Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

Nữ già làng ở ngã ba biên

Biên phòng - Từ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum, chúng tôi đến thăm thôn văn hóa du lịch Đăk Mế thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum để gặp nữ già làng Y Ban, người mà tôi đã có dịp trò chuyện khi bà nhận lời mời ra Hà Nội tham dự Chương trình giao lưu “Những người thắp lửa biên cương” do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức vào tháng 3-2014.

Nữ già làng Y Ban của thôn Đăk Mế. Ảnh: Tuệ Lâm

Sau nhiều năm, nữ già làng tinh anh, nhanh nhẹn từng được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm xưa giờ đã gần chạm ngõ tuổi 90, song, giọng nói vẫn đầy nhiệt thành chào đón. Bởi bà cùng gần 200 hộ dân người Brâu ở đây đã rất quen thuộc với bóng dáng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bờ Y đi về giúp dân xây dựng nếp sống mới.

Hăm hở đưa chúng tôi đi nhiều nơi trong thôn, gặp được những người già, cựu chiến binh đáng quý của dân tộc mình, nữ già làng Y Ban kể rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, làng của người Brâu nằm trên địa bàn chiến lược “Ngã ba Đông Dương” nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau mỗi trận địch càn quét, liên tục phải chuyển làng để tránh bom đạn. Thù thằng giặc bạo ngược, hung ác, người già Brâu họp bàn rồi cử những trai tráng khỏe mạnh nhất của làng tham gia cách mạng. Bám biên cương, thanh niên Brâu trở thành những chiến sĩ giao liên cắt rừng đưa quân giải phóng đến nơi an toàn, trở thành những dân công hỏa tuyến gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược cho bộ đội.

Chuyện về cuộc đời của nữ già làng, nữ cựu chiến binh Y Ban cũng đầy thú vị, mang lại cho chúng tôi sự khâm phục cũng như niềm hy vọng về thế hệ những người phụ nữ Brâu tiên tiến. Những chiến sĩ cách mạng hoạt động trên vùng biên giới Việt - Lào những năm 40 của thế kỷ trước hẳn ít ai ngờ rằng, cô bé mồ côi mà họ nuôi dưỡng khi hoạt động trên đất Mường May (Lào) sẽ trở thành một trí thức của dân tộc Brâu. Từ nhỏ, Y Ban đã làm liên lạc cho đơn vị, đồng thời, tham gia gùi gạo, đưa công văn, thuốc men, nấu cơm phục vụ bộ đội... Năm 1959, cô giao liên nhỏ ấy được tập kết ra Bắc học làm y tá rồi lại trở về phục vụ tại chiến trường B3 (Tây Nguyên).

Sau khi nghỉ hưu, già Y Ban về lại srúk của mình và bắt tay vào các hoạt động vì cộng đồng như tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, tuyên truyền về những tác hại của hôn nhân cận huyết thống, vận động bà con thực hiện nếp sống mới, ăn ở vệ sinh, văn minh, tiến bộ và bảo tồn, phát huy những phong tục tốt. Bà cùng với các đoàn thể của xã, thôn tuyên truyền để bà không nghe lời tuyên truyền, xúi giục của đối tượng xấu và luôn giữ gìn sự đoàn kết, hòa hợp các dân tộc cộng cư quanh mình...

Rồi dần dần, già Y Ban trở thành chỗ dựa của mọi người trong thôn, làm cầu nối cho các gia đình, các dân tộc cùng sinh sống đoàn kết, yên vui. Chính quyền địa phương cũng luôn coi bà là người có uy tín tiêu biểu, luôn đồng hành trong mọi hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.

“Mình luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con biết cái chữ, bởi chỉ khi có cái chữ, bà con mới hiểu được các chủ trương, đường lối của Đảng; mới biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa cái đói, cái nghèo đang bủa vây lấy dân làng; mới nhận thức được những vấn đề tốt, xấu để biết chắt lọc, giữ gìn... Mình đã kiến nghị lên các cấp, các ngành, rồi cùng với BĐBP vận động bà con đi học xóa mù chữ, vừa làm phụ giảng, vừa làm phiên dịch cho các giáo viên. Khi Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum triển khai mở lớp dạy dệt thổ cẩm, mình động viên phụ nữ trong làng tích cực học và luyện tay nghề sao cho hay, cho khéo. Giờ thì nhiều phụ nữ trong làng đã biết dệt thổ cẩm truyền thống” - già Y Ban cho biết.

Dù các dân tộc thiểu số Tây Nguyên theo chế độ mẫu hệ, nhưng việc của cộng đồng lại thường do đàn ông gánh vác, nên những năm 2000, việc già Y Ban được bầu làm già làng thực sự là một sự kiện lớn ở ngã ba biên giới này. Đặc biệt, ngày già Y Ban được bầu là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bà con người Brâu và các dân tộc sống nơi ngã ba Đông Dương này tự hào lắm. Tự hào vì một dân tộc chỉ vỏn vẹn trên 400 người mà đại diện của mình được là Ủy viên Trung ương của một tổ chức đoàn kết toàn dân tộc lớn nhất nước.

Bằng uy tín và tâm huyết của mình, nữ già làng Y Ban đã góp phần đáng kể cho sự đổi thay của thôn Đăk Mế hôm nay. Những gì diễn ra trước mắt chúng tôi cho thấy sự phát triển tương đối ổn định của cộng đồng người này. Thiếu tá Thào Khan - cán bộ Đồn Công an cửa khẩu Phu Cưa (Lào) là người Brâu sinh sống tại Lào cho biết, đời sống của những người anh em dân tộc mình sống trên đất Việt đã có được một sự “vượt khó” đáng phấn khởi. Có sự kết nối của BĐBP và già làng Y Ban, dân tộc Brâu sống hai bên biên giới đã rất gắn bó, đoàn kết để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Chia tay nữ già làng Y Ban cùng những cựu chiến binh của thôn Đăk Mế khi trời đã về chiều, chúng tôi nhìn họ quay về nhà Rông để cùng đám thanh niên chỉnh chiêng chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 47 năm Kon Tum giải phóng, người Brâu trở thành công dân của một đất nước độc lập, tự do. Hình ảnh nữ già làng tóc bạc trắng bên cây đàn truyền thống hòa cùng vẻ hoang dã, thuần khiết nhưng tràn căng sức sống của trai gái Brâu dần khuất sau rặng dã quỳ vàng rực, đẹp đến nao lòng.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO