Biên phòng - Khi nhắc đến Thượng úy Bùi Thị Thúy Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum, nhiều hội viên phụ nữ đều dành lời khen ngợi chị. Hơn 15 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum, Thượng úy Bùi Thị Thúy Hoa đã tạo dấu ấn trong lòng các cán bộ, chiến sĩ đơn vị, là hình ảnh một nữ quân nhân năng động, nhiệt tình với công tác hội và có tấm lòng luôn hướng về phụ nữ nơi biên giới.

Nữ quân nhân “hai giỏi”
Thượng úy Bùi Thị Thúy Hoa, sinh năm 1978, tại tỉnh Gia Lai. Chị tốt nghiệp Đại học Sư phạm Gia Lai, đã từng đi dạy học. Tuy nhiên, vì yêu thích BĐBP, chị đã làm đơn nhập ngũ vào lực lượng BĐBP. Năm 2003, chị được phân công làm việc tại Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, BĐBP Kon Tum. Từ năm 2015 đến nay, chị chuyển sang công tác tại Ban Cán bộ, Phòng Chính trị, BĐBP Kon Tum.
Cũng từ năm 2003, chị Hoa tham gia công tác Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum. Năm 2005, chị được phụ nữ đơn vị tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum. Trên cương vị này, chị không ngừng trau dồi, học hỏi, nhiệt tình trong công tác Hội, luôn quan tâm tới đời sống, tâm tư của các hội viên, tạo sự đoàn kết, gắn bó, đồng thuận giữa chị em, góp phần thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, các ngành, trong và ngoài lực lượng BĐBP phát động.
Thượng úy Thúy Hoa chia sẻ: “15 năm làm Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum, tôi có điều kiện được đi nhiều nơi, học hỏi nhiều điều. Trách nhiệm của người cán bộ Hội, không chỉ tổ chức tốt phong trào hoặc vận động chị em tham gia phong trào, mà sau hoạt động đó phải giúp chị em khẳng định được vai trò của mình”.
Có chồng là cán bộ Biên phòng, hiện đang đóng quân tại biên giới, hơn ai hết, chị Hoa hiểu rõ những vất vả của người lính Biên phòng phải xa gia đình. Thấu hiểu công việc của chồng nên chị không phàn nàn khi phải một mình chăm sóc, nuôi dạy 2 con nhỏ. Chị cười, bảo với tôi: “Nhiệm vụ của đơn vị, công việc của Hội, rồi tham gia các phong trào, chăm sóc 2 con, đúng là chỉ có vợ của lính Biên phòng mới làm được như thế”.
Luôn hướng về phụ nữ nghèo vùng biên
Kon Tum là tỉnh miền núi, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên. Đây là nơi sinh sống của nhiều thành phần dân tộc thiểu số. Những năm qua, Thượng úy Bùi Thị Thúy Hoa tích cực đồng hành cùng phụ nữ vùng biên, khởi xướng nhiều hoạt động hỗ trợ nhân dân, phụ nữ dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Không chỉ tích cực tham gia các hoạt động từ thiện với các nhóm thiện nguyện, chị Hoa còn tham mưu cho Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh các địa chỉ cần sự ủng hộ, giúp đỡ. Chị tâm sự: “Lên biên giới, gặp nhiều hoàn cảnh thương tâm, tôi đều tham mưu hoặc kết nối các nhà hảo tâm đứng ra giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Với những thành tích tiêu biểu trong hoạt động chuyên môn cũng như hoạt động trong Hội Phụ nữ BÐBP, chị Hoa được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum năm 2015, Bằng khen của Bộ Tư lệnh BÐBP giai đoạn 2011-2016.
Chị kể, năm 2018, chị lên xã biên giới Đak Blô, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, vào đúng mùa rét, gặp mấy em nhỏ không có quần áo, ngồi đốt lửa sưởi ấm, thấy rất tội. Sau chuyến đi đó, từ mối quan hệ của mình, chị đã kêu gọi các nhà hảo tâm mua tặng rất nhiều chăn mới cho bà con, sách, vở, quần áo cho các cháu nhỏ.
Có lần, trong một chuyến đi khác tại xã Đak Blô, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của người phụ nữ dân tộc thiểu số có chồng đang mắc bệnh hiểm nghèo, chị đã kết nối được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cùng với Đồn Biên phòng Đak Blô, BĐBP Kon Tum hỗ trợ xây tặng người phụ nữ này căn nhà mới...
Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum cũng là lực lượng xung kích, tích cực trong tuyên truyền cũng vận động hội viên phụ nữ biên giới phòng, chống tà đạo Hà Mòn tại xã Xa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Trong tháng 3 vừa qua, chị Hoa đã cùng các hội viên phụ nữ đi tặng lợn rừng giống cho gia đình phụ nữ khó khăn tại xã Ia Dal, huyện Ia H,Drai, sau đó đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Dal, BĐBP Kon Tum đang trực chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới.
Chị tâm sự: “Bình thường, BĐBP đã vất vả, xa gia đình. Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, anh em càng vất cả hơn, căng mình bám chốt 24/24 giờ, “ăn lán, ngủ rừng” trên biên giới. Khi có dịp, mình đến động viên, các anh sẽ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê”.
Thanh Thuận