Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 07:17 GMT+7

“Nóng” vấn đề ô nhiễm ở một vùng biển

Biên phòng - Phía Bắc Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi là nơi tập trung nhiều nhà máy, bến cảng. Khi các công trình này bắt đầu khởi động thì vấn đề ô nhiễm luôn là đề tài “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận.

nv94_13a
Hầm thoát nước của Công ty công nghiệp Doosan Vina (bên trái) và cống thoát của cảng tổng hợp Hào Hưng (bên phải). Ảnh: Văn Chương

Lo khói, bụi...

Sáng ngày 23-12-2019, nhiều người dân ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn đã bồn chồn, lo lắng khi một phân xưởng của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất bao trùm một quầng khói màu nâu đỏ. Mọi thứ diễn ra trong tích tắc, sau đó lắng xuống và hình ảnh này được lan truyền nhanh trên mạng xã hội.  

Điều người dân quan tâm nhất là thứ khói này có độc hại gì không? Ông Hồ Đức Thọ, Phó giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất ngay sau đó đã thông báo trên mạng nội bộ cho biết, đó là sự cố lọc bụi tĩnh điện khiến cho bụi Fe2O3 bị bắn ra ngoài. Ông Thọ cũng cam kết rằng, thứ bụi đỏ, hồng này không có độc tố.  

Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất được đầu tư tổng vốn 52.000 tỷ đồng, được xem là “gà đẻ trứng vàng”, mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất cũng rất cởi mở với truyền thông khi tổ chức cho báo chí và người dân vào tham quan, giới thiệu các ống khói đều đặt trạm quan trắc khí thải tự động và các chỉ số đều được hệ thống quan trắc CODEL trực tuyến với cơ quan tài nguyên và môi trường ở tỉnh và Trung ương. Công ty này cũng cam kết, công nghệ luyện thép coke khô, không có ống xả nước thải công nghiệp ra biển, toàn bộ nước làm mát thiết bị được tuần hoàn khép kín và chất thải công nghiệp được thu gom, chuyển cho Công ty Lilama E.M.E xử lý.

Những tưởng, với hệ thống quan trắc khí thải tự động và hiện đại như vậy thì vấn đề ô nhiễm là không thể xảy ra. Nhưng trước đó, ngày 25-11, người dân thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận nằm sát bờ tường Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất phản ánh hiện tượng cây cối người dân trồng đều bị héo và rụng lá. Điều khó lý giải là sát bờ tường công ty thì cây vẫn xanh tốt, còn cây cách vài trăm mét lại bị héo?  

Nhiều cuộc tranh luận liên quan đến các loại khí Ni tơ, Heli, P10, Argon bắt đầu nổ ra... Ngày 10-12, UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi công bố kết quả quan trắc chỉ số bình thường. 

Nước biển đổi màu

Ngày 4-12, nước biển ở khu vực ngoài bãi biển eo biển Khe Hai (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn) bị đổi màu sắc khác thường. “Nghi can” đầu tiên được nhắm đến là tàu chở dầu PV Alliance bị mắc cạn từ bão số 5 đang nằm phơi bụng tại khu vực nước biển ngả màu vàng. 

Tiếp đến là cụm tàu Hoàng Phương 145, Hải Nam 68, Congo River, Khánh Linh 68, Vũ Đình 16, Minh Linh 03, He Hai 689 đang nạo vét cảng Hòa Phát Dung Quất. Nhưng từ đầu năm tới nay, việc nạo vét diễn ra liên tục, mà nước biển vẫn bình thường, nên dễ thấy, đây không phải là nguyên nhân khiến nước biển đổi màu.

2-nuoc-bien-chuyem-mau-17
Nước biển chuyển màu vàng và sau đó được công bố không có độc tố nguy hiểm. Ảnh: Văn Chương

Nằm bên cạnh với vùng biển bị nước vàng là các cảng biển, cầu cảng, bến cảng - cảng xuất sản phẩm của Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn, cảng PTSC Dung Quất, cảng quốc tế Gemadept Dung Quất, cảng chuyên dụng Doosan Vina của Công ty công nghiệp Doosan Vina, cảng tổng hợp Hào Hưng và cảng Hòa Phát Dung Quất. Vậy, đơn vị nào là “thủ phạm”? Nước biển đổi màu có độc tố gì không? Ngày 10-12, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi công bố phân tích 4 mẫu nước vàng có độ pH 8,74, cao hơn vùng nước biển ở các bãi tắm là 1,03 lần, thông số ô xy hòa tan trong nước ở mức giới hạn, không có độc tố.  

Ngày 11-12, ngư dân địa phương đã cung cấp thông tin về việc cống xả của cảng tổng hợp Hào Hưng có vệt nước màu đỏ; một số cảng biển khác cũng xả nước sau các đợt mưa.  

Đến ngày 21-12, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết luận vụ việc nước biển đổi màu là do tảo silic, nguyên nhân thứ yếu là sự xuất hiện của 2 hợp chất Lignin và Tanin thường phát sinh từ hoạt động chế biến gỗ. Đến lúc này, người dân mới tạm yên tâm.

4-he-thong-xu-ly-nuoc
Cảng tổng hợp Hào Hưng đang xây dựng hầm xử lý nước thải. Ảnh: Văn Chương

Ngày 27-12, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Hào Hưng 75 triệu đồng vì hành vi xả chất thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường. Ông Thang Văn Hóa, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên thừa nhận thiếu sót của công ty trong xử lý môi trường. Ông Hóa cho biết, Hào Hưng là doanh nghiệp Việt Nam có uy tín ở các lĩnh vực dăm gỗ, môi giới tàu biển, kinh doanh vận tải đường thủy, thường xuyên được BĐBP nhắc nhở về vấn đề làm ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, đơn vị đang khắc phục bằng thi công hầm xử lý nước thải 300m3 ở cống thoát nước cảng tổng hợp Hào Hưng. 

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO