Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 03:27 GMT+7

“Nuôi lửa” lò rèn của người Dao

Biên phòng - Ông Lý Ngọc Diên, 79 tuổi, dân tộc Dao (nhánh Dao Coóc Mùn), ở thôn Làng Nhà, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, có 70 năm theo đuổi nghề rèn. Nhờ ông, những bí quyết riêng có trong nghề rèn nông cụ của người Dao được truyền lại đến ngày nay.

Những sản phẩm của lò rèn Lý Ngọc Diên. Ảnh: Bàn Minh Đoàn

Đi đến đầu thôn Làng Nhà tìm căn nhà treo tấm biển trước cổng “ông Diên rèn dao, sửa dao, cuốc các loại” là đã tới được lò rèn đặc biệt tồn tại từ đời cha truyền con nối của gia đình ông Diên. Trong âm thanh leng keng..., leng keng..., phập phù..., phập phù... của tiếng đập giũa, rèn dao nhịp nhàng hòa lẫn tiếng khò khè của bệ thổi đều đặn, tôi gặp được chủ nhân lò rèn Lý Ngọc Diên có khuôn mặt hiền từ phúc hậu, đôi mắt sáng, dáng người dong dỏng với mái tóc pha sương.

Đúng lúc ông lão người Dao lành nghề đang vận hành lò rèn, tôi được chứng kiến nhiều công đoạn để tôi rèn ra một con dao. Ông Diên chăm chú miệt mài bổ từng nhịp búa vào thanh sắt uốn nắn thành con dao. Với động tác điêu luyện, những nhát búa gọn gàng, dứt khoát, chính xác đã biến thỏi sắt thô ráp trở nên phẳng phiu. Nhìn ông Diên rèn dao nhẹ nhàng, tưởng một trung niên sung sức chứ không phải một ông lão đã 79 tuổi.

Tôi tranh thủ xem các mẫu dao thành phẩm, trông con dao nào cũng đẹp, sáng loáng, sắc lẹm, vừa tầm tay. Tiếp chuyện tôi, ông Diên tâm sự:“Tôi theo nghề này, khổ cực từ bé, vậy mà cũng có nhiều người quý tay nghề. Truyền hình, báo chí còn quan tâm quay phim lại tinh túy của nghề, tôi rất tự hào. Suốt cả cuộc đời, có nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề vì nghề không kiếm được cơm. Dao, cuốc rèn thủ công làm ra không cạnh tranh được với hàng công nghiệp đại trà bán đầy ngoài chợ. Trong khi đó, thị trường dần ưa sản phẩm rẻ, không cần bền, cho nên nghề rèn cứ thoi thóp. Thế rồi, nông cụ cũng dần không dùng đến, đất đai ít đi nên nghề rèn không giữ mãi được”.

Ông Diên là người con duy nhất trong một gia đình người Dao đông con cháu theo nghề rèn và giữ nghề cho đến ngày nay. Ngày ông còn trẻ, cả vùng An toàn khu (ATK) Tuyên Quang chỉ có mỗi gia đình ông biết làm rèn. Có thời gian, ông Diên bỏ nghề tham gia làm công tác chính sách cho UBND xã, không có thời gian đỏ lửa, cùng với đó, nguyên liệu sắt khan hiếm, đắt đỏ khó mua. Cùng lúc xưởng rèn doanh nghiệp quốc doanh phát triển mạnh, sản xuất nhanh, số lượng nhiều, giá rẻ, người dân chỉ mua hàng của quốc doanh, thành ra lò rèn thủ công của ông sản xuất ra thành phẩm chẳng bán được, thế là cho lò tắt lửa.

Ông Diên thật lòng chia sẻ: “Thực tình, vì tiếc nghề của ông cha, dòng họ quá nên tôi mới khôi phục được lại nghề năm 2014. Thời gian trước khi bỏ nghề, người dân quanh vùng cứ mang con dao, cái cuốc, cái cào cũ đến bảo tôi sửa mới, tôi cũng sửa chữa cầm chừng kiếm được bát cơm, manh áo. Càng ngày, trong người lại càng trào lên khao khát khôi phục nghề rèn. Nghề đã ngấm vào máu thịt tôi nên khó quên nó lắm! Cũng xuất phát từ ngày xưa, gia đình tôi có truyền thống mấy đời làm nghề rèn rồi, từ ông nội, đến cha đẻ và đời tôi kế nghiệp cái nghề gia truyền rèn dao, cuốc, rìu, cào... Các cụ bảo, làm nghề gì đều phải có cái tâm, cái tầm, đam mê, kiên trì thì hiệu quả mới cao. Tục ngữ có câu “có công mài sắt có ngày nên kim”, đấy là lời khuyên nhủ của ông cha ta về lòng kiên trì, vượt khó, rất đúng với nghề rèn của tôi. Kiên trì từ khâu nhóm lò, chất đốt, từng nhát búa đập, từng động tác giũa mài, tắm lửa thì sẽ ra được thành phẩm là con dao đẹp, cái cuốc, cái xẻng thuận với tầm tay người dùng”.

Ông Lý Ngọc Diên luôn tâm niệm, dù khó khăn thế nào vẫn phải giữ cho bằng được nghề rèn gia truyền. Ảnh: Bàn Minh Đoàn

Được biết, trước đây, gia đình ông Diên không chỉ rèn các loại nông cụ sản xuất mà còn rèn, đúc cả súng khai hậu, súng kíp để bảo vệ nhà cửa, làng bản và phòng thú dữ quấy phá. Từ ngày Nhà nước cấm sản xuất súng thì gia đình ông bỏ luôn nghề này. Dân tộc Dao có đời sống gắn bó với rừng, với thói quen canh tác lúa nương. Người Dao phát rừng làm nương rẫy, tra lúa nương, trồng ngô, khoai sắn trên đồi nên các nông cụ sản xuất là dao, rìu, cào, cuốc, nhắp cắt lúa... có vai trò đặc biệt quan trọng.

Con dao đi rừng là vật bất ly thân của người đàn ông Dao từ khi còn là một cậu bé, đến khi qua đời, dao cũng được chôn theo. Trong lễ cúng tang ma của người Dao, con dao được làm mới riêng cho người đã khuất đi về thế giới bên kia. Dao còn được làm phép, dùng để trừ tà, treo trên tường xua tà ma, thú dữ, chướng khí. Vì vậy, người rèn dao trong các cộng đồng người Dao luôn được quý trọng và nghề cũng chọn người. Không phải người nào cũng khéo léo, cũng theo được nghề và ở lại mãi với nghề.

Ông Diên bảo, ông ghi nhớ lời ông nội và bố ngày trước còn sống có dặn, dù khó khăn thế nào vẫn phải giữ cho bằng được cái nghề rèn gia truyền này. Nghề có thể không làm giàu được, nhưng đừng chán, đừng coi thường nó. Nghĩ lại, thấy các cụ nói phải, bỏ nghề thì không đành, lại phụ công các cụ dạy bảo mấy chục năm theo học nghề, được rèn giũa thành nghề rồi mà lại bỏ nghề thì tiếc công sức. Nghĩ thế, ông quyết tâm giữ lại bộ lò và nghề rèn, tiếp tục cho lò đỏ lửa, túc tắc rèn. Ông nghĩ, nếu mình làm tốt, sản phẩm bền đẹp, sắc thế nào cũng có người đến mua hàng của mình.

May thay, không những đam mê nghề rèn này từ khi mới lên 7 tuổi, ông còn học hỏi được những kỹ năng tinh túy để làm ra các sản phẩm chất lượng, sắc, đẹp, phù hợp với thị trường. Tích được lô sản phẩm, ông lại mang ra chợ bán. Dần dà, ai cũng biết tiếng tăm rèn dao của ông, nhà nào cũng mua một vài con dao, không những là đồ gia dụng mà còn lan truyền và lưu giữ mãi cái đẹp, cái quý của những sản phẩm thủ công mang nét tài hoa của bàn tay con người.

Bàn Minh Đoàn

Bình luận

ZALO