Biên phòng - Gen-ne-vi-vơ gây cho mọi người niềm xúc động. Nhưng đã đến lúc họ gọi đến tên các cô Beatrice, Gabrielle, Anne-Marie và Dominique! Dính dáng cả đến Huguette và Eliane (tên các cô gái đẹp đặt cho các cứ điểm). Chỉ còn có Claudine và Isabelle ở phía Nam là yên ắng. Sau 4 ngày đầu tháng tư, Tướng Giáp tung ra đợt tiến công thứ hai. Các lực lượng chính ở Eliane 4 đã đầu hàng. Trận địa bị thu hẹp lại dần. Các máy bay C-47 đi tiếp tế phải vọt lên trên tầm bắn nên hàng loạt dù lọt vào tay Việt Minh. Bằng mọi giá, quân Pháp phải chiếm lại Eliane 1 (A1) và giải tỏa đường băng.
![]() |
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa. Ảnh: Tư liệu |
Họ đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê. Suốt một ngày, họ bị đẩy lùi và chúng tôi chiếm lại được một phần Eliane 1. Khi binh sĩ tôi vào chiến hào, đào trận địa, vấp phải đầy các tử thi. Cả lính Pháp, lính dù người Việt Nam bị đất phủ kín xác. Mùi hôi thối xông lên khủng khiếp!".
Đại tá Lang-le sau này còn tức giận khi kể lại: Tử thần đã đến tất cả mọi nơi. Từ giữa tháng 4, thật ra cái chết đã lù lù ở sau lưng chúng tôi. Cuộc ác chiến đầu tháng 4 ít nhất làm mỗi bên chết 2.000 người. Tướng Giáp bỗng tạm ngưng lại. Ông quyết định chuyển hướng chiến thuật: Một cuộc tiến công dưới lòng đất. Ông đã triển khai 10.000 quân cùng dân công đào một hệ thống 100 dặm đường hào vươn tới trung tâm thung lũng.
Trong cái nhà mồ y tế Pháp, cảnh tượng thật tối tăm, nhầy nhụa. Y viện ngầm đã nhích đến tận cùng chỗ dùng làm nhà xác. Ở đấy có khi thương binh nhìn thấy bọ trắng to lù bò ra giữa những đống bông băng. Chân họ đầy giòi. Bích-cát nhận xét: Bác sĩ bỏ mặc họ. Tôi thì đề phòng sẽ xảy ra cho họ bệnh hoại thư. Giòi bọ bò quanh chân thương binh. Thật kinh khủng!
Đại tá Lang-le buộc phải ra lệnh đưa người còn khỏe thỉnh thoảng ra khỏi lô cốt để có dịp thay đổi không khí. Ông còn cho họ sắm vai những chàng hiệp sĩ trong giây lát! Cô Gen-ne-vi-vơ thì chỉ còn mỗi một chiếc áo choàng y tế, một đôi quần và vỏn vẹn có một thỏi son bôi môi. Riêng cô có một căn hầm trú ẩn. Lang-le thì chỉ có một chiếc giường, một chiếc ghế dã chiến làm chỉ huy sở.
Sĩ quan và binh lính phải xé dù ra căng vào vách hào. Vào đúng ngày 13-4, cái cô Gen-ne-ni-vơ ấy tròn 29 tuổi. Sinh nhật tại căn nhà nhỏ này lại là niềm vui lớn và thật quá bất ngờ cho tôi! Gen-ne-ni-vơ nghĩ như vậy.
Trên không, những tấm ảnh chụp được phát hiện những đường hầm của Tướng Giáp đã bò lan nhanh chóng. Hà Nội thông báo qua đài vô tuyến điện, đề nghị sẽ thả các phương tiện đo tiếng động. Bộ Chỉ huy Điện Biên Phủ trả lời: Khỏi cần, chúng tôi đang nghe thấy cả tiếng họ đào rồi! Từ đỉnh núi, Tướng Giáp được báo cáo đã xong hàng trăm ki-lô-mét đường hào. Yêu cầu cơ động quân đội bất kể có bom na-pan và pháo địch.
Quân Pháp thì ngày càng bối rối thảm hại dựa vào chiếc đồi thấp. Bích-cát nói: Quân số chúng tôi hẫng hụt dần. Tiểu đoàn 800 người khi nhảy xuống, rút xuống 700, 600, 400, 300, 180 người. Cuối cùng chỉ còn lại 80 người khỏe hơn, nhưng thừa chết thiếu sống.
Trên thế giới, cơn giận dữ, cuộc điên loạn, giá trị và sự tiến thoái lưỡng nan về Điện Biên Phủ kín các trang báo. Dưới đầu đề "Chiến tranh lạnh", tạp chí Time số ra ngày 3-5 mở đầu câu chuyện: "Cái đêm dài thất trận đang đến không sao thoát được ở đồn trại hào hùng Điện Biên Phủ. Tại Pa-ri, cây đang đâm chồi nẩy lộc rực rỡ giữa mùa xuân, nhưng tâm trạng thì u uất như cái bóng dáng thung lũng ở Đông Dương, cách đây 6.000 dặm đang che tối sầm Pa-ri lại!".
Tờ Le Monde viết: "Sự sống sót ở Điện Biên Phủ đang chỉ là giới hạn của thời gian và người ta thay đổi cách trang trí, trang phục cho những người ở sân bay đang chờ đón các chuyến chở thương binh. Nước trên sông có chở thương binh đi qua phải lọc lại và ai dùng phải có thêm thuốc nhỏ mắt. Ở đây, họ quá thừa nước cho con người, trong khi đó lại quá keo kiệt làm loạn lên cho một nơi đang khát khô".
Tổng thống Ai-xen-hao nhậm chức vào ngày 20-1 lưu ý Thủ tướng Anh Chu-chai: "Nếu tôi có thể bắt lịch sử quay lại, chúng tôi sẽ không quên chặn đứng Hi-rô-hi-tô, Mút-xô-li-ni và Hít-le bằng từ đoàn kết và thời gian". Ai-xen-hao muốn đồng minh tham gia vào bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào, đặc biệt là sự yểm trợ hữu hiệu của Anh.
Lúc đó, Oa-sinh-tơn đang dàn cảnh cho một kịch bản oanh tạc. Nhà viết sử La-con-tuya ở Hà Nội mô tả có một mật hiệu chiến dịch "Chim kền kền" được chuẩn bị. Người Mỹ đã đưa sang Ma-ni-la hơn 200 phi cơ oanh tạc định đè bẹp các vị trí Tướng Giáp đã chiếm lĩnh.
Tờ Nhật báo Lầu Năm Góc đưa tin không chính thức về chiến dịch này. Phó Tổng thống Ních-xơn chống trả dư luận rằng kịch bản đang tiến triển. Trong cuốn hồi ký, Ních-xơn viết: Ở Oa-sinh-tơn, Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân vạch ra kế hoạch chiến dịch "Chim kền kền", tính đến thả ba quả bom nguyên tử chiến thuật cỡ nhỏ để phá hủy các căn cứ Việt Minh nhằm cứu Điện Biên Phủ.
La-con-tuya kể: Cuộc oanh kích hạt nhân chiến thuật đã bị các nhà lãnh đạo Quốc hội bác bỏ, trước hết là thủ lĩnh Hạ nghị viện Giôn-xơn. Thủ tướng Anh Chu-chai là người phái chủ chiến cũng coi điều này không thể thực hiện được và cực kỳ nguy hiểm.
Trong số những người phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ, có F.Ken-nơ-đi. Vị thượng nghị sĩ trẻ tuổi nói: "Không một sự tăng viện quân sự nào của Hoa Kỳ ở Đông Dương có thể chiến thắng được quân thù, hiện họ đang có mặt khắp nơi và ngay lúc này, họ hiện diện ở ngay đây… Ta gọi họ là "một kẻ thù của nhân dân", nhưng họ đã có sự ủng hộ hoàn toàn và cảm tình của nhân dân".
Trong những ngày đầu tháng 5, Ai-xen-hao trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên phải quyết định tiếp tục hay dừng lại cuộc tranh cãi về chiến tranh ở Việt Nam. Tờ Time, theo phong cách cũ không sao bắt chước được, đã kết luận trong bản tường trình chiến sự ngày 3-5 như sau: "Phải chăng vận may đã đến, phải chăng hồng quân của Tướng Giáp cũng đang mòn mỏi như các đạo quân đồn trú ở Điện Biên Phủ?". Và liệu khả năng giản đơn, có thể đang đến: Tiêu hao dần trong đêm tối, hoặc sẽ chết, hoặc cắt nát cái đồn trại hàng ngàn mảnh vụn, hoặc là đầu hàng trong danh dự… Nhưng giả thiết này cứ chập chờn ẩn hiện không rõ ràng trong bóng đêm đang tối sầm lại ở Điện Biên Phủ.
Thời điểm đó, ở thung lũng có những nhà dàn cảnh chính vẫn cứ im lặng đến kỳ lạ. Hầm hào của Tướng Giáp chỉ cách Sở chỉ huy Pháp có 4.000 bộ. Ít có đấu pháo nứa, nhưng đang là lúc hai bên lại thông tin cho nhau về quan điểm lịch sử. Phía chiến hào Việt Minh, loa phóng thanh vang lên những bài ca kháng chiến của nhân dân Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai, với điệp khúc: "Đồng bào ơi! Tự do đang nghe thấy từ bóng đêm"… Khi chiếm lại được mỏm đồi ở Eliane 1 (A1), lính Pháp lợi dụng bóng đêm hát vang bài La Marseillaise (Quốc ca Pháp).
Bích-cát kể lại: Tôi nói cho binh sĩ chúng ta cố giữ thêm một ngày nữa. Người Mỹ không bỏ rơi ta ở đây; thế giới tự do sẽ không bỏ rơi chúng ta. Họ sẽ tới. Đó là điều chúng tôi nghĩ đến khi đó.
Đờ Cát-xtờ-ri đã được lên cấp tướng và hứa mỗi người đều sẽ được tặng thưởng Huân chương Thập tự chiến tranh. Các sĩ quan đã dành cho cô Gen-ne-vi-vơ một vinh dự. Cô được mời đến Sở chỉ huy. "Khi tôi tới, họ nói có việc gì đó xảy ra cho tôi. Tướng Đờ Cát-xtờ-ri trao cho tôi một bì thư. Khi mở ra, tôi thấy có tấm Bội tinh danh dự".
Đại tá Lang-le kể: Tôi nhớ mãi cảnh tượng khi đó, cô Gen-ne-vi-vơ vội vã bước lên nhận tấm Huân chương do tướng Đờ Cát-xtờ-ri gắn. Những người khác sau này kể lại, ý nghĩa duy nhất còn lại là nghĩ đến chuyện thưởng lẫn nhau Bội tinh danh dự. Lang-le thuật lại trận đánh cuối cùng đã chậm hai ngày, rồi từ đêm 5, cả ngày 6 đã diễn ra và kết thúc vào sáng 7-5.
Ngày 6-5, Lang-le và mọi người đều đã kiệt sức, hoàn toàn rã rời. Chúng tôi hiểu không còn cách gì làm tiếp được nữa. Hết cả đạn dược, quân số cũng cạn. Do vậy mà kể từ ngày 7-5, khi quân Việt Minh tới, thực sự là cuộc chiến đấu của chúng tôi đã chấm dứt. Quân Pháp cũng đã tính đến một cuộc tháo chạy tự sát. Hai đội quân sẽ chạy sang Lào và mỗi binh đoàn sẽ tự tìm lấy vận may cho mình. Sớm ngày mồng 7, Lang-le kêu gọi sĩ quan nào còn sống sót tới xung quanh để bắt đầu một cuộc thử sức cuối cùng. "Nhưng các sĩ quan (lời Lang-le kể) thông báo cho binh sĩ không còn khả năng chống cự lâu được nữa. Tôi báo cáo lên tướng Đờ Cát-xtờ-ri tình hình này. Ông ta gọi Hà Nội và thông báo cuộc chiến đấu đã chấm dứt".
Bích-cát kể: Chúng tôi nhặt nhạnh vài vị chỉ huy tiểu đoàn và bàn việc tháo chạy. Họ nói: Không, không còn cái giá nào lúc này nữa đâu. Chúng tôi làm sao mà ra khỏi đây nổi, dù chỉ 100 mét thôi. Đờ Cát-xtờ-ri báo cho Hà Nội: "Thế là hết". Na-va trả lời qua máy vô tuyến điện nhanh: "Đừng giơ cờ trắng, chỉ ngừng chiến đấu thôi".
Đại tá Lang-le kể: Hà Nội đã thỏa thuận cho đầu hàng nhưng "không phất cờ trắng lên". Lúc đó là 1 giờ chiều, ngày mồng 7, các sĩ quan và cả cô Gen-ne-vi-vơ đứng vây quanh Sở chỉ huy chờ đợi. Đúng 5 giờ chiều, kể từ giờ phút mở màn đã là 55 ngày. Mọi người nghe thấy tiếng nói của Việt Minh gọi nhau xung quanh. "Chúng tôi nghe thấy có cái gì rộp trên nóc hầm - Lang-le kể lại - Tôi ngồi xuống ghế, đặc biệt là không biết mình nghĩ đến điều gì cả. Những bậc hầm dẫn ra ngoài đã ở ngay trước mắt. Tôi đã có thể nhìn trọn một mảng trời. Lúc đó, chúng tôi đều nghĩ đến trái lựu đạn. Lạy Chúa! Rất có thể liệng xuống chỗ bậc hầm này một trái lựu đạn và sẽ nổ tung hết. Nhưng trường hợp này đã không xảy ra. Các binh sĩ chiến thắng Việt Nam đội mũ nan, lưỡi lê đầu súng bước vào chỉ nói: "Đứng dậy".
Sở chỉ huy lúc đó đầy ắp người, cũng như ngoài cánh đồng Điện Biên hiện giờ còn nguyên những khẩu pháo nằm quanh bãi. Chỉ có một bảng đồng nhỏ được gắn vào, nó giải thích đơn giản giây phút kết thúc này:
"17 giờ 30 phút, ngày 7-5-1954".
Bru-nô (tức Bích-cát) đã từng dành sự ngưỡng mộ đối với Việt Minh. Anh ta kể: "Tôi nhìn họ khởi hành với vũ khí như là một khẩu súng săn. Họ ra đi tháng này qua tháng khác. Họ có thể tổ chức từng tiểu đội nhỏ thành trung đội. Rồi trung đội thành các đại đội. Và các tiểu đoàn trở nên các binh đoàn, cuối cùng là các sư đoàn hoàn chỉnh. Tôi nhận ra tất cả điểm này và có thể kể cho ông rằng họ trở thành đạo bộ binh mạnh nhất thế giới. Họ không thiếu nhân lực, từng người mang nổi 50kg trong đêm tối, mà chỉ cần ăn có một bát cơm, đi đôi dép lốp và rồi ca vang suốt trên đường ra trận.
Theo quan
niệm của tôi, họ trở nên một đơn vị bộ binh kiệt xuất và được huấn luyện để đánh bại chúng ta. Bây giờ, chúng ta không còn gì cả, chúng ta đã ở xa nước Pháp, nhưng phải nhận rằng họ cũng đánh bại cả người Mỹ. Bởi vậy, họ thật là kiệt xuất!".