Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 08:43 GMT+7

Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống Bảo tàng Biên phòng:

Nửa thế kỷ lưu giữ những giá trị truyền thống

Biên phòng - Cùng với sự trưởng thành, phát triển của lực lượng BĐBP trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc, trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Biên phòng đã đạt được nhiều thành tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống của Bảo tàng Biên phòng, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Như Đức, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP.

5bc15d0a4557144b7e001312
Cán bộ Bảo tàng Biên phòng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trưng bày tại các cuộc triển lãm trong và ngoài Quân đội. Ảnh: B.T

P.V:  50 năm qua, Bảo tàng Biên phòng đã đạt được nhiều thành tích, Thiếu tướng có thể cho biết đôi nét về sự ra đời và phát triển của Bảo tàng Biên phòng?

Thiếu tướng Lê Như Đức: Ngày 15-10-1968, Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) ban hành Quyết định số 12/QĐ-ĐU thành lập Ban triển lãm CANDVT, tiền thân của Bảo tàng Biên phòng ngày nay. Bảo tàng Biên phòng là loại hình bảo tàng chuyên ngành lịch sử quân sự của lực lượng BĐBP. Tháng 11-2000, Bảo tàng Biên phòng được Bộ Văn hóa, Thông tin và Bộ Quốc phòng xếp hạng Hai trong hệ thống Bảo tàng quốc gia Việt Nam.

Bảo tàng Biên phòng là thiết chế văn hóa của BĐBP có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, hướng dẫn về công tác bảo tàng - truyền thống và nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, tổ chức trưng bày, giới thiệu các tài liệu về lịch sử, truyền thống, thành tích của lực lượng CANDVT - BĐBP ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; phản ánh những thành tựu về khoa học biên phòng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thắp lên tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa BĐBP với đồng bào các dân tộc biên giới, góp phần nâng cao ý chí, đạo đức cách mạng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân...

Bảo tàng Biên phòng có giai đoạn sáp nhập với Nhà Văn hóa BĐBP rồi lại tách ra do yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức. Trải qua các giai đoạn cách mạng, đồng hành cùng sự trưởng thành của lực lượng BĐBP, Bảo tàng Biên phòng đã trở thành một bảo tàng lớn trong hệ thống bảo tàng chuyên ngành Quân sự Việt Nam. Thời gian qua, các cán bộ, nhân viên Bảo tàng Biên phòng đã không quản khó khăn, lăn lộn khắp miền biên cương của Tổ quốc, sưu tầm, thu thập được nhiều hiện vật quý hiếm, phản ánh những cống hiến to lớn của cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Hiện nay, Bảo tàng Biên phòng đang quản lý, lưu giữ hơn 12 ngàn tư liệu, hiện vật.

Thời gian qua, Bảo tàng Biên phòng đã triển khai sưu tầm theo kế hoạch thường xuyên, phục vụ các đợt triển lãm và trưng bày tại địa bàn biên giới, hải đảo (Lạng Sơn, Hà Giang, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Kon Tum, Kiên Giang, Phú Quốc...). Trong đó, sưu tầm bổ sung bộ sưu tập các loại mốc quốc giới qua các thời kỳ được 3 cột mốc tuyến Việt Nam - Campuchia cắm năm 1987, tại BĐBP Long An; cột mốc E2-D8 tuyến biên giới Việt-Lào, cắm năm 1981, tại BĐBP Sơn La; bộ sưu tập hiện vật về BĐBP tham gia công tác phân giới cắm mốc trên các tuyến biên giới đất liền; khảo sát, lấy tư liệu, hình ảnh của 2 cột mốc cổ, cắm theo Hiệp ước biên giới giữa Pháp và Hoàng gia Campuchia năm 1873, tại Hà Tiên, Kiên Giang.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Biên phòng còn bổ sung tư liệu, hiện vật về công tác đối ngoại biên phòng, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trên biên giới, biển đảo, tiêu biểu như bộ kẻng trong phong trào “Tiếng kẻng vùng biên” của BĐBP Long An; nhóm hiện vật quân y của Trạm xá quân dân y kết hợp Thoong Pẹ (Lào) của BĐBP Hà Tĩnh; “Hũ gạo tình thương” của Đồn Biên phòng cửa khẩu Bờ Y - Kon Tum; thư trao đổi, thư mời, thư cám ơn... của Đồn Biên phòng Na Hình, BĐBP Lạng Sơn với lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc; thỏa thuận xây dựng đồn, trạm hữu nghị, hàm thư... của BĐBP Hà Giang; nhóm hiện vật, tang vật của các chuyên án phòng chống các loại tội phạm trên biên giới...

50 năm qua, Bảo tàng Biên phòng đã đón hơn 5 triệu lượt khách tham quan, đặc biệt, được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gian trưng bày triển lãm của CANDVT năm 1969, đồng chí cố vấn Phạm Văn Đồng tham quan Bảo tàng Biên phòng năm 1990, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham quan năm 1992 cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và các đoàn khách quốc tế đã đến tham quan...

P.V: Từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng Biên phòng được đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị... Thiếu tướng có thể cho biết đôi nét về sự đổi thay này?

Thiếu tướng Lê Như Đức: Năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Bảo tàng Biên phòng chuyển toàn bộ hiện vật, cơ sở vật chất, máy móc, trang bị đến địa điểm tạm thời, bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án, phục vụ việc xây dựng tòa nhà hỗn hợp trên nền bảo tàng cũ ở số 2 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Đến tháng 5-2018, công trình tòa nhà hỗn hợp hoàn thiện, Bảo tàng Biên phòng đã trở về tiếp nhận tòa nhà hỗn hợp và chuẩn bị cho công tác trưng bày Bảo tàng Biên phòng mới với diện tích trưng bày hơn 2.000m2 và sử dụng giải pháp trưng bày hiện đại, phù hợp với xu thế hoạt động xã hội hóa bảo tàng và nhiệm vụ của BĐBP trong tình hình mới. Bảo tàng Biên phòng Việt Nam mới sẽ đi vào hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019).

P.V: Trong thời gian tới, Bảo tàng Biên phòng cần có những giải pháp gì để thu hút ngày càng nhiều khách tham quan và Bảo tàng Biên phòng đang có những hoạt động gì hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Như Đức: Để Bảo tàng Biên phòng ngày càng thu hút nhiều khách tham quan, một số giải pháp trước mắt và lâu dài đã và sẽ thực hiện là: Làm tốt chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng; tiếp tục nâng cấp các phòng trưng bày theo hướng hiện đại; phối hợp với các đơn vị, các địa phương nhằm mục đích thu hút mọi tầng lớp nhân dân, du khách quốc tế đến tham quan bảo tàng; không ngừng bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên bảo tàng giỏi về nghiệp vụ chuyên môn, lịch sự trong tác phong giao tiếp; tận tâm, tận lực với công việc được giao. Đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật theo hướng chuyên đề phối hợp tốt với những Hội đồng tư vấn, Hội đồng thẩm định và sự tham gia của các chuyên gia nhiều ngành, giúp cho việc thẩm định hiện vật đạt chất lượng tốt. Chú trọng công tác truyền thông báo chí một cách hiệu quả nhất để bảo tàng luôn là điểm đến an toàn - thân thiện và thu hút du khách trong và ngoài nước.

Trong thời điểm toàn lực lượng đang triển khai các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân, Bảo tàng Biên phòng tiếp tục hoàn thiện trưng bày Bảo tàng Biên phòng mới, xây dựng kế hoạch, đề cương triển lãm “BĐBP 60 năm vì sự nghiệp xây dựng. quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc”...

P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Nguyên Thanh (thực hiện)

Bình luận

ZALO