Biên phòng - Theo quy định, pháo nổ là mặt hàng cấm, do vậy, các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi bảo đảm yếu tố định lượng với khung hình phạt có thể nói là rất nặng. Đối với địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, việc vận chuyển những “quả bom hẹn giờ” như thế này cũng chưa bao giờ là chuyện đơn giản, bởi “hàng rào” an ninh luôn được siết chặt trên mọi cung đường. Vận chuyển đã khó mà khi bị bắt lại phải đối diện với mức án nghiêm khắc. Vậy, tại sao “cục xương khó gặm” này vẫn luôn là “miếng mồi béo bở” của bọn tội phạm, để rồi cứ “đến hẹn lại lên”, năm hết, pháo lại “nổ” trên đường biên giới?…
Chiến thuật “triệt tận gốc” và sự chuyển hướng của pháo nổ nhập lậu
Nằm trên vùng ngã ba Đông Dương, cửa khẩu quốc tế Bờ Y thuộc xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) từng là địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, trong đó có pháo nổ. Đã có những thời điểm pháo nổ tuồn qua đây dồn dập như “mạch nước ngầm” với số lượng lên đến 4 con số (kg) trên mỗi vụ. Đơn cử như Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (BĐBP Kon Tum), có ngày, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm bắt được vụ thứ nhất chưa kiểm đếm xong lại tiếp tục bắt được vụ thứ hai, với tổng trọng lượng trên 1 tấn pháo các loại.
Theo chia sẻ của một trinh sát Biên phòng dày dạn kinh nghiệm đánh án trên vùng ngã ba Đông Dương, pháo nổ nhập lậu bùng phát qua biên giới phụ thuộc vào 3 yếu tố, đó là lợi nhuận, sự đa dạng “thông thoáng” từ nguồn cung và cuối cùng là hiệu quả đánh bắt của các lực lượng chức năng. Một hộp pháo nổ loại 49 viên mang nhãn mác Trung Quốc xuất xứ từ Thái Lan có giá khởi điểm 200.000 đồng, nếu vận chuyển trót lọt qua biên giới, sẽ tăng gấp đôi và tiếp tục được nâng theo cấp số nhân khi đến tay “điểm cầu” cuối cùng (giá từ 800.000- 1.000.000 đồng).
Tiếp đến là sự đa dạng “thông thoáng” từ nguồn cung và hiệu quả đánh bắt của lực lượng chức năng. Sau thời gian bùng phát như chúng tôi đã đề cập ở trên, khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y nói riêng, vùng ngã ba Đông Dương nói chung trở nên yên ắng sau khi đã khắc chế được nạn pháo nổ nhập lậu qua biên giới. Để có được điều này, BĐBP Kon Tum một mặt, tăng cường phối hợp, hợp tác với các lực lượng chức năng nước bạn Lào, nhằm vô hiệu hóa các đầu mối cung cấp pháo nổ bên kia biên giới; mặt khác, đẩy mạnh đấu tranh trực diện nhắm vào các đầu nậu và đám cửu vạn chuyên mang vác pháo thuê.
Có những vụ án, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và BĐBP Kon Tum đã “nhổ tận gốc” cả đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ hoạt động trên địa bàn biên giới, tháo gỡ những “quả bom nổ chậm” cực kỳ nguy hiểm được bọn tội phạm cất giấu trong boong ke nằm giữa khu dân cư. Sự chủ động, nhạy bén trong đấu tranh của BĐBP trên địa bàn biên giới Bắc Tây Nguyên được thể hiện cả trong thời điểm pháo nổ nhập lậu qua biên giới đang tạm thời “hạ nhiệt” như hiện nay (chúng tôi dùng từ “hạ nhiệt” là bởi nguy cơ quay trở lại của mặt hàng cấm này vẫn còn rất cao).
Minh chứng là gần đây nhất, vào ngày 13/8/2022, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP Kon Tum đã phá thành công Chuyên án KT522, bắt giữ 2 đối tượng đang vận chuyển trái phép 184kg pháo nổ, 18kg động vật hoang dã qua biên giới trên khu vực xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. “Pháo nổ nhập lậu đã có sự dịch chuyển sang đoạn biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng, bước vào thời điểm cuối năm, nó sẽ lại có những diễn biến phức tạp trên khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y - điểm cuối của tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Chúng tôi luôn “bật chế độ” chờ sẵn để triệt tận gốc hoạt động phạm pháp này…” - Một lãnh đạo Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Kon Tum nhận định và chia sẻ với chúng tôi như thế.
“Nóng” pháo nổ nhập lậu trên hành lang cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh
Nằm cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y khoảng 150km về hướng Nam là một trong những đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất trên vùng “Tam giác phát triển” Việt Nam - Lào - Campuchia: cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). Đây cũng chính là “cung đường” dịch chuyển pháo nổ qua biên giới trên địa bàn Bắc Tây Nguyên trong thời gian gần đây với các điểm nóng bắt đầu từ sông Sê San qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến những cánh rừng cao su gần đường biên giới thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Ia O, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và Đồn Biên phòng Ia Nan (BĐBP Gia Lai) quản lý.
Tại đây, ở bên kia biên giới, các loại pháo nổ nhập lậu “đi lại” khá thông thoáng do luật pháp nước bạn không nghiêm cấm, đặc biệt là có sự bảo kê, tiếp tay của một số lực lượng chức năng để tuồn pháo sang Việt Nam tiêu thụ. Với chỉ mấy trăm mét, thậm chí là đôi ba bước chân đã biến một mặt hàng bất hợp pháp thành hợp pháp và ngược lại thì chắc chắn “trận địa” ngăn chặn pháo nổ nhập lậu qua biên giới sẽ luôn được hâm nóng, nhất là vào thời điểm kết thúc năm cũ, đón chào năm mới. Theo số liệu báo cáo của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Gia Lai, từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị BĐBP tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 9 vụ/6 đối tượng vận chuyển gần 460kg pháo nổ các loại.
Chia sẻ vấn đề này, lãnh đạo Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đã khoanh vùng và theo sát nhóm đối tượng có dấu hiệu tham gia vận chuyển pháo nổ qua biên giới để chủ động các phương án đánh bắt khi vụ việc xảy ra. Theo nhận định, hoạt động mua bán, vận chuyển pháo nổ qua biên giới, nhất là dọc hành lang cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh sẽ gia tăng rất mạnh vào dịp cuối năm. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm và các đồn Biên phòng triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng cấm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, quyết tâm hạn chế xuống mức thấp nhất vấn nạn mua bán, vận chuyển pháo nổ qua biên giới”.
Song song với biện pháp đấu tranh trấn áp trực diện, các đồn Biên phòng quản lý địa bàn đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận, phát huy sức mạnh thế trận Biên phòng toàn dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Trung tá Hoàng Tuấn Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Nan chia sẻ: “Các hộ gia đình có nương rẫy canh tác gần biên giới đều có hoạt động của Tổ tự quản và thường xuyên phối hợp với BĐBP tuần tra, bảo vệ biên giới. Để nâng cao khả năng nhận diện tội phạm cho bà con, chúng tôi liên tục tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp người dân, phát huy vai trò làm chủ đường biên, cột mốc và trật tự trị an thôn làng. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn luôn được triển khai chặt chẽ, sẵn sàng cơ động lực lượng khi có vụ việc phức tạp xảy ra”.
Thái Kim Nga