Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 09:09 GMT+7

Nửa thế kỷ “cầm tay chỉ việc” nơi đất rừng biên giới

Biên phòng - Thật khó để hình dung sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước được sống trong hòa bình thống nhất và hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới mà ở đâu đó trên vùng biên giới Bắc Tây Nguyên, những người lính Biên phòng (BP) vẫn còn miệt mài với “cuộc cách mạng” thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đời sống cộng đồng. Dẫu biết rằng, cuộc sống dù có phát triển đến bao nhiêu, song cái gì chưa biết hay còn yếu thì đều vẫn phải học. Tuy nhiên, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn làm những công việc của… nửa thế kỷ trước thì quả thực rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Điều này cho thấy, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa vùng thành thị với nông thôn biên giới…

Đồn BP Sa Loong, BĐBP Kon Tum giúp đỡ nhân dân trên địa bàn thu hoạch cà phê. Ảnh: Văn Lý

“Vòng quay” của sự cống hiến

Trong những cuộc hội ngộ với thế hệ người lính BP hôm nay, Đại tá Diệp Xuân Cung, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chỉ huy trưởng về Chính trị BĐBP Kon Tum vẫn thường nhắc đến những kỷ niệm một thời “cầm quân” đi “thắp sáng” vùng biên. Ở cái thời của ông, những hình ảnh người thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ tuyên truyền văn hóa, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm mang quân hàm xanh hầu như xuất hiện đều khắp trên vùng biên giới Bắc Tây Nguyên. Tất cả đều hừng hực sự cống hiến, thân quen đến độ vài ba mươi năm sau gặp lại, các chủ nhân nơi đây vẫn không quên được giọng nói, nụ cười của nhau.

“Có những câu chuyện giờ nghĩ lại nó giống như trong truyện cổ tích, rất giàu tính nhân văn. Chúng tôi sẵn sàng trèo đèo, lội suối hai, ba ngày đường từ đồn BP ra khu dân cư chỉ để góp thêm một nụ cười cho các chủ nhân vùng biên giới. Ngày đó, chạm vào chỗ nào cũng có việc, biên giới là mặt trận không tiếng súng nhưng đầy cam go bởi “giặc đói”, “giặc dốt”, “giặc mê” (mê tín, dị đoan - PV) hoành hành dữ dội. Điều này giải thích vì sao các chương trình phối hợp giữa BĐBP với các ngành văn hóa, y tế, giáo dục lại hiệu quả và mang ý nghĩa lớn đến như vậy...” - Đại tá, cựu chiến binh BP Diệp Xuân Cung đã từng chia sẻ với chúng tôi như thế.

Vâng, quả đúng như ông nói, gần 30 năm trở về trước, khu vực biên giới tỉnh Kon Tum luôn chìm trong những “khoảng lặng” trên cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chính vì lẽ đó, sự hiện diện của người lính BP được xem là giải pháp tình thế nhưng vô cùng căn cơ để giải quyết những vấn nạn thụt lùi trong đời sống cộng đồng. Từ đây, hàng loạt câu chuyện cổ tích giữa đời thường được “người lái đò” mang quân hàm xanh trên đỉnh Trường Sơn viết nên, để lại cho thế hệ người lính hôm nay những bài học quý giá của sự kiên trì, cống hiến trong công tác dân vận.

Khi vùng biên có những bước khởi sắc, cứ ngỡ sứ mệnh “cầm tay chỉ việc” của người lính BP Kon Tum đã hoàn thành và thế hệ tiếp nối Đại tá Diệp Xuân Cung đã có thể thảnh thơi hơn trong vai trò của người đồng hành, nhưng không hẳn như vậy. Vòng quay của sự cống hiến vẫn tiếp tục được “tô” đậm thêm bởi thế hệ con cháu của ông như Trung tá Diệp Hoài Đức, Đồn trưởng Đồn BP Dục Nông; Thiếu tá Diệp Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn BP Đắk Blô và những người đồng đội của họ. Sứ mệnh “cầm tay chỉ việc” của người lính BP Kon Tum lúc này diễn ra với quy mô nhỏ hơn, đối tượng cần được trợ giúp ít hơn, nhưng nếu thiếu vắng sự cống hiến của người lính, chắc chắn đường tới đích sẽ còn rất dài.

Chuyện nhà A Liên và “chiến thuật” 3 bám, 4 cùng

Chỉ chưa đầy 1 năm trở về trước, gia đình ông A Liên (dân tộc Xê Đăng) ở thôn Giang Lố 1, xã biên giới Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) vẫn còn nặng gánh lo toan đến vấn đề lương thực. Mặc dù sống trên vùng đất thuần nông, đất đai canh tác không hề thiếu, lại có lợi thế về thủy lợi, nhưng gia đình này vẫn quanh quẩn mãi với “điệp khúc” thiếu lương thực vào thời điểm giáp hạt.

Thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”, BĐBP Kon Tum thường xuyên giúp đỡ, chăm lo đời sống cho người nghèo trên địa bàn biên giới (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Văn Lý

Cần có sự thay đổi mang tính đột phá trong tổ chức sản xuất đối với hộ gia đình A Liên để làm mô hình cho người dân trên địa bàn học tập - đó là trăn trở của những người lính Đồn BP Sa Loong. Bởi, hiện tại, vẫn còn tới 15% gia đình trong xã thuộc diện hộ nghèo. “Sau nhiều lần nghiên cứu khảo sát, chúng tôi quyết định lựa chọn giải pháp chuyển đổi cây trồng cho hộ gia đình ông A Liên bằng việc xây dựng mô hình canh tác lúa nước với tổng diện tích khoảng 4.000m2. Đã quyết là phải làm, ngay khi mùa mưa về (khoảng tháng 5-2021), Đồn BP Sa Loong chủ động chọn giống lúa, cày đất, khử phèn, lót phân và tiến hành gieo sạ đúng thời vụ.

Để giúp A Liên nhanh chóng tiếp cận với các công đoạn kỹ thuật, đồn vừa “cầm tay chỉ việc”, vừa hỗ trợ các khoản chi phí (khoảng 7 triệu đồng - PV) và chỉ đạo đội công tác địa bàn thay phiên nhau bám đồng liên tục trong 4 tháng để kịp thời xử lý các yếu tố xâm hại đến cây lúa. Mặc dù còn gặp một số trở ngại nhất định, song hiệu quả cuối cùng đã đến vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi, với năng suất tăng gấp 6 lần so với giống lúa truyền thống của bà con...” - Trung tá Phan Trọng Bình, Đồn trưởng Đồn BP Sa Loong chia sẻ.

Thật ra, chuyện nhà ông A Liên không khó để giải thích, bởi nó chỉ xoay quanh “nếp nghĩ, cách làm” trong cộng đồng mà thôi. Đại tá Lê Minh Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP Kon Tum cho biết: “Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về tăng cường triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững”, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đồn BP đứng chân trên địa bàn 13 xã biên giới bám sát phương châm “3 bám, 4 cùng” để giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn đọng trong đời sống cộng đồng. Chúng tôi tổ chức các đoàn công tác xuống cơ sở, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồn BP kiểm tra đánh giá để có phương án giúp đỡ bà con thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất và xây dựng đời sống mới. Không riêng lĩnh vực kinh tế, muốn cải thiện các mặt đời sống khác thì phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm lạc hậu của bà con...”.

Song song với việc tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ nếp nghĩ, cách làm cũ kỹ lạc hậu, BĐBP Kon Tum còn đẩy mạnh công tác dân vận, từng bước chuyển đổi nhận thức, từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, giúp bà con biết sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gia đình, nguồn vốn của xã hội để phát triển kinh tế. Từ đó, tích cực đổi mới sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để có những sản phẩm tiêu biểu như hạt mắc ca của xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; các mặt hàng sâm dây của huyện Đăk Glei... Cùng với đó, các đồn BP đẩy mạnh tuyên truyền, xóa bỏ các hủ tục, gây tốn kém về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Gần nửa thế kỷ miệt mài đồng hành với đất rừng biên giới trong “vòng quay” của sự cống hiến, bước chân của người lính BP Kon Tum hôm nay vẫn vững vàng hướng về phía trước.

Thiếu tá Diệp Xuân Hòa, Chính trị viên Đồn BP Đắk Blô, BĐBP Kon Tum khẳng định: “Muốn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, cần phải triệt để thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”, kiên trì “cầm tay chỉ việc” cho từng gia đình. Chúng tôi tập trung vào những người lớn tuổi, có tiếng nói trong cộng đồng để vừa bóc tách, loại bỏ những thói quen lạc hậu vốn đã ăn sâu trong tiềm thức, vừa gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, góp phần cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng cuộc sống nơi biên giới ngày càng tốt đẹp hơn...”.

Thái Nga - Văn Lý

Bình luận

ZALO