Biên phòng - Ở các bản làng trên dải Trường Sơn, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về các anh bộ đội giải phóng. Họ có thể là những người đeo hàm tướng, cũng có thể chỉ là một anh binh nhì, nhưng trong mỗi câu chuyện đều cảm nhận được tình cảm của đồng bào dành cho các anh vẫn không hề thay đổi sau bấy nhiêu năm. Trong những ngày này, bên bếp lửa hồng, tôi được nghe người già kể chuyện "Trường Sơn ngày ấy" để nhắc nhở con cháu nhớ về một thủa đất nước đứng lên.
Nhắc về "những ngày ấy", cả ông và bà đều trở nên hào hứng. Cũng như nhiều thanh niên trong bản, lúc đang độ tuổi thanh xuân, chàng thanh niên Cu Ro vượt núi tìm bộ đội và được tiếp nhận vào bộ phận dân công vận chuyển, chuyên gùi đạn, súng và lương thực. Cũng tại nơi đây, ông đã gặp cô gái người Tà Ôi tên Đol cùng quê ở A Lưới, bởi vậy mà họ nhanh chóng thân thiết. Tình yêu đã khiến cho đôi chân của chàng trai, cô gái không biết mệt khi gùi hàng ngược dốc, không sợ bom đạn của kẻ thù, mà càng hăng say hơn với niềm tin sau ngày chiến thắng sẽ về lại A Đớt dựng nhà, sinh con đẻ cái.
Đám cưới của đôi trai gái dân tộc Tà Ôi trên đỉnh Trường Sơn trong thời kỳ bom đạn diễn ra hết sức đơn giản, nhưng được các anh chị bộ đội rất quan tâm. Chiến tranh nên mọi người có gì tặng nấy. Quà cưới có khi là xấp vải, kẹo, hay chè khô, thuốc lá và cũng có khi lại là cái kim, sợi chỉ. Đôi vợ chồng trẻ vô cùng xúc động trước tấm lòng của mọi người. Lúc ấy, ông bà nói với nhau rằng, sau này khi sinh con, sẽ đặt tên con theo tên các anh chị bộ đội để luôn nhớ về họ.
|
Vợ chồng ông Cu Ro và bà Kăn Đol với bằng Huân chương ghi chung tên 2 người. |
Thế nhưng, niềm mong mỏi ấy lại chẳng thành hiện thực. Chẳng hiểu vì lý do gì mà ông bà mãi không có con. Hai người sống lặng lẽ trong căn nhà nhỏ tại thôn A Đớt. Tháng 9-2009, Đồn BPCK A Đớt làm nhà Đại đoàn kết tặng ông bà. Hai vợ chồng già, không con cái nay không phải lo mỗi khi mưa gió. Năm 2013, triển khai phong trào "Hũ gạo tình thương", chỉ huy Đồn BPCK A Đớt quyết định mỗi tháng hỗ trợ gia đình ông bà 300 ngàn đồng và giao cho Chính trị viên phó, Thiếu tá A Liêng Hà hằng tháng mua gạo, thực phẩm và nhu yếu phẩm hỗ trợ gia đình. Ông Cu Ro bảo: Ngày còn trẻ, cuộc sống của chúng tôi gắn bó với các anh bộ đội, nay về già cũng vẫn là những người lính đứng ra đỡ đần. Vợ chồng tôi không có con để tuổi già có người chăm sóc, nhưng được như ngày hôm nay cũng mãn nguyện rồi.
Thôn Cù Bai, xã Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị từng được coi là "vùng đất chết", "tọa độ lửa" bởi bom đạn của giặc Mỹ đã thả xuống vùng đất này. Đồng bào Vân Kiều đói nghèo nhưng luôn một lòng hướng về cách mạng, tin theo Đảng, theo Bác Hồ. Đồng bào bụng không no nhưng không khi nào thiếu cơm cho bộ đội, nhà đồng bào nhỏ nhưng chưa khi nào thiếu chỗ cho bộ đội nằm.
Khi ấy, có một phong trào mà mọi người ngầm thi đua với nhau. Một cuộc thi không phải nhà nào trồng được nhiều lúa, ngô nhất mà là nhà nào đóng góp cho bộ đội nhiều nhất. Và khắp nơi, người già, phụ nữ lên nương trỉa lúa, trồng bắp để thanh niên cõng gạo ra chiến trường cho bộ đội ăn no đánh giặc. Bởi vậy, nhiều nhà trồng được 100 gùi thóc thì đóng góp cho cách mạng tới 60-70 gùi. Người ở lại vẫn vui vẻ ăn bữa sắn độn nhiều hơn cơm cùng với măng và rau rừng.
Ông Hồ Xừng là già làng của Cù Bai. Ông có vóc dáng cao, to và đôi mắt sáng, lúc nào cũng ánh lên vẻ tinh anh. Ông có vô vàn những câu chuyện về các anh bộ đội, về Cù Bai đã anh dũng chiến đấu cũng như gắn bó với bộ đội. Và người được ông nhắc đến nhiều nhất là bộ đội Phùng Thế Tài (nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam). Ông Xừng ngày ấy rất thích được nghe bộ đội Tài nói chuyện và rất hãnh diện khi được bộ đội Tài nhờ đưa đi tìm chỗ trú ẩn, đường đi an toàn cho bộ đội và những chuyến hàng.
Bộ đội Tài bảo, mọi người hãy chịu khó, chịu khổ thêm một thời gian nữa, đất nước giải phóng sẽ được ấm no, hạnh phúc hơn. Bởi vậy, khi bộ đội Tài nói cần mở đường, nhiều người đã nắm cơm mang đi góp sức, nhiều nhà đã tình nguyện chuyển nhà ra chỗ khác, hiến đất nương nhà mình cho công việc chung.
Đến nay, tuổi ông Hồ Xừng đã bước vào xưa nay hiếm. Ông vẫn luôn là tấm gương sáng cho mọi người vì những việc làm của ông luôn minh chứng cho lời nói. Từ mảnh đất bị bom cày đạn phá, ông đã tìm lối thoát nghèo bằng phát triển kinh tế rừng. Ông là một trong những người đầu tiên trồng keo và cây bời lời trên vùng đất từng được gọi là "vùng đất chết" và cho đến nay, từ rừng, nhà ông luôn có của ăn của để. Ông bảo, bản lĩnh không chịu khuất phục khó khăn, ông có được là nhờ những năm tháng cùng bộ đội đánh Mỹ.
Mất gần 30 phút đi bộ, chúng tôi mới đến được thôn Đắk Ngol, xã La Êê, Nam Giang, Quảng Nam. Thôn Đắk Ngol trước kia ở sát biên giới Việt - Lào, do nguồn nước khan hiếm nên được chuyển đến vị trí ngày nay. Ông Zơ Râm Niêm có căn nhà gỗ, lợp tôn chắc chắn, nhưng ông bà lại sinh hoạt chủ yếu ở ngôi nhà truyền thống, mái tranh thấp, muốn bước vào trong nhà phải cúi người. Bước vào nhà, chân chạm nền, tôi tưởng sàn được làm bằng tôn cũ bởi cảm giác mát lạnh và đầy vết mấp mô.
Sự thực là sàn được làm từ những tấm gỗ do ông Niêm dùng rìu đẽo từ thân cây cổ thụ mấy chục năm trước. Nhà được làm từ năm nào không nhớ chính xác, nhưng chắc chắn là ngôi nhà này từng tiếp đón rất nhiều anh bộ đội giải phóng, trong đó có Đại đội trưởng Đại đội 36 Nguyễn Chơn (sau trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân). Đại đội 36 từng hạ trại đóng quân gần nhà ông Niêm. Thời gian không dài nhưng đủ để có những kỷ niệm mà tận gần 50 năm sau ông Niêm và mọi người vẫn nhớ.
Ông Niêm nhớ Đại đội trưởng Nguyễn Chơn không phải vì là người có chức trách cao nhất mà vì có cách nói chuyện lôi cuốn, đi vào lòng người. Lúc ấy, bà con Cơ Tu, Tà Riềng ở các xã La Êê và các xã lân cận đang thi đua gùi hàng cho bộ đội. Biết thế, nên Đại đội trưởng Nguyễn Chơn cũng như anh em bộ đội khác trong đại đội đều rất cảm động. Điều đó được thể hiện qua cách cư xử của các anh với bà con trong bản và sự sẻ chia vật chất (đơn giản là lương khô, đồ hộp) dù các anh còn thiếu thốn trăm bề và cần ăn no để đánh giặc. Cũng có lẽ vì những sự sẻ chia trong thời kỳ gian khó ấy để rồi đã hơn 40 năm qua, nhiều bậc lão thành vẫn luôn nhớ về những anh bộ đội của Đại đội 36 ngày đó.
Cho đến bây giờ, Trường Sơn vẫn như ngày ấy, vẫn đầu nắng cuối mưa, vẫn Đông nắng đốt, Tây mưa quây. Trường Sơn không còn những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, những đoàn xe vận tải âm thầm vượt hiểm nguy chi viện cho chiến trường miền Nam, nhưng những câu chuyện, hình ảnh về họ vẫn còn mãi trong tâm thức của đồng bào nơi đây.