Biên phòng - Lần đầu gặp Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh, ít ai ngờ, ẩn sâu sau dáng người mảnh mai, dịu dàng của chị là một tính cách quyết đoán với một cường độ làm việc cao và sức bền đến không ngờ. Và có lẽ, cũng ít người biết, nữ “thuyền trưởng” của ngành BHXH còn có những khoảng lặng rất đời thường.
Quyết liệt trong công việc
Ngày 20-11-2014 có lẽ đã trở thành một trong những dấu mốc quan trọng đối với chị Nguyễn Thị Minh. Đó không phải là ngày kỷ niệm đặc biệt nào đối với chị và những người thân trong gia đình, mà đó là ngày Quốc hội thông qua Luật BHXH Sửa đổi. Là người đứng đầu ngành, trực tiếp giúp Chính phủ tổ chức thực hiện hai chính sách quan trọng, trụ cột của hệ thống An sinh xã hội Quốc gia, với chị Minh, niềm vui và hạnh phúc thực sự đong đầy khi trong công việc của ngành đạt được những thành tựu mới...
Tháng 3-2014, khi vừa mới chân ướt, chân ráo về ngành, chị Minh đã cùng với Ban Lãnh đạo BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua hai dự thảo sửa đổi Luật BHXH, Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) - hai đạo luật cơ bản tạo hành lang pháp lý cho công tác tổ chức thực hiện chính sách và cơ chế hoạt động của BHXH Việt Nam sau này.
Sau khi Luật BHXH (sửa đổi) chính thức được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực vào ngày 1-1-2016, các thành viên của tổ biên soạn sửa đổi Luật BHXH chia sẻ niềm vui chung về kết quả cuối cùng này. Với riêng chị Minh, niềm vui càng lớn khi quá trình dự thảo Luật có phần công sức của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương.
Phấn khởi, vui mừng, nhưng hơn ai hết, chị Minh hiểu, hoàn thiện hành lang pháp lý chỉ là công việc khởi đầu. Chặng đường gian nan đưa chính sách vào cuộc sống còn đang ở phía trước. Khoảng thời gian tiếp theo, chị Minh cùng với Ban Lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị giúp việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc bộ, ngành chức năng tham mưu với Chính phủ trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đặc biệt là việc tham mưu với Chính phủ ban hành các quyết định về việc giao chỉ tiêu BHYT, BHXH cho các địa phương nhằm hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân đã được xác định tại Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết 28-NQ/ TW và thể chế hóa tại Luật.
Trong hệ thống BHXH Việt Nam, chị quyết liệt chỉ đạo thực hiện tổng rà soát các quy trình nghiệp vụ, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính không giấy tờ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch với cơ quan BHXH. Sau hơn 5 năm, đến nay, mục tiêu BHYT toàn dân đã cơ bản hoàn thành, với gần 90% người dân có thẻ BHYT. Số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc với tổng số người tham gia gần 600.000 người.
Riêng con số phát triển BHXH tự nguyện trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019 lớn hơn tổng số người tham gia của 10 năm trước đó. Đặc biệt, hoạt động phục vụ của ngành BHXH có sự thay đổi cả về lượng và chất. Số thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH giảm mạnh, từ hơn 200 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; 100% các thủ tục hành chính đã được thực hiện giao dịch điện tử ở mức độ 3, 4. Nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin...
Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Ngành BHXH đã hoàn thành việc rà soát và cấp mã định danh BHXH cho trên 92 triệu dân. Xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử lưu trữ hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT của trên 85 triệu người tham gia BHYT. Thực hiện kết nối và đồng bộ toàn diện các phần mềm nghiệp vụ... Khi BHXH Việt Nam liên tục thăng hạng và đứng thứ 2 về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc) về chỉ số nộp thuế, BHXH trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chị Minh nói giản dị: Đó là công lao của trên 20.000 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống BHXH. Cá nhân chị chẳng bao giờ nhận chút thành tích nào về riêng mình.
Tấm lòng người lãnh đạo
Từng đi công tác cơ sở nhiều, chị Nguyễn Thị Minh xót lòng khi thấy cảnh anh em làm việc tăng ca liên tục để hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất của Ngành. Những câu chuyện cán bộ BHXH đi kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT bằng xe máy, đơn vị sử dụng lao động chặn xe không tiếp, hay có anh em bị rắn lục cỏ chui vào bô xe, bị rắn cắn may chưa nguy hiểm đến tính mạng... càng làm chị trăn trở. Chị bàn với các đồng chí trong Ban Cán sự, Ban Tổng Giám đốc xây dựng phương án, báo cáo Chính phủ để anh em cấp cơ sở có thêm phương tiện làm việc, giảm bớt những rủi ro, vất vả...
Đi đến đâu công tác, câu đầu tiên chị hỏi là anh em hôm nay đến dự có đủ không? tiến độ công việc thế nào? có gì khó khăn cần lãnh đạo Ngành tháo gỡ? đời sống anh em thế nào? Quan tâm đến đời sống của cán bộ, viên chức bằng tấm lòng của một người phụ nữ - một người cũng làm mẹ, làm vợ trong gia đình, chị để ý chăm lo đến từng bữa ăn trưa cho anh em. Chị dặn dò Công đoàn phải thường xuyên giám sát bếp ăn, làm sao miếng cơm, miếng rau trong suất cơm trưa của anh em có thể chưa được sang nhưng phải sạch và đủ chất.
Quyết liệt và cẩn trọng trong công việc, nhưng lại hết sức giản dị trong cuộc sống đời thường - đó là phong thái và phong cách rõ nét nhất của “nữ thủ lĩnh” ngành BHXH. Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp vụ, ban từng được chứng kiến cảnh Tổng Giám đốc lúi húi giở chiếc túi giấy gói mấy củ khoai lang luộc, nắm đậu tương rang dùng thay bữa trưa ngay trong phòng làm việc. Chị tranh thủ từng giờ nghỉ buổi trưa cặm cụi đọc tài liệu, không để công việc anh em cấp dưới trình lên bị tồn đọng trên bàn mình. Chị chỉ đạo anh em thực hiện “điện tử hóa hồ sơ công việc, vì một nền hành chính không giấy tờ”.
Là nữ cán bộ quản lý có quá trình trưởng thành từ cơ sở, kinh qua nhiều vị trí công tác, từ chuyên viên lên phó trưởng phòng, trưởng phòng, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hải Dương, Bí thư huyện ủy Cẩm Giàng, Bí thư thành phố Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, đến khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Tài chính và đến nay là Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hơn ai hết, chị Minh hiểu những vất vả của cán bộ nữ.
Chị tâm sự: Thành công của một người đàn ông cần sự nỗ lực một thì thành công của một người phụ nữ cần sự nỗ lực và hy sinh gấp 10 lần. Có lẽ chính vì thế, trong công tác cán bộ, chị luôn quan tâm, động viên và chia sẻ với những cán bộ nữ, đặc biệt là những nữ cán bộ quản lý cấp dưới. Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, mỗi khi nghe được trong dư luận có vấn đề gì về các nữ cán bộ của mình, chị thường gặp trực tiếp cán bộ đó để lắng nghe từ hai phía, sau đó, bằng cái nhìn bao quát và độ lượng của người cấp trên, bằng kinh nghiệm của người đi trước, bằng tấm lòng của người chị, định hướng cho người cấp dưới, người em của mình cách giải quyết vấn đề. Có lẽ chính sự nghiêm cẩn, chân thành mà dung dị đó của chị đã làm giảm rất nhiều những áp lực không đến từ công việc đối với các cán bộ nữ của mình.
Là người đứng đầu ngành, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện hai trụ cột An sinh xã hội của Quốc gia, không cần nói cũng có thể hình dung khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày chị phải giải quyết, nhưng trong những hoạt động tình nghĩa, thiện nguyện của Ngành, hiếm khi chúng tôi thấy chị vắng mặt. Dù ngày hôm trước vừa về sau 1 chuyến công tác dài, nhưng hôm sau chị vẫn sắp xếp để tham dự 1 cuộc thăm hỏi người có công, gia đình chính sách hay thăm viếng 1 trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh, 1 gia đình nghèo, neo đơn... Và cứ tháng 7 hằng năm, dù bận mải đến thế nào, chị cũng sắp xếp, dành thời gian đi thăm, viếng các anh linh liệt sỹ tại các nghĩa trang quốc gia trên tuyến đường Trường Sơn.
Chị bảo, trong niềm tưởng nhớ chung các anh linh liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, chị có nỗi niềm riêng về người anh trai hy sinh trong chiến dịch Trường Sơn đến nay chưa tìm được mộ phần... Có lẽ cũng từ mất mát của gia đình mình, chị thấu cảm nhiều hơn với sự hy sinh, mất mát của những gia đình thương binh liệt sỹ, hiểu hơn giá trị của độc lập cho Tổ quốc, tự do cho Nhân dân là máu xương và nước mắt của bao thế hệ, để từ đó chị mong muốn với cương vị của mình, có thể làm được nhiều điều tốt đẹp hơn, với sứ mệnh là cầu nối An sinh xã hội đến với nhiều hơn những gia đình Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc.
Ngọc Ánh