Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 04:59 GMT+7

Nuôi bò là cứu cánh của huyện nghèo biên giới

Biên phòng - “Đất rộng, người thưa, nắng lửa, dân nghèo” - Đó là những gì người ta nói về huyện Ia H’Drai (Kon Tum). Nhưng thời gian gần đây, hy vọng về một vùng “đất lành chim đậu” đã được nhen nhóm khi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đưa vốn về, giúp người dân tạo lập một nghề tưởng đã là “cổ điển”…

y7fj_4a
Đàn bò mới tậu được của anh Hà Văn Tình là niềm hy vọng để xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Quốc Dinh

Trong tâm thức nhiều người, huyện mới Ia H’Drai vẫn là cái tên còn rất xa lạ. Huyện mới thành lập ngày 11-3-2015, tách ra từ huyện Sa Thầy. Thuộc tỉnh Kon Tum, nhưng Ia H’Drai lại “quen” với Gia Lai hơn, bởi mọi sự giao thương đều qua con đường tỉnh này. Chỉ vỏn vẹn có 3 xã, nhưng tổng diện tích trên của huyện là 980km2; với dân số 11.664 người, bình quân phải hơn 0,08km2 mới có một người dân. Đất rộng, người thưa, nhưng gần 55% số dân ở đây vẫn thuộc diện nghèo... Dân nghèo trước hết là bởi điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt. Đất Ia H’Drai là đất pha cát, hơi nóng dội lên cộng hưởng với nắng thành một cái lò rang vô hình...

“Nếu nói Ia H’Drai là huyện “đặc biệt” nhất nước thì cũng có thể nói, Ia Dal là một xã đặc biệt gần như vậy...” - Chủ tịch UBND xã Ia Dal Ngụy Đình Phúc nói và cho hay: “Có 894 hộ (3.341 nhân khẩu), nhưng diện tích của xã chiếm gần 218km2, với 47km đường biên. Chỉ từ đầu thôn đến cuối thôn, đi bộ cũng đã mất cả buổi. Song, đó chưa phải là chuyện đáng nói. Chúng tôi có bao nhiêu dân đó, nhưng thành phần bao gồm 20 dân tộc. Hầu hết bà con đều từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào. Các công ty ở đây ra tuyển họ làm công nhân. Tiếng là công nhân, nhưng đến đất mới lập nghiệp đã hơn 10 năm nay, hơn 74% vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo...”.

Làm công nhân cao su mà nghèo, sự thể là cao su đang thời kỳ kiến thiết cơ bản, việc ít, thu nhập tháng chỉ đôi ba triệu. Trồng trọt thì không được giao đất, bởi đây là đất rừng, đất lâm nghiệp. Công nhân chỉ tận dụng đất bờ lô đầu thừa đuôi thẹo ở đầu lô cao su, bìa rừng trồng ít lúa, sắn theo mùa vụ, thu nhập chẳng đáng là bao... Chợt nhớ, lúc băng qua lô cao su vào xã, chúng tôi bỗng giật mình vì tiếng chuông reo í éo dưới đám lá khô. Vừa lúc, “ông chủ” hớt hải chạy tới. Anh là Hà Văn Tình, công nhân cao su. Tình từ Cổ Lũng, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) vào lập nghiệp đã được 6 năm rồi. Hỏi làm ăn ra sao, anh lắc đầu: “Chẳng dư được đồng nào, còn không đủ sống nữa là khác”. Chỉ vào 5 con bò đang thả bên vườn cao su, tôi đùa: “Bò cả đàn thế kia, sao bảo không dư đồng nào?”. Anh cười ngượng nghịu: “Vừa mới được Ngân hàng CSXH cho vay 28 triệu mua đó”...

Bắt qua chuyện sao bà con không vay vốn để phát triển chăn nuôi, ông Phúc như chợt nhớ ra: “Ấy đấy, mấy năm trước, dân chúng tôi cũng biết điều kiện ở đây chỉ phát triển chăn nuôi được thôi, nhưng mà vốn đâu. Từ năm 2015, may mà có Ngân hàng CSXH, chúng tôi mới có chút vốn để mở mang sinh kế... Thực sự là nếu không có Ngân hàng CSXH, chắc giờ bà con đã bỏ về quê hết...”.

Do được tiếng là “công nhân” nên chính quyền gần như phó mặc dân cho các doanh nghiệp. Hiểu rõ tình cảnh này, khi huyện được thành lập, Ngân hàng CSXH đã dành cho Ia H’Drai nguồn vốn vay thỏa đáng; đồng thời, hướng người dân chọn nghề chăn nuôi làm khâu đột phá giảm nghèo. Định hướng của ngân hàng đã được bà con tiếp nhận và hưởng ứng.

Ông Phúc cho biết: “Triển khai chương trình từ tháng 7-2014 đến nay, đã có 1.230/2.700 hộ được vay với tổng dư nợ hơn 57 tỷ đồng; trong đó, 70% số vốn bà con đầu tư vào chăn nuôi bò. Định hướng của ngân hàng đã chứng minh được tính đúng đắn. Từ điểm xuất phát số “không”, đàn bò của huyện nay đã có khoảng 2.000 con...

Đặc biệt, ở xã Ia Tơi, hộ các ông Đinh Văn Dũng, Đinh Văn Phê đã phất lên từ nghề chăn nuôi với đàn bò cả trăm con... Có thể nói, nguồn vốn Ngân hàng CSXH không chỉ mở đường, mà còn kiến tạo nghề chăn nuôi cho huyện Ia H’Drai”. Ông Phúc khoe với chúng tôi là chi nhánh huyện mới đã được duyệt xây dựng. Bà con ở huyện mới Ia H’Drai có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Đó cũng là giải pháp gián tiếp giúp huyện bảo vệ rừng. Thật khó mà hình dung được điều gì sẽ xảy ra với vùng đất nắng lửa này nếu người dân vì sinh kế bức bách mà phải phá rừng...” - Ông Pờ Lý Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai đánh giá.

Quốc Dinh - Ngọc Tấn

Bình luận

ZALO