Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:56 GMT+7

Nữ quân nhân Biên phòng tận tụy với nhiệm vụ

Biên phòng - Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều nữ quân nhân của BĐBP Nghệ An đã tình nguyện, xung phong lên các đồn Biên phòng trên biên giới thực hiện nhiệm vụ. Mỗi cá nhân một nhiệm vụ riêng, họ đang góp sức cùng với đồng chí, đồng đội hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, sát cánh cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền biên giới.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh thường xuyên đến các hộ gia đình để hỗ trợ, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc gia cầm. Ảnh: Viết Lam

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân

Sau gần 4 tháng nuôi, chăm sóc đàn gà với 50 con, bà Vi Thị Mai, bản Thái Sơn 2, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An quyết định gọi tiểu thương đến tận nhà bán toàn bộ 50 con gà thành phẩm. Cầm số tiền lớn trong tay, bà Mai cảm động chia sẻ: "Nhờ cô Thanh ở Đồn Biên phòng Môn Sơn giúp đỡ, tôi và nhiều hộ dân khác mới có được số tiền lớn này. Sau lứa đầu tiên, tôi đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc rồi, ngày mai sẽ trích số tiền có được tiếp tục đi mua gà giống về nuôi để kịp xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới".

Qua câu chuyện, bà Mai kể thêm, gia đình chủ yếu làm nông nghiệp, thuộc diện hộ nghèo. Cũng như nhiều chị em phụ nữ ở trong xã, bà chỉ quen với việc trồng ngô, lúa, thả vài con gà trong vườn để cải thiện bữa ăn. Cũng có lúc, bà nghĩ đến việc nuôi gà để bán nhưng không có vốn, lại không hiểu kỹ thuật chăn nuôi cơ bản, rồi gà bị dịch bệnh chết hết dẫn đến "cụt vốn".

Như hiểu được suy nghĩ của đồng bào, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh, nhân viên vận động quần chúng Đồn Biên phòng Môn Sơn đã đến tận nhà, tìm giải pháp hỗ trợ các gia đình khó khăn phát triển sản xuất. Nghĩ là làm, sau khi các hộ gia đình đã đồng thuận, Trung tá Thanh đã dành một phần lương, vận động bạn bè quyên góp tiền mua gà giống tặng cho bà con. Nữ quân nhân Biên phòng chọn 5 hộ gia đình, hỗ trợ mỗi hộ 50 con gà giống để chăn nuôi thí điểm.

Để trang bị kiến thức chăn nuôi phổ biến cho bà con, Trung tá Thanh đã tìm tòi, nghiên cứu tài liệu về chăn nuôi thú y, rồi đều đặn mỗi tuần dành ra 2 ngày xuống tận các hộ gia đình để hướng dẫn, kiểm tra việc nhân dân chăm sóc đàn gà. Sự sát sao của cán bộ nữ Biên phòng đã khích lệ ý thức lao động sản xuất của bà con trong bản Thái Sơn 2, họ cần mẫn chăm sóc vật nuôi mỗi ngày. Đến nay, tất cả 5 hộ gia đình đều có đàn gà thành phẩm đạt sản lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bước đầu, khi đã giúp 5 gia đình chăn nuôi gà thịt số lượng lớn thành công, nữ quân nhân Biên phòng đang có ý tưởng nhân rộng, giúp đỡ thêm nhiều hộ dân khác phát triển kinh tế từ chăn nuôi gà.

Được biết, sau nhiều năm công tác tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đã tình nguyện xung phong lên Đồn Biên phòng Môn Sơn để được thử sức với nhiệm vụ mới. Qua 5 năm gắn bó với biên giới, nữ cán bộ vận động quần chúng được đồng đội, người dân nhắc đến là cán bộ đa năng, tham việc, luôn trăn trở với cuộc sống của đồng bào. Thời gian qua, chị là hạt nhân cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Môn Sơn củng cố lại nền nếp hoạt động của chi hội phụ nữ tại các thôn, bản của xã biên giới.

Từ đó, tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật, vận động chị em hội viên tham gia phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, góp sức mình cùng BĐBP bảo đảm sự bình yên của bản làng. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Thanh luôn bám sát địa bàn dân cư, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh, không để dịch lây lan vào địa bàn.

Tận tâm với nhiệm vụ

Hơn 20 năm gắn bó với lực lượng, Thiếu tá Vi Thị Vịnh, nhân viên quân y Đại đội cơ động, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Nghệ An luôn tận tâm với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng đội và nhân dân ở địa bàn biên giới. Trước khi được điều động về đơn vị mới, nữ quân y này từng có nhiều năm công tác tại Bệnh xá Tiểu khu 50, BĐBP Nghệ An. Những năm về trước, khi đường sá giao thông trên tuyến biên giới phía Tây Nghệ An còn nhiều khó khăn, Trạm xá Quân dân y kết hợp Tiểu khu 50, đóng tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn là một trong những địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở vùng cao biên giới.

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, đội ngũ quân y của Trạm xá Tiểu khu 50 thường xuyên tham gia khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, tổ chức các đợt cai nghiện ma túy cộng đồng. Cả quá trình dài, biên chế thực hiện nhiệm vụ tại Trạm xá Tiểu khu 50, Thiếu tá Vinh đã cùng đồng đội tậm tâm với công tác chuyên môn, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa bàn.

Thiếu tá Võ Thị Ngân tận tụy với công việc chuyên môn. Ảnh: Viết Lam

Khi được hỏi về kỷ niệm trong nghề, Thiếu tá Vịnh chia sẻ: "Tôi nhớ nhất những chuyến tham gia cai nghiện ma túy tại cộng đồng ở các xã biên giới, thời gian dài, phải thường xuyên bên cạnh, chăm sóc người nghiện. Có lúc, người nghiện "đói thuốc" còn định hành hung cả mình, nhưng vì hạnh phúc của nhân dân, chúng tôi đều vượt qua mọi khó khăn".

Đã hơn 3 tháng nay, Thiếu tá Võ Thị Ngân, nhân viên báo vụ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chưa về thăm gia đình. Thế nhưng, chị Ngân chia sẻ rằng: "Đó là chuyện rất bình thường của mọi quân nhân làm nhiệm vụ thông tin liên lạc, bởi đây là nghề đặc thù, không thể tranh thủ cuối tuần, muốn nghỉ thì phải báo cáo có người thay thế tại đơn vị.

Ngay từ đầu khi lên đây nhận công tác, tôi đã xác định rất rõ những thiệt thòi khi phải xa gia đình nên luôn an tâm tư tưởng thực hiện nhiệm vụ". Hàng ngày, cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị Ngân tham gia hỗ trợ bộ phận nuôi quân, chăm sóc nâng cao chất lượng bữa ăn cho đồng chí, đồng đội.

Nói về quá trình công tác của các nữ quân nhân Biên phòng, Thượng tá Nguyễn Ngọc Cẩm, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Nghệ An cho biết: "BĐBP Nghệ An có 60 cán bộ là nữ quân nhân, trong đó, có 18 đồng chí tình nguyện thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị cơ sở. Những nữ quân nhân Biên phòng này luôn khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao".

Viết Lam

Bình luận

ZALO