Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:15 GMT+7

Nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh

Biên phòng - Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo “Chân dung người nông dân Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 9-11.

img-8947
Ông Trần Công Thắng khái quát những thành tựu của nông nghiệp Việt Nam trong 30 năm đổi mới. Ảnh: Bích Nguyên

Tại hội thảo, các biểu khác đã đưa ra cái nhìn bao quát về người nông dân Việt Nam từ khi bắt đầu đổi mới tới nay cũng như các thách thức tương lai sẽ phải đối mặt trong bối cảnh chuyển đổi nông nghiệp, đô thị hóa, công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

Đánh giá về thành tựu của ngành nông nghiệp trong 30 năm đổi mới, Ts Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh: “Tăng trưởng GDP nông nghiệp Việt Nam luôn ổn định. Việt Nam từ một nước thiếu lương thực đã trở thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo”.

Cũng theo ông Thắng, thành tựu khác của nông nghiệp Việt Nam là có sự tăng trưởng mạnh về diện tích, năng suất, chất lượng. Một số mặt hàng nông nghiệp từ chỗ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ đã phát triển thành mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu như cà phê, cao su, tiêu, điều. Năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo. Đặc biệt, ngành thủy sản, từ năm 1995 còn rất mờ nhạt đến nay đã có sự tăng trưởng tốt. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ gần 200ha năm 1995 lên gần 1 triệu ha năm 2017.

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, nông nghiệp là ngành có thặng dư thương mại luôn luôn dương, trung bình tốc độ phát triển 14-15%/ năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản tăng mạnh, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng từ mức dưới 5 tỉ đô la năm 2000 lên hơn 40 tỉ đô la năm 2018.

Đến nay, tỉ trọng của một số nông sản Việt Nam trên thế giới chiếm gần 50%. Trong đó mặt hàng hạt điều, tiêu đen xếp số 1 toàn cầu về khối lượng và giá trị; Cà phê nhân và sắn lát khô xếp số 2 toàn cầu về khối lượng và giá trị.

Ts Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp khẳng định, sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam đã thúc đẩy nông thôn phát triển. “Hiện 90% xã nông thôn có đường ô tô đến trung tam. 98% số thôn có hệ thống diện. 91% nông dân được sử dụng nước sạch. Gần 100% xã có trường tiểu học, mẫu giáo, trạm y tế. Thu nhập của người nông dân từ 9,15 triệu đồng năm 2008 tăng lên 32 triệu đồng năm 2017” - ông Sơn chứng minh.

Hội thảo khẳng định, người nông dân Việt Nam đang bước vào thời điểm bản lề của thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước tăng tốc. Đây là thời điểm chuyển mình lột xác của họ. Phần lớn cư dân nông thôn sẽ trở thành đội ngũ lao động phi nông nghiệp hùng hậu và lực lượng thị dân mới tương lai, một số nhỏ trở thành người nông dân chuyên nghiệp của nền nông nghiệp sản xuất lớn, hiện đại. Quá trình đó sẽ diễn ra đầy thách thức và khó khăn. Đây là một quá trình cách mạng to lớn, phải được dẫn dắt bằng những chính sách và chiến lược phát triển hợp lý.

Bên cạnh đó, trong tương lai, biến đổi khí hậu phức tạp, tình trạng già hóa, mức độ hội nhập sâu rộng, sự phát triển của khoa học công nghệ nhất là cách mạng công nghệ lần thứ 4 sẽ đặt ra trước cư dân nông thôn những thách thức mới.

Về vấn đề xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, Ts Trần Công Thắng nhấn mạnh phải xác định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn.

“Nông nghiệp là lợi thế kinh tế chính của Việt Nam, phải huy động đầu tư toàn xã hội để phát triển ngành nông nghiệp đồng bộ cả sản xuất, chế biến, kinh doanh. Nông thôn được coi là thị trường và là địa bàn rộng lớn nhất để tiến hành công nghiệp hóa và đô thị hóa” - ông Thắng nói.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO