Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Nông sản ùn ứ, tiềm ẩn mất an ninh trật tự tại biên giới

Biên phòng - Hiện nay, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Tuy nhiên, một số chủ hàng trong nước vẫn thu mua các loại trái cây bị ngừng nhập khẩu tập kết ở khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn, sau đó thuê cửu vạn vận chuyển qua bên kia biên giới bán cho các thương lái Trung Quốc. Điều đó đang gây sức ép không nhỏ cho các đơn vị BĐBP Lạng Sơn trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực biên giới.

9tjd_20
Rất đông lực lượng cửu vạn tập trung tại thôn Khơ Đa để vận chuyển mặt hàng chanh leo qua biên giới dù biết là vi phạm pháp luật. Ảnh: Viết lam

Kể từ ngày 1-5-2018, Trung Quốc thắt chặt quản lý, truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu, nhất là hoa quả có nguồn gốc từ Thái Lan và Việt Nam. Theo quy định này, các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ nhập khẩu hoa quả, trái cây từ Việt Nam và Thái Lan khi có giấy phép của cơ quan kiểm dịch động, thực vật, đồng thời phải có đầy đủ thông tin về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, chỉ có 8 loại trái cây tươi của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm. Còn các mặt hàng trái cây tươi khác của Việt Nam như: Na, bưởi, chanh leo, dừa, mận... gần như không xuất được sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch.

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trao đổi, vận động phía Trung Quốc đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục cho phép trái cây tươi (măng cụt, mận, bưởi, na, chanh leo...) được xuất khẩu vào Trung Quốc. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, tổ chức liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống quản lý và tuân thủ quy trình xông hơi khử trùng và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tránh sai sót phát sinh.

Riêng mặt hàng chanh leo, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đã gửi 2 bộ hồ sơ thông tin kỹ thuật để xúc tiến mở cửa thị trường chính ngạch cho loại quả này. Tuy nhiên, đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa đồng ý cho phép nhập khẩu chính ngạch mặt hàng quả chanh leo của Việt Nam. Loại quả này không xuất khẩu được đang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người nông dân. Từ thực tiễn trên, một số chủ hàng trong nước vẫn thu mua chanh leo tập kết về khu vực biên giới xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn rồi thuê cửu vạn  vận chuyển trái phép theo các đường mòn sang bên kia biên giới bán cho thương lái Trung Quốc. Điều đó đang gây sức ép không nhỏ cho lực lượng BĐBP Lạng Sơn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Đại úy Vũ Đức Trung, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam, Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: “Trước đây, khi chưa bị Trung Quốc cấm nhập khẩu, mỗi ngày có hàng chục tấn chanh leo của doanh nghiệp trong nước làm thủ tục xuất khẩu qua đường chính ngạch. Thế nhưng, với chính sách của Trung Quốc, hiện nay, mặt hàng này đang bị ùn ứ, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và người nông dân. Trước tình hình đó, BĐBP Lạng Sơn cũng đã kiến nghị với chính quyền địa phương hai bên biên giới tìm biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, do hai bên vẫn chưa thống nhất được và mặt hàng chanh leo của Việt Nam vẫn bị Trung Quốc cấm nhập khẩu. Trên thực tế, có một số chủ hàng vẫn gom mặt hàng trái cây trên tập kết ở các khu dân cư biên giới rồi thuê cửu vạn tranh thủ vắng mặt các cơ quan chức năng là vận chuyển trái phép theo đường tiểu mạch sang Trung Quốc tiêu thụ”.

Theo Đại úy Vũ Đức Trung, việc người dân vận chuyển nông sản qua biên giới theo đường tiểu mạch là vi phạm pháp luật. Từ đó, lực lượng BĐBP đã tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thời tổ chức lực lượng ngăn chặn. Thế nhưng, quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp không ít khó khăn vì mặc dù bị Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu, nhưng nhu cầu chanh leo trên thị trường phía bên kia biên giới là có thật, vì thế, nhiều chủ hàng hai nước Việt Nam - Trung Quốc vẫn đứng ra mua, bán theo đường mòn qua biên giới.

Nói về điều này, chị Lộc Thị Khê, một người thu mua chanh leo bán qua Trung Quốc cho biết: “Việc Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu theo đường chính ngạch làm cho chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Tôi cũng tính nghỉ công việc buôn bán mặt hàng trái cây này, nhưng các chủ vườn vốn quen biết từ lâu ai cũng năn nỉ thu mua trái cây cho họ. Hơn nữa, các đối tác bên kia biên giới vẫn mua hàng bình thường nên chúng tôi mới phải lén lút vận chuyển trái phép hàng qua các đường mòn biên giới, mặc dù biết là vi phạm pháp luật”.

Những ngày giữa tháng 3-2019, theo ghi nhận của chúng tôi, có rất nhiều xe ô tô tải vận chuyển chanh leo về tập kết tại khu vực thôn Khơ Đa, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, cũng có hàng trăm người dân từ nhiều địa phương khác nhau đến làm cửu vạn “cõng” chanh leo theo đường mòn sang bên kia biên giới để lấy tiền công. Khi lực lượng BĐBP tiến hành ngăn chặn trên các đường mòn, lối mở thì bị người dân phản ứng rất gay gắt.

“Vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã tăng cường lực lượng lên để ngăn chặn nhưng gặp phải phản ứng gay gắt của người dân. Nếu làm căng thẳng dễ dẫn đến xung đột giữa nhân dân với các lực lượng chức năng, tạo ra điểm nóng trên địa bàn. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu thêm việc làm trên là vi phạm pháp luật. Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng sớm có giải pháp để tiêu thụ nông sản cho nông dân, nếu để tình trạng này kéo dài gây sức ép rất lớn cho chúng tôi trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn” - Đại úy Vũ Đức Trung khẳng định.

Việc nông sản, người lao động tập trung với số lượng lớn tại thôn Khơ Đa không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự ở khu vực biên giới, mà còn ảnh hưởng rất lớn về môi trường. Chính vì vậy, chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc để giải quyết, tìm hướng tiêu thụ nông sản cho bà con.

Viết Lam  

Bình luận

ZALO