Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:46 GMT+7

“Nước sạch biên cương”: Món quà ý nghĩa tặng cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân khu vực biên giới

Biên phòng - Tiếp nối thành công của Chương trình “Cải thiện chất lượng nước sinh hoạt vùng khó khăn” và lan tỏa nhiều hơn nữa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Tiền Phong đã phối hợp với Tập đoàn Tân Á Đại Thành khởi động Chương trình “Nước sạch biên cương”.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế tiếp nhận biểu trưng trao tặng máy lọc nước, bình nước nóng trị giá 1 tỷ đồng từ Chương trình “Nước sạch biên cương”. Ảnh: Bích Nguyên

Theo đó, các đồn Biên phòng, các điểm sinh hoạt cộng đồng, quân - dân kết hợp tại khu vực biên giới sẽ được trao tặng các máy lọc nước, bình nóng lạnh để sinh hoạt. Tuy giá trị vật chất không lớn, nhưng Chương trình “Nước sạch biên cương” mang ý nghĩa nhân văn và giá trị tinh thần to lớn, như một nguồn động viên cán bộ, chiến sĩ BĐBP và nhân dân khu vực biên giới đồng lòng bảo vệ cương vực của Tổ quốc, xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh.

Nhiều khu vực biên giới “khát” nước

“Trong thời gian vừa qua, BĐBP có rất nhiều chương trình, mô hình, sáng kiến để cùng với các địa phương hỗ trợ đồng bào nghèo khu vực biên giới như Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”... Cũng trong tháng 3 này, BĐBP đang phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Chương trình “Tháng 3 biên giới” với rất nhiều hoạt động hướng về biên giới và Chương trình “Nước sạch biên cương” cũng được khởi động vào dịp này, rất có ý nghĩa. Chúng tôi sẽ cùng chính quyền địa phương các cấp, các cơ sở được tiếp nhận các sản phẩm quà tặng từ chương trình này khai thác, sử dụng hiệu quả nhất các thiết bị, đáp ứng mục tiêu của chương trình là cải thiện, nâng cao chất lượng nước sinh hoạt ở vùng biên cương” - Thiếu tướng Văn Ngọc Quế nhấn mạnh.

Chúng tôi đã từng tới nhiều địa phương biên giới và tận mắt chứng kiến người dân và cán bộ, chiến sĩ ở các tổ, chốt Biên phòng phải dùng can nhựa hứng nước từ các khe suối mang về sinh hoạt. Trên thực tế, tại các vùng núi, biên giới hẻo lánh, nơi thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước chính được các cán bộ, chiến sĩ BĐBP và người dân sử dụng chủ yếu dẫn từ các khe suối cao và từ nước mưa. Nhiều nơi đồng bào buộc phải dùng nước không sạch và chưa có khái niệm nước sạch. Thậm chí, vào mùa khô, nguồn nước suối còn không đủ cho những nhu cầu cơ bản, sinh hoạt thường ngày, cán bộ, chiến sĩ và người dân phải chắt chiu từng giọt nước như tại bản Pá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Trong nhiều năm nay, cứ vào mùa khô là Phá Thóng lại “khát nước”.

Tại bản Phá Thóng hiện có một nhà lắp ghép do tổ công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La “cắm chốt”. Trước đây, ngôi nhà này chính là Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19. Theo những cán bộ Biên phòng đã công tác ở đây, thì thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ lên đây lập chốt. Ban đầu, anh em dựng nhà tạm, ăn nghỉ, thực hiện nhiệm vụ ở đây. Điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, nhất là nước sinh hoạt. Anh em phải tới khe suối lấy từng can nước về dùng. Sau này, đơn vị mới được đầu tư xây nhà tạm lắp ghép bằng tôn và lắp đường ống dẫn nước từ khe suối về. Tuy nhiên, nguồn nước rất khan hiếm vào mùa khô. Chốt có một bồn chứa nên mới tạm đủ nước dùng để ăn uống. Bồn chứa nước của tổ công tác này cũng là nơi cung cấp nước sinh hoạt của nhiều hộ dân trong xóm.

Mang theo chiếc can nhựa 20 lít lên Tổ công tác Biên phòng xin nước, anh Giàng A Lý, người Mông giãi bày: “Nhà tôi không có bể chứa, lại ở cuối nguồn nước, hứng cả đêm không được một can. Vì thế, ngày nào tôi cũng phải lên đây xin nước của bộ đội”. Không chỉ gia đình anh Lý, rất nhiều hộ dân khác đều phải lên Tổ công tác xin nước về dùng vì không phải nhà nào cũng có điều kiện mua được một bồn chứa nước chưa nói tới bình lọc nước.

BĐBP hiện đóng quân ở gần 1.100 xã, phường, thị trấn biên giới hết sức khó khăn, xa xôi. Trong đợt dịch Covid-19, các đơn vị Biên phòng đã triển khai gần 2.000 tổ, chốt trên biên giới. Lúc đầu, cán bộ, chiến sĩ đều phải ở nhà tạm, sau này, ở những địa bàn tương đối thuận lợi hơn được Bộ Quốc phòng đầu tư xây nhà lắp ghép, bán kiên cố. Còn lại vẫn ở nhà tạm, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ biên phòng tại các tổ, chốt rất khó khăn, đặc biệt là thiếu nước sạch sinh hoạt.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: “Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tuy nhiên, các đơn vị BĐBP vẫn đang duy trì 500 tổ, chốt ở vùng sâu, vùng xa. Rất nhiều tổ, chốt của BĐBP còn chưa có điện lưới, chưa có mạng di động, đặc biệt là nguồn nước rất khó khăn. Có nhiều nơi, BĐBP phải sử dụng nguồn nước từ các khe núi, lấy đất đá quây thành những đập nhỏ để tích nước dùng dần”. Chính vì lẽ đó, việc thực hiện Chương trình “Nước sạch biên cương” có ý nghĩa rất thiết thực.

Mang nước sạch đến vùng biên

Xuất phát từ thực tế biên giới, tiếp nối thành công của Chương trình “Cải thiện chất lượng nước sinh hoạt vùng khó khăn”, Báo Tiền Phong và Tập đoàn Tân Á Đại Thành tiếp tục khởi động Chương trình “Nước sạch biên cương”.

Chia sẻ về lý do thực hiện Chương trình “Nước sạch biên cương”, ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho hay: “Chúng ta đều biết rằng, đất nước chúng ta luôn hướng về những người đầu sóng ngọn gió và BĐBP chính là lực lượng ở nơi khó khăn, gian khổ nhất. Chúng tôi đã đến nhiều nơi và thấy rằng, cơ sở, trang thiết bị của các đơn vị Biên phòng đã được cải thiện nhiều, nhưng ở nhiều nơi vẫn còn rất khó khăn, thiếu nước sạch sinh hoạt. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn các đơn vị Biên phòng để triển khai Chương trình “Nước sạch biên cương”. Chúng tôi hy vọng với chương trình này sẽ cải thiện được nguồn nước sinh hoạt của các đồn Biên phòng và các tổ, chốt biên phòng. Các trang thiết bị sẽ được lắp đặt ở những nơi có nhiều người có thể thụ hưởng, độ bao phủ rộng”.

Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành: “BĐBP là lực lượng đóng quân ở tuyến đầu, nơi khó khăn, gian khổ. Đặc biệt, trong phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, bám trụ trên tuyến đầu chống dịch. Do vậy, hoạt động trọng tâm của chương trình là lựa chọn, trao tặng máy lọc nước, bình nóng lạnh tới các đồn Biên phòng, điểm sinh hoạt cộng đồng, quân-dân kết hợp tại 5 tỉnh có biên giới. Tổng giá trị sản phẩm trao tặng thông qua chương trình là 1 tỷ đồng”.

Được biết, Hoa hậu Việt Nam năm 2022 Huỳnh Thanh Thủy sẽ công bố chương trình và trực tiếp đi trao tặng tại một số địa điểm, trước hết sẽ trao tặng cho các đồn Biên phòng tỉnh Lai Châu trong khuôn khổ Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong - Tiền Phong Marathon lần thứ 64 tại Lai Châu vào cuối tháng 3 này.

Thiếu tướng Văn Ngọc Quế cho hay: “BĐBP thường đóng quân ở các vùng khó khăn, xa xôi, nhất là những nơi đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn. Chính vì vậy, món quà từ Chương trình “Nước sạch biên cương” sẽ có đóng góp thiết thực, góp phần cải thiện chất lượng nước sinh hoạt cho các đơn vị BĐBP ở vùng khó khăn cũng như khu vực dân cư lân cận. Chúng tôi sẽ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đoàn khảo sát để sản phẩm của Tập đoàn Tân Á Đại Thành và Chương trình “Nước sạch biên cương” thực sự đến với các đơn vị BĐBP, các điểm dân cư và điểm trường xa xôi, khó khăn thực sự cần đến nó, giúp cho ý nghĩa của chương trình được nâng lên”.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO