Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 06/12/2023 05:31 GMT+7

Nước Mỹ “quay trở lại” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Biên phòng - Vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du châu Á thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Giới chuyên gia chính trị quốc tế đánh giá, trong Tuyên bố chung Mỹ - Nhật Bản, hai nước đã cho thấy những cam kết mạnh mẽ về nỗ lực củng cố trật tự quốc tế tự do và rộng mở. Trong khi đó, chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Biden cũng đã giúp hai nước đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) trong cuộc họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ở Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào đầu tuần này. Ảnh: REUTERS

Phân tích từ nội dung trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản, giới chuyên gia cho rằng, Mỹ đang cho thấy những động thái cụ thể hơn liên quan đến tăng cường an ninh khu vực. Trong các cuộc hội đàm tại Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ quan ngại trước những thách thức và mối đe dọa hiện hữu tại khu vực, từ đó, tái cam kết tăng cường đảm bảo an ninh. Giới quan sát nhìn nhận, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng có những chính sách an ninh và đối ngoại tương đối phù hợp với Tổng thống Mỹ. Tân Tổng thống Hàn Quốc cũng có xu hướng thắt chặt quan hệ liên minh với Mỹ, bất chấp mọi áp lực.

Hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Mỹ tiếp tục đề cao tầm quan trọng của mối liên minh an ninh, cũng như khích lệ chính quyền Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP để chia sẻ gánh nặng an ninh với Mỹ. Các học giả chính trị quốc tế cho rằng, ông Biden không chỉ đơn thuần đưa ra các cam kết đảm bảo an ninh cho hai nước đồng minh ở Đông Bắc Á, mà còn truyền tải thông điệp rằng, Mỹ sẵn sàng thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh khác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tương tự như với Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là một thông điệp quan trọng bậc nhất của chính quyền ông Biden muốn gửi gắm tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn là một trong những trọng tâm xoay trục mà lâu nay Mỹ hướng tới.

Cùng với đó, chuyến thăm Hàn Quốc, Nhật Bản vừa qua cũng hàm chứa những thông điệp về việc nước Mỹ đã quay trở lại, dù vấn đề an ninh châu Âu hay các biến động khác trên thế giới leo thang thì cũng không làm chệch hướng sự quan tâm của Mỹ tới khu vực. Các nhà phân tích cho rằng, trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Đông Á là một phần có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu với Mỹ, nhất là về an ninh và kinh tế. Đó là động lực chính để chính quyền ông Biden đặt quyết tâm lớn thắt chặt quan hệ với các đồng minh tại khu vực.

Bên cạnh vấn đề an ninh, một trong những điểm nhấn quan trọng khác mà Tổng thống Mỹ mang tới hai quốc gia đồng minh này là quyết tâm thúc đẩy Sáng kiến chiến lược về kinh tế với khu vực là Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Sáng kiến này dự kiến tập trung vào tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập các yêu cầu về lao động, giảm khí thải carbon, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo... cho những nước thành viên.

Các nhà phân tích cho rằng, IPEF được kỳ vọng sẽ giúp Mỹ can dự sâu hơn về kinh tế đối với khu vực sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được lưỡng đảng và dư luận Mỹ ủng hộ. Trong khi đó, cả Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đều cho thấy sự quan tâm và bày tỏ mong muốn sớm tham gia IPEF.

Trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Biden cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Hội nghị này dành phần lớn thời gian thảo luận về hỗ trợ y tế cho các nước nghèo ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; hợp tác an ninh biển; chống biến đổi khí hậu; hợp tác trong các vấn đề toàn cầu; thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng; thiết lập chuỗi cung ứng và nghiên cứu các công nghệ mới nổi...

Không tham gia trong hội nghị thượng đỉnh này, song tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bày tỏ tham gia chính thức Quad hoặc trở thành một phần quan trọng thuộc liên minh này. Đồng thời cho biết, sẽ sớm công bố chiến lược của Hàn Quốc về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO