Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Nữ bí thư gỡ bỏ “rào cản” cho phụ nữ người Dao

Biên phòng - Chị Triệu Thị Trang, người Dao Đỏ là Bí thư chi bộ trẻ ở xã miền núi Lương Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng có dáng người nhỏ nhắn, ăn nói nhẹ nhàng, có phần trầm tính. Thế nhưng ẩn sâu bên trong vóc dáng nhỏ nhắn đó là một tính cách quyết đoán, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, rào cản từ những định kiến, tập tục lạc hậu để hướng tới những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

jc1i_8a
Chị Triệu Thị Trang là một trong số những cô đỡ thôn bản được Bộ Y tế vinh danh vì những đóng góp cho cộng đồng. Ảnh: Bích Nguyên

Từ ký ức kinh hoàng

Chị Trang là Bí thư chi bộ thôn Lũng Rịch, xã Lương Thông nhưng cuộc trò chuyện giữa chúng tôi lại bắt đầu từ vai trò là cô đỡ thôn, bản của chị. Cơ duyên đến với công việc của một cô đỡ thôn bản của chị bắt nguồn từ chính những trải nghiệm mà chị không muốn nhớ của bản thân sau lần sinh đứa con đầu tiên và cũng là duy nhất cách đây hơn 10 năm. Ngày đó, người Dao vẫn giữ tập quán sinh con tại nhà. Trong suốt quá trình mang thai, người phụ nữ không tới cơ sở y tế khám thai, cũng không được chăm sóc, ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, thậm chí lao động vất vả cho tới tận khi sinh con. Chị Trang cũng vậy.

“Phụ nữ Dao quan niệm, người xa lạ không được động vào người. Vì thế, tôi phải sinh con tại nhà và mẹ chồng tôi chính là người đỡ đẻ cho tôi với sự phụ giúp của chồng và người em chồng. Họ khiêng tôi lên vai, xốc người để tôi đẻ. Sau hồi lâu đau đến chết đi sống lại, con tôi xổ ra, rơi xuống đất, đứt luôn dây rốn. Tôi bị chảy máu rất nhiều. Tôi tưởng ai đẻ xong cũng bị như thế nên không nói cho mẹ chồng biết. Đến lúc mắt tôi không nhìn thấy gì, tôi mới bảo với nhà chồng. Lúc đó, mẹ tôi đã trải một miếng vải mưa, lót chăn lên cho tôi nằm. Một lúc sau, chiếc chăn ướt thấm máu của tôi. Tôi cứ thế ngất lịm đi đúng một ngày” - Chị Trang vẫn còn rùng mình vì ám ảnh về lần vượt cạn của mình.

Con của chị dù bị rơi xuống đất vẫn may mắn sống sót. Phần chị Trang bị băng huyết nặng như vậy, nhưng cũng không hiểu sao sau một ngày ngất lịm vẫn thoi thóp thở. Người nhà sắc cho chị thuốc của người Dao uống nên đã giữ được mạng sống. Lần sinh nở cận kề cái chết đó khiến cho chị Trang suy giảm sức khỏe đến mức cả một năm trời sau đó sống trong cảnh ốm yếu, lay lắt. 

Lần sinh con gái là ký ức kinh hoàng mà chị Trang không bao giờ quên. Nó cũng chính là động lực để chị tham gia khóa học cô đỡ thôn bản. Chị giãi bày: “Tôi nhận thấy, sinh con theo truyền thống của dân tộc mình ảnh hưởng đến em bé và bà mẹ rất nhiều. Vì thế, tôi muốn đi học đỡ đẻ, học cách chăm sóc sản phụ để có thể giúp bà mẹ sinh con an toàn hơn”.

Khi đưa ra quyết định đi học, chị Trang gặp ngay rào cản từ chính người chồng. “Chồng tôi bảo học xong cũng không làm ra tiền được từ nghề đó nên kiên quyết phản đối. Tôi thuyết phục chồng, mình học cho chính bản thân và cho gia đình mình. Dần dần, chồng tôi đồng ý và tạo điều kiện cho tôi đi học không chỉ một lần mà cả những lần đi học nâng cao sau đó nữa” - Chị Trang kể.

Tới những niềm vui

Cho tới bây giờ, chị Trang đã làm cô đỡ thôn bản được 10 năm. Đó là khoảng thời gian mà bước chân chị đã in dấu trên nhiều con đường đèo dốc giữa trời mưa gió rét, thậm chí là trong đêm khuya mưa lớn... Chị kể: “Ban đầu, nhiều người vẫn muốn vợ, con mình đẻ con ở nhà. Tôi phải tới nhà tư vấn, ra sức vận động họ đưa vợ, con dâu của mình tới trạm xá sinh con vì ở đó sạch sẽ, có thiết bị y tế đảm bảo an toàn cho bà mẹ và em bé. Khoảng cách từ các xóm khá cách xa nhau. Có những gia đình ở xa, tôi phải đi bộ mất 3 giờ; có nhà ở quá xa, tôi phải đi ngựa”.

Việc vận động phụ nữ thay đổi thói quen khi sinh nở gặp nhiều khó khăn. “Có người bảo, đẻ ở đâu cũng thế. Ở trạm y tế, tôi cũng tự đẻ, có ai đẻ hộ đâu. Vì thế, tôi ở nhà tự đẻ thôi” - Chị Trang nhớ lại. Những lúc như thế, chị thường lấy câu chuyện sinh nở của chính mình để kể cho mọi người thấy những mối nguy hiểm tiềm ẩn khi sinh con tại nhà.

Ngoài việc vận động, tuyên truyền, chị Trang thường xuyên tới theo dõi sức khỏe của thai phụ, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong địa bàn mình phụ trách. Trong một số trường hợp bất khả kháng như thai phụ không kịp đến trạm y tế, chị Trang sẽ trực tiếp đỡ đẻ cho họ. Chị nhớ nhất một kỷ niệm: “Một sản phụ đau lâm râm từ sáng, khi tôi đến khám thì không kịp đưa tới trạm y tế. Tôi phải đỡ ở nhà. Đây là một ca khó vì em bé bị rau quấn cổ. Tôi làm theo đúng những bước đã học, cả mẹ và bé đều an toàn. Bố mẹ đứa trẻ vui mừng đề nghị tôi làm mẹ nuôi của cháu bé”.

Một trường hợp khác, ở xóm Lũng Tôn gọi chị tới giúp khi đã 12 giờ đêm. “Tôi phải cưỡi ngựa đi gần một tiếng đồng hồ mới tới nơi. Lúc tôi đến, chị Bu đã sinh con rồi nhưng chảy máu nhiều, tôi xử lý cầm máu và lấy thuốc cho uống rồi theo dõi, thấy chị ấy khỏe lên mới dám về” - Chị Trang kể. Chưa hết, một phụ nữ khác bị ra máu bất thường trong quá trình mang thai. “Đã thực hiện nhiều biện pháp mà máu không ngừng chảy, tôi phải sắc thuốc Nam cho bà mẹ uống. Sau khi dùng thuốc, thai phụ mới ổn định trở lại” - Chị Trang nhớ lại. Lúc này, tôi mới biết, chị Trang còn có nghề tay trái là bốc thuốc chữa khớp, chữa dọa sẩy thai...

Cho đến bây giờ, điều khiến chị Trang hạnh phúc là người dân trong xã đã quan tâm hơn tới việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, tỉ lệ người đi khám thai và sinh con tại trạm y tế tăng lên nhiều. Nét mặt rạng rỡ, chị Trang khoe: “Từ lúc làm cô đỡ thôn bản, tôi chưa để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc. Trong thôn không còn tình trạng tảo hôn, không đẻ dày như trước, 2 năm nay, không ai sinh con thứ 3 nữa. Đã có 9 trường hợp sản phụ ở xa được tôi hỗ trợ sinh con an toàn ngay tại nhà”.  

Quay trở lại với vai trò Bí thư chi bộ, chị Trang chia sẻ: “Điều kiện kinh tế của người dân trong thôn còn rất khó khăn với 48/58 hộ nghèo. Tôi cùng chính quyền xã đang cố gắng tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Chúng tôi rất mong Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp giúp đỡ người dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả hơn”.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO