Biên phòng - Nhắc đến Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế, Phó Trưởng khoa Pháp luật, Học viện Biên phòng (HVBP), các thế hệ học viên đều nhớ đến một giảng viên luôn tràn đầy năng lượng tích cực, truyền cảm hứng say mê, sáng tạo trong học tập pháp luật cho học viên. Hơn 20 năm công tác tại HVBP, chị luôn tận tụy trong giảng dạy, say mê nghiên cứu khoa học và năng động trong các hoạt động phong trào.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống sư phạm, năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế được tuyển dụng vào Trường Đại học Biên phòng (nay là HVBP) và trở thành giảng viên của Khoa Pháp luật. Chị chia sẻ: “Giờ lên lớp đầu tiên trong đời, tôi có chút bối rối, hồi hộp khi giảng bài cho các học viên là quân nhân, nhưng tôi lấy lại ngay sự tự tin, bản lĩnh với khối lượng kiến thức pháp luật mình được trang bị. Chính sự trẻ trung, sôi nổi, nhiệt huyết của các học viên là động lực để tôi không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy pháp luật trong những năm qua”.
Xác định đổi mới nội dung, phương pháp dạy học pháp luật là khâu đột phá nâng cao chất lượng dạy học pháp luật, Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế chú trọng nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình dạy học pháp luật cho từng đối tượng học viên, chú ý đảm bảo các nguyên tắc toàn diện, sát thực tiễn công tác của BĐBP trên các tuyến biên giới. Chị cũng nghiên cứu đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học pháp luật phù hợp; đa dạng hóa các phương pháp, hình thức dạy học pháp luật.
Kết quả mang lại là chất lượng dạy học pháp luật được nâng lên, bảo đảm thực chất “dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”; bảo đảm “nhà trường gắn với biên giới”, góp phần chuyển biến mạnh mẽ quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội.
Để “thổi hồn” vào bộ môn Pháp luật vốn nhiều kiến thức, Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế đã tạo sự hứng khởi, niềm đam mê trong các tiết giảng pháp luật của mình và của người học bằng cách đưa những tình huống pháp luật đang thu hút sự quan tâm của dư luận; những vấn đề thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật; những quan hệ pháp luật mà học viên có thể trở thành chủ thể; hay những vụ án hình sự, vụ việc dân sự, hành chính vào bài giảng, lồng ghép với quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của BĐBP.
Chị cũng không quản ngại gian khó, vất vả, đến với các đơn vị BĐBP để được trực tiếp trao đổi với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ nắm bắt thuận lợi, khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật vào thực hiện nhiệm vụ chính trị. Chị chia sẻ: “Những chuyến công tác đến các đơn vị BĐBP ở các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Hà Tĩnh, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh... là cơ hội để tôi thu thập thông tin, tư liệu thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm, bổ sung vào bài giảng, công trình nghiên cứu khoa học, góp ý xây dựng văn bản, hoàn thiện hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia và công tác Biên phòng, khẳng định sự gắn bó mật thiết nhà trường với biên giới”.
Không chỉ tâm huyết trong giảng dạy, Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế còn có niềm say mê với nghiên cứu khoa học. Chị là chủ biên và tham gia biên soạn 8 giáo trình tài liệu; chủ biên 1 sách chuyên khảo; chủ nhiệm và tham gia nghiên cứu 11 đề tài khoa học và 3 sáng kiến, mô hình học cụ; hướng dẫn 13 học viên nghiên cứu khoa học; tham gia viết 60 bài trên tạp chí khoa học, báo...
Những đề tài tâm huyết chị tham gia như: “Nghiên cứu nâng cao chất lượng dạy học pháp luật ở HVBP”, “Nâng cao chất lượng giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho thanh niên các trường trong BĐBP”... Theo chị, để thực hiện tốt nghiên cứu khoa học, giảng viên phải có khả năng phát hiện vấn đề, tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm cao; đồng thời, phải có trình độ, kiến thức, chuyên môn vững, khả năng làm việc nhóm.
Còn trên cương vị Phó Trưởng khoa Pháp luật, Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế luôn gương mẫu, nêu cao tinh thần, thái độ công tâm, khách quan trong phân công nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả công việc của từng cán bộ, giảng viên. Chị chủ động đề xuất với trưởng khoa về các biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với tất cả những nỗ lực đó, chị đã cùng với tập thể Khoa Pháp luật đạt giải Nhất tập thể Hội thi giảng viên giỏi cấp HVBP và Đơn vị Quyết thắng năm 2021.
Không chỉ giỏi chuyên môn, Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế còn năng động, sáng tạo trong tham gia công tác hội. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở I HVBP, chị đã tích cực, chủ động kiện toàn tổ chức hội và có nhiều hoạt động phong phú, được cấp trên đánh giá cao. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức Hội Phụ nữ trong đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. Ngoài ra, chị còn tham gia dẫn chương trình Olympic các môn khoa học Mác-Lênin toàn quân do Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức.
Chia sẻ về nguồn động viên lớn nhất giúp chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ở mọi lĩnh vực, chị cho biết: “Trong điều kiện chồng công tác xa nhà, bố mẹ hai bên đều đã lớn tuổi, các con đang đi học, cần có sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ, tôi phải giải quyết hài hòa giữa công việc và gia đình để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa chăm lo, xây dựng gia đình hạnh phúc. May mắn rất lớn của tôi là bố mẹ hai bên đều rất tâm lý, luôn động viên con phải thực hiện thật tốt mọi nhiệm vụ; chồng tôi cũng luôn thấu hiểu, chia sẻ với công việc của tôi, các con ngoan ngoãn, biết cách tự chăm lo cho bản thân và tự giác học tập nên tôi không gặp khó khăn trong giải quyết công việc gia đình”.
Với những nỗ lực, cống hiến không mệt mỏi trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý, Bằng khen, Giấy khen các cấp cùng nhiều giải thưởng như: Danh hiệu Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng năm 2013; Giải Nhất cuộc thi giảng viên giỏi cấp cơ sở các năm 2012, 2013, 2021; giải Nhất cá nhân toàn năng và giải Nhất phần thi soạn bài giảng trình chiếu trong đợt kiểm tra Phó Trưởng khoa và Chủ nhiệm bộ môn năm 2020; Bằng khen của Hội đồng giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội vì có thành tích xuất sắc 15 năm tổ chức, tham gia phong trào Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2015; 8 Giấy khen về thành tích nghiên cứu khoa học; 3 đề tài đạt giải Nhì Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội; 2 giải Nhì phim huấn luyện Hội thi mô hình học cụ, sáng kiến kinh nghiệm cấp Học viện...
Thùy Trang