Biên phòng - Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ rồi chảy dọc theo vĩ tuyến 17, sông Bến Hải dài hơn 100km, là ranh giới giữa hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) từng mang trong mình nỗi đau hơn 20 năm chia cắt đất nước. Bởi vậy mà cứ mỗi khi nhìn cờ Tổ quốc tung bay trên kỳ đài Hiền Lương, người ta lại nhớ về quá khứ để trân trọng hơn độc lập, tự do, hạnh phúc ngày hôm nay.
Thắp sáng dòng sông lịch sử
Sáng 30-4, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), UBND tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ thượng cờ nhân kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2022).
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh và đông đảo quần chúng nhân dân tham dự buổi lễ.
Trong không khí trang nghiêm, lá cờ Tổ quốc từ từ được kéo lên kỳ đài Hiền Lương trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng, mọi người kính cẩn nghiêng mình, dành phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến chia cắt 2 miền đất nước. Bờ Bắc sông Bến Hải là tiền đồn của miền Bắc XHCN, cùng nhân dân cả nước bước vào công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc và chi viện cho miền Nam. Dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, người dân 2 bờ Nam, Bắc sông Bến Hải nói riêng và nhân dân Quảng Trị cùng cả nước nói chung quyết không khuất phục, kiên cường chiến đấu, đập tan mưu đồ “lấp sông Bến Hải”, tấn công ra miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai.
Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh đầy gian nan, thử thách, dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, lá cờ Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến vẫn ngày đêm kiêu hãnh tung bay, trở thành biểu tượng của ý chí và khát vọng thống nhất. Lá cờ đỏ sao vàng bên bờ Bắc sông Bến Hải chính là biểu tượng của niềm tin, ý chí tạo nên sức mạnh kiên cường, không bao giờ gục ngã của nhân dân Quảng Trị.
Nhìn về Bến Hải, Hiền Lương đã tạo động lực, thôi thúc quân và dân Quảng Trị kiên cường chiến đấu, lập nên nhiều chiến công hiển hách, như: Vĩnh Linh lũy thép anh hùng, Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận, Đường 9 - Khe Sanh, Làng Vây - Hướng Hóa... Và sự kiện “81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972” đã đánh dấu một mốc son vẻ vang, góp phần viết nên khúc khải hoàn đại thắng mùa Xuân năm 1975, vĩnh viễn xóa đi sự chia cắt đau thương, về chung dưới một mái nhà Tổ quốc.
Cháy mãi niềm tin chiến thắng
Lễ hội thống nhất non sông đã được nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức từ nhiều năm trước. Năm 1985, nhân 10 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, huyện Bến Hải (3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và thành phố Đông Hà bây giờ) quyết định lấy ngày 30-4 làm ngày truyền thống của huyện. Những ngày đầu giải phóng, đời sống còn khó khăn, nhưng vào dịp này, nhân dân huyện Bến Hải vẫn góp gạo, thịt, cá... để ăn mừng ngày thống nhất non sông tựa như ngày lễ, Tết khác trong năm.
Bây giờ, Lễ hội thống nhất non sông đã trở thành lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay cả khi trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, lễ hội vẫn được duy trì (nhưng hạn chế về quy mô), bởi đây là niềm tin, tinh thần chiến thắng của quân dân Quảng Trị. Năm 2022, tròn 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, Lễ hội thống nhất non sông được tổ chức vô cùng trang trọng. Ngoài phần nghi lễ thượng cờ, còn có diễu binh của lực lượng vũ trang và diễu hành của các lực lượng công nhân, viên chức, học sinh trong toàn tỉnh và hội đua thuyền truyền thống.
Bên bờ Bến Hải, nhìn cầu Hiền Lương, cờ Tổ quốc tung bay trong gió, chuyện quá khứ, hiện tại cứ đan xen trong tâm trí mỗi người. Nhắc lại chuyện ngày xưa, bà Nguyễn Thị Bé (ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) rơm rớm nước mắt: “Tôi và chồng cưới nhau xong, thì ông sang bờ Bắc hoạt động cách mạng. Mọi thông tin giữa 2 vợ chồng bị cắt đứt. Ngày ấy, đối với tôi cũng như những người có chồng hay những gia đình có con, em hoạt động ở bờ Bắc, thì lá cờ là ngọn lửa thắp lên niềm tin, là hy vọng để đủ sức đợi chờ”.
Còn anh Nguyễn Lập (ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh, hiện công tác tại thành phố Đà Nẵng) chia sẻ câu chuyện của mình: “Tôi sinh ra khi đất nước đã được giải phóng, cây cầu bắc qua sông Bến Hải đã không còn là giới tuyến. Tuy nhiên, được sinh ra và lớn lên ở vùng đất lịch sử, chúng tôi vẫn được ông bà, cô bác kể chuyện về những năm tháng chia cắt. Từ rất lâu rồi, không chỉ Tết Nguyên đán mà ngày 30-4, 1-5 cũng là ngày đoàn viên các gia đình nơi đây”.
Đối với những người con Vĩnh Linh không được về quê ngày 30-4 luôn là điều tiếc nuối nhất. Thiếu tá Phạm Đình Tuyên (cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị) chia sẻ: “Vì nhiệm vụ, tôi năm nay không được về nhà, cũng không tham gia vào đội diễu binh của BĐBP tỉnh tại ngày hội thống nhất non sông để có thể chứng kiến lễ thượng cờ thiêng liêng. Dù ở đâu, tôi cũng luôn cố gắng phấn đấu trong công tác và tôi luôn tự hào mình được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng”.
Đã tròn nửa thế kỷ, kể từ ngày giải phóng, “vùng đất lửa” năm xưa đã “thay da, đổi thịt”. Hố bom, đạn pháo đã nhường chỗ cho những cánh đồng lúa, hồ tiêu, cao su xanh ngút ngàn. 50 năm trôi qua, nhưng ngọn lửa niềm tin của người dân vùng giới tuyến vẫn còn đó, đỏ rực như lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới bên con sông huyền thoại.
Trúc Hà