Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Nông trang “rồng” trên đất Bình Thuận

Biên phòng - Các nhà thơ, nhà văn viết về Bình Thuận thường chỉ nhắc đến biển, mắm Phan Thiết, địa danh Mũi Né. Nhưng hiện tại, nơi đây đã trở thành một đại nông trang thanh long. Thanh long Bình Thuận đã hội nhập cuộc chơi, có mặt ở 16 quốc gia trên thế giới, gắn với thương hiệu quả “rồng”: “Binh Thuan dragon fruit”.

9hu0_16a
Một trong những nông trang thanh long trên đất Bình Thuận. Ảnh: Văn Chương

Bén duyên với “đất rồng”

Đi khắp các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình đều bắt gặp những cánh đồng thanh long rộng ngút tầm mắt. So với các loại cây mì, ngô, lúa, cây thanh long có thu nhập cao hơn, trong khi không tốn quá nhiều sức lao động. Khi có cơ hội thì người nông dân có thể tiến hành cơ giới hóa, đầu tư các thiết bị tự động tưới tiêu, để bước vào sân chơi mới, làm nông thời 4.0.  

Chúng tôi đến vườn thanh long của nông dân Nguyễn Đông, ở thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Ông Đông vốn là nông dân, từng bán hết gia sản ở Quảng Ngãi để tìm vào “miền đất hứa” Bình Thuận. Tôi nhủ thầm, sự lựa chọn của ông Đông quả không sai, bởi nghề thanh long có nhiều điều thú vị hơn là cày ruộng, trồng cà phê, không đến nỗi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Lúc này, vườn thanh long của ông Đông đang vào mùa đơm hoa, hoa thanh long nhú ra như những nụ hoa quỳnh và tỏa hương thơm ngát. Ông Đông cho biết, thú vị nhất là ban đêm đặt bàn, chế bình nước trà, vừa ngắm hoa, vừa thưởng thức hương thơm ngào ngạt, đến 12 giờ trưa thì hoa mới tàn và dứt hương.

Nhiều người thường ăn quả thanh long có vỏ chín đỏ, nhưng tới tận vườn thì mới hiểu, thanh long xanh mới thực sự là đặc sản. Nông dân trồng thanh long chỉ để người trong nhà sử dụng dần. Tới mùa thanh long chín, nếu để quả già thêm thì màu đỏ chuyển sang xanh. Quả thanh long xanh có vị ngọt, hương thơm, ruột giòn, không thoảng vị chua như thanh long chín đỏ. Mỗi khi bà con nông dân có người thân ở xa vào thăm đúng mùa thanh long chín rộ thì sẽ được chiêu đãi thanh long xanh.

Ông Đông cho biết, lý do nhiều nông dân tạm biệt ruộng nương để vào vùng đất hứa thanh long là vì: “Mỗi trụ thu được hơn 30 trái thanh long là đạt và chủ yếu là hàng cồ (quả đẹp), trọng lượng mỗi quả từ 7-9 lạng. Có người để ra nhiều trái hơn, hái quả nhỏ để bán hàng chợ, giá rẻ để lấy ngắn nuôi dài”. Kể chuyện thanh long ruột trắng, nhưng ông Đông lại dẫn tôi đến một số trụ thanh long ruột đỏ đang trồng thử nghiệm. Hoa thanh long ruột đỏ có cánh dài, mặt ngoài có viền đỏ, trông hơi giống hoa quỳnh nở về đêm.

Những tỷ phú thanh long

Hơn 10 năm trước, phong trào trồng thanh long bắt đầu nở rộ. Người dân ở các địa phương khác đã di chuyển đến Bình Thuận để canh tác thanh long. Theo báo cáo mới nhất năm 2018 của UBND tỉnh Bình Thuận, diện tích thanh long hiện nay trên địa bàn tỉnh là 27.757ha, so với 10 năm trước, diện tích trồng thanh long tăng hơn 17.000ha. Định hướng đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận phát triển diện tích 30.000ha. Sản lượng thu hoạch thanh long trong năm 2017 đạt 540.252 tấn, năng suất bình quân đạt 21 tấn/ha.

87fw_16b
Thanh long vào mùa thu hoạch. Ảnh: Văn Chương

Những tỷ phú thanh long thường được báo chí nhắc tên, trong đó có anh Bùi Ngọc Lê, quê gốc ở xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Người nông dân này vào thị trấn Thuận Nam khởi nghiệp từ bầy gà 10 con, rồi trở thành một người có trong tay khu vườn thanh long 10.000 trụ, tham gia trồng thanh long theo tiêu chuẩn Blobal Gap. Vườn thanh long đã mang lại cho anh hàng tỷ đồng thu nhập mỗi năm.

Còn tại xã Hàm Thạnh, nông dân Trần Ninh Hiệp cũng từng được vinh danh là nông dân sản xuất giỏi, tỷ phú trồng thanh long. Năm 1989, anh Hiệp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, bắt đầu khởi nghiệp bằng 5 triệu đồng vay ngân hàng để trồng vườn thanh long chỉ 47 trụ trên mảnh vườn 0,5ha. Đến giờ, lão nông này đã có trong tay 8ha thanh long, nên được xếp vào nhóm nông dân kiếm được tiền tỷ nhờ thanh long.

Phần lớn nông dân canh tác thanh long ruột trắng. Hai năm trở lại đây, thanh long ruột đỏ trở nên đắt hàng. Tết vừa rồi, thanh long ruột đỏ tăng vọt lên giá 58.000 đồng/kg và nông dân ở một số nơi đã nhanh tay kiếm được tiền tỷ. Thu hoạch thanh long có lãi, nên đất Bình Thuận đã thu hút giới đầu tư từ Sài Gòn ra thuê đất, mua đất, cải tạo thành những nông trang lớn.   

Đến những nông trang thanh long Bình Thuận, tôi vừa được thỏa thích ngắm hoa, được nghe kể chuyện thu nhập tiền tỷ của nông dân, lại nghe kể về những nỗi băn khoăn vì hơn 75% thanh long Bình Thuận được xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, năm 2017 mới bắt đầu được lọt vào thị trường khó tính của Ôxtrâylia. Trong bữa ăn, bạn có thể bất ngờ được chiêu đãi món quả thanh long non hấp, chấm mắm; lẩu cá nấu với quả thanh long non do chính những nông dân trổ tài.

Lão nông 4.0

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị đang được triển khai, nông dân đã tham gia trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến tháng 2-2018, toàn tỉnh có hơn 9.500ha thuộc 449 đơn vị/9.625 hộ áp dụng. Diện tích sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn toàn tỉnh có 264ha, cụ thể là các đơn vị: Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu 200ha, Trang trại Thanh Thanh 9ha, Doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận 18ha.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 12.182ha thanh long áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước, góp phần làm giảm lượng phân bón và nước tưới cho cây thanh long. Đối với mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao trên cây thanh long, toàn tỉnh có khoảng 150ha thanh long trồng giàn áp dụng đồng bộ hệ thống tưới tự động và cơ giới hóa trong sản xuất.

Tỉnh Bình Thuận cũng đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” sang 14 nước và 12 nước đã đồng ý bảo hộ. Để xây dựng chuỗi giá trị thanh long từ sản xuất đến tiêu thụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam (Dự án VCED) được Bộ Toàn cầu Canađa tài trợ, vận động và thành lập Hợp tác xã Thanh Bình với hơn 300 xã viên.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO