt giảm.

Thấu hiểu hoàn cảnh này, nhiều doanh nghiệp thực hiện việc chi trả trợ cấp mất việc và các khoản phúc lợi khác khá đầy đủ. Nhưng có nơi cũng chỉ là những lời hứa suông vì doanh nghiệp cũng đang chật vật đứng bên bờ vực phá sản.

Mới đây, gói vay 10.000 tỷ đồng trong tổng số 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân đã được Ngân hàng Nhà nước gấp rút triển khai để hỗ trợ nhanh nhất đến người lao động các khu công nghiệp trên toàn quốc. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị giảm sâu đơn hàng, động viên các chủ doanh nghiệp cố gắng giữ người lao động để chờ phục hồi.

Tuy nhiên, các chuyên gia lao động cho rằng, về lâu dài, chúng ta phải tìm kiếm những giải pháp an sinh bền vững hơn cho người lao động. Bởi, điều mong mỏi của người lao động không phải nằm ở những gói hỗ trợ an sinh hay những khoản tiền trợ cấp mà là công việc và thu nhập ổn định. Thực tế, 60% lao động vào các nhà máy làm việc mà không cần bất cứ điều kiện gì, tức rất dễ tuyển và cũng dễ bị thay thế khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất khẩu không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, Nhà nước cần xem đây là dịp để cân đối lại tỷ trọng của các ngành, điều phối lao động giữa các ngành sản xuất, dịch vụ, xây dựng... Các ngành nghề cần mạnh dạn chuyển dịch phân khúc gia công sang những phân khúc có giá trị cao hơn, đồng thời chuyển dịch phát triển sản xuất cân bằng, hài hòa giữa thành thị và nông thôn để tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Vấn đề cấp bách lúc này là phải tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh bằng cách mở rộng thị trường, kết cấu nối cung cầu trong và ngoài nước, cùng các chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư tái sản xuất để duy trì công ăn việc làm cho công nhân.

Trước mắt, một phương án có thể tạo ra việc làm mới cho người lao động là thúc đẩy nhanh các dự án đầu tư công ở các ngành, địa phương. Hiện, hàng trăm nghìn tỷ đồng không giải ngân được đồng nghĩa hàng vạn việc làm mới đã không được tạo ra.

Đây chính là sự “tiếp sức” thiết thực nhất cho doanh nghiệp, người lao động trước làn sóng suy thoái toàn cầu.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO