Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 10:56 GMT+7

Nuôi dưỡng ước mơ của trẻ em nghèo vùng biên

Biên phòng - Chị Thào Thị Pà, dân tộc Mông, thôn Xín Chải, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh, Hà Giang nở nụ cười tươi rói đón chúng tôi vào nhà. Không biết nói tiếng phổ thông, người phụ nữ 44 tuổi này trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng của dân tộc mình. Thông qua một cán bộ Biên phòng, chúng tôi hỏi chuyện về việc học của con cái, chị bảo: "Từ năm trước, mỗi tháng, các chú Biên phòng đều tới nhà, tặng tiền giúp tôi nuôi con ăn học. Cái bụng tôi vui lắm. Dù khó khăn thế nào, tôi cũng sẽ cố gắng cho các con được đi học đầy đủ".

ugte_1a
Cán bộ Đồn BP Bạch Đích, BĐBP Hà Giang trao đổi với các thầy giáo về tình hình học tập của e Hầu Mí Chư đang được đợn vị đỡ đầu trong Chương trình "Nâng bước em đến trường". Ảnh: Bích Nguyên

Điểm tựa đi tới tương lai

Chị Pà là mẹ của em Hầu Mí Chư, 11 tuổi, học sinh trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú tiểu học Phú Lũng đang được Đồn BP Bạch Đích, BĐBP Hà Giang đỡ đầu, hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng trong Chương trình "Nâng bước em đến trường". Số tiền được hỗ trợ không lớn, nhưng với gia cảnh khó khăn của gia đình chị Pà thì đó thực sự là một món quà quý giá, là điểm tựa để các con chị bước tới tương lai tươi sáng hơn.

Cách đây 5 năm, cuộc sống của mẹ con chị Pà vô cùng khó khăn do chồng chị bị tai nạn giao thông. Anh ra đi đột ngột, bỏ lại mẹ con chị chông chênh giữa cuộc đời. Ngày đó, chị chới với như người không biết bơi ngã xuống hồ nước sâu. Chị xúc động nhớ lại: "Biết trong nhà không có đàn ông, kẻ xấu tới ăn trộm nhiều lần. Chúng bắt trộm hết cả trâu, cả gà. Tôi biết trộm tới nhà nhưng sợ quá, không dám kêu, chỉ ôm con khóc. Hồi đó, họ còn bắt cóc cả phụ nữ và trẻ em, tôi lúc nào cũng lo mất con".

Không có người đỡ đần, tài sản bị mất cắp, cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm khốn khó. Chị Pà một mình làm lụng sớm khuya, tần tảo nuôi con. Hằng ngày, chị thức dậy từ sáng sớm, làm xong việc nhà rồi đi bộ hàng tiếng đồng hồ tới nương ngô của mình, làm đến tối mới về. Đôi bàn tay chị chai sạn, sần sùi vì vất vả, nhọc nhằn. Dù vậy, ánh mắt và nụ cười của người phụ nữ quanh năm ăn mèn mén này lúc nào cũng bừng sáng khi nhìn về tương lai của các con.

Hiện giờ, con gái lớn của chị đã lấy chồng. Con gái thứ 2 đang học lớp 8 và con trai út học lớp 5, đều học bán trú. Chị Pà cười nói: "Tôi vui vì cả 2 con đều ngoan và chăm học. Sang năm, thằng Chư lên cấp 2 rồi, tôi chỉ mong các chú bộ đội xin cho nó được học trường gần nhà, để con tôi đỡ tốn tiền đi xe mỗi khi về thăm nhà". Rồi chị khoe: "Bây giờ tôi nuôi được 2 con trâu và 1 con bò. Tôi sẽ cố gắng chăn nuôi để chúng sinh đẻ, có tiền làm vốn cho con ăn học".

Chúng tôi rất vui vì sự vất vả của chị Pà đã được bù đắp phần nào khi cả 2 con của chị đều chăm ngoan, có ý chí vươn lên trong học tập. Thầy giáo Lù Văn Mìn, Chủ nhiệm lớp của Chư cho biết, em rất chăm ngoan, học đứng thứ hai của lớp. Trò chuyện với chúng tôi, Chư tự tin cho biết: "Cháu thích nhất học môn tiếng Việt. Cháu muốn được làm người lính như các chú bộ đội ở Đồn BP Bạch Đích". Chúng tôi đều hy vọng, với sự giúp đỡ của những người lính nơi đây, cậu học trò người Mông này sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Được bộ đội giúp, tôi đỡ lo một phần

Đó là chia sẻ của chị Lù Thị Mảy, bản Muồng, xã Bạch Đích với tôi khi kể về sự giúp đỡ của những người lính Đồn BP Bạch Đích mà chị coi là ân nhân. Cuộc đời chị là một chuỗi ngày bất hạnh, cực nhọc. Nếu không có nghị lực mạnh mẽ, có lẽ người phụ nữ này đã bị quật ngã từ lâu. Chị lấy chồng 2 lần. Với mỗi người chồng, chị sinh được một đứa con, nhưng từ lúc lọt lòng, các con của chị chỉ nhận được tình thương và sự chăm sóc của mẹ.

Buổi tối vùng biên trở nên trầm buồn hơn, khi những lát cắt buồn thảm về cuộc đời người phụ nữ đơn thân nuôi con này được lộ dần qua lời kể của chị: "Tôi lấy chồng 10 năm mới có con. Khi tôi mang bầu cũng là lúc chồng tôi bỏ đi theo người phụ nữ khác. Bố mẹ chồng vẫn thương tôi, làm cho một mái nhà nhỏ để ở. Được 1 năm, bố chồng tôi mất, chú chồng tôi tới phá nhà, đuổi mẹ con tôi đi. Không có ai bênh vực, tôi chỉ biết ôm con ngồi khóc. Nhà bị phá tan tành, tôi đánh liều vay mượn họ hàng bên ngoại 20 triệu đồng mua cái nhà này để ở. Sau đó, tôi lấy người chồng thứ 2 ở xã khác, sinh được cháu Lù Seo Trọng, nhưng rồi tôi vẫn phải nuôi con một mình".

Chị Mảy quần quật làm nương, vừa chăn nuôi lợn, vừa đi làm thuê, làm mướn. Ai thuê làm gì, chị cũng làm, bất kể trời mưa hay nắng, sớm tối, nhưng cũng vẫn chịu bữa đói, bữa no, dù chỉ là mèn mén.

fbkg_3a
Tối nào em Lù Seo Trọng cũng tự giác làm hết bài tập mới đi ngủ. Ảnh: Bích Nguyên

Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Mẩy, từ tháng 11-2014, Đồn BP Bạch Đích đã nhận đỡ đầu cháu Trọng - con của chị. Chị Mảy tự hào nói: "Thằng bé chăm ngoan lắm. Thầy giáo bảo cháu học cũng khá. Năm lớp 1 và lớp 2, cháu được đi thi viết chữ đẹp. Còn năm lớp 3, cháu đạt học sinh giỏi".

Từ mấy năm trước, Trọng đã biết làm nhiều việc giúp mẹ. Sau mỗi buổi học, em thường dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Những hôm được nghỉ, em giúp mẹ chăn trâu, bò. Cậu bé kể: "Con thích nhất là thầy Huy vì thầy giảng bài rất hay. Con thích tập thể thao để rèn luyện sức khỏe thật tốt. Có sức khỏe sẽ làm được nhiều việc hơn nữa để giúp mẹ".

Chị Mẩy tâm sự: "Từ khi cháu được các chú Biên phòng đỡ đầu, tôi đỡ lo một phần. Tôi cảm thấy rất yên tâm. Tôi thường động viên con, đời mẹ khổ lắm rồi, nhưng mẹ sẽ cố gắng cho con học hết lớp 12. Có các chú Biên phòng giúp đỡ rồi, con phải cố gắng học tập để sau này có điều kiện giúp đỡ gia đình và xã hội".

Ngoài Chư và Trọng, những người lính BP ở Bạch Đích còn tiếp sức cho cậu học trò lớp 3 mồ côi cha là Hầu Văn Thắng, xã Thắng Mố được đến trường. Trò chuyện với tôi, Đại úy Lê Ngọc Sơn, Chính trị viên phó Đồn BP Bạch Đích chia sẻ: "Cuộc sống của người dân vùng biên còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Có nhiều em phải bỏ học vì gia đình quá khó khăn. Chúng tôi không muốn các em bị đứt đoạn đường học, phải từ bỏ ước mơ của mình. Vì thế, với tấm lòng sẻ chia, chúng tôi nhận đỡ đầu 3 em học sinh trên địa bàn cho tới khi học hết lớp 12. Cả 3 cháu đều có ý thức tự giác, vươn lên trong học tập. Chúng tôi hy vọng, với sự giúp sức của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, các em sẽ thực hiện được ước mơ của mình, sẽ trở thành người có ích cho xã hội".

Xuân Hương

Bình luận

ZALO