Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:52 GMT+7

Nông nghiệp Việt Nam ngày càng khởi sắc

Biên phòng - Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu với nỗ lực và quyết tâm cao, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đạt được những kết quả rất ấn tượng. Nhiều chỉ tiêu phát triển của Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” giai đoạn 2013-2018 đã đạt hoặc gần tiệm cận đến mục tiêu của năm 2020 về cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường.

hi78_13a
Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội. Ảnh: TTH

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Theo Bộ NN&PTNT, việc thực hiện đề án đã tạo bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành nông nghiệp (NN). Cơ cấu nội ngành NN chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có thế mạnh và thị trường thuận lợi đã phát triển nhanh cả về diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng và tỉ trọng đóng góp cho tăng trưởng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Về mục tiêu kinh tế, tổng quan chung trong cả 5 năm, NN đã duy trì được tăng trưởng, đạt bình quân 2,55%/năm, dự kiến năm 2018 đạt 3,4%. Năng suất lao động NN tăng nhanh, năm 2017, năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/lao động, bình quân tăng 6,67%/năm, gần gấp đôi mục tiêu đề ra (tăng 3,5%)”.

Đến nay, sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam đã có mặt ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 31,5 tỉ đô-la Mỹ/năm, tăng 51,2% so với bình quân của 5 năm trước. Thặng dư thương mại hằng năm chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu. “Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Năng lực cạnh tranh và vị thế của NN Việt Nam ngày càng được nâng cao. Đây là thành quả nổi bật và rất quan trọng của quá trình cơ cấu lại NN thời gian qua” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Về mục tiêu xã hội, cùng với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an ninh dinh dưỡng, cơ cấu lại NN đã giúp tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng (năm 2012) lên khoảng 130 triệu đồng, đạt mục tiêu đề ra. Qua đó, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo nông thôn bình quân 1,5%/năm. Tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến tháng 10-2018 đã vượt mục tiêu năm 2018, có ít nhất 40% số xã đạt chuẩn và năm 2020 sẽ vượt mục tiêu 50%.

Về mục tiêu môi trường, đến hết năm 2017, tỉ lệ che phủ rừng đạt 41,45% (mục tiêu đến năm 2020, đạt 42%). Tình trạng sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại trong sản xuất đã từng bước được ngăn chặn, xử lý nghiêm, tiến tới chấm dứt.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Bàn về những khó khăn của nông dân, ông Đoàn Minh Chiến, chủ một trang trại tổng hợp tại Bình Dương chỉ ra rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 về NN hữu cơ. Theo đó, ưu tiên thực hiện nhiều chính sách đặc thù phát triển NN hữu cơ như hỗ trợ về vốn, giống, 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất NN hữu cơ, hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất và đăng ký sản phẩm organic... Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách trên, đặc biệt là nguồn vốn hiện còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, sự liên kết vùng sản xuất NN hữu cơ còn rất hạn chế. Chính vì chưa có sự liên kết vùng mà vườn bưởi da xanh của ông bị sâu rầy tấn công liên tục gây thiệt hại lớn. Ông Chiến đề nghị Chính phủ cần có chủ trương, chính sách phù hợp để giúp cho các trang trại có vốn đầu tư phát triển. Cùng với đó, cần khoanh vùng và tạo giống cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng.

slp6_13b
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo cú hích mạnh mẽ thúc đẩy sự liên kết sản xuất, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Ảnh: Bích Nguyên

Ý kiến của ông Chiến mới chỉ phản ánh một số tồn tại, bất cập trong phát triển NN 5 năm qua. Theo Bộ NN&PTNT, ngành NN vẫn đang đứng trước nhiều rủi ro, chưa vững chắc. Nhiều địa phương chưa xác định cơ cấu và sản phẩm lợi thế phù hợp với địa phương mình. Công tác dự báo cung, cầu yếu nên chưa tránh được tình trạng nông sản ”được mùa, mất giá”. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ lệ cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành NN. Sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị chưa trở thành chủ đạo. Thu hút nguồn lực xã hội cho NN, nông thôn còn hạn chế; tỉ trọng vốn đầu tư xã hội vào ngành chỉ khoảng 5,8-6,0% của cả nước.

Hướng tới nền nông nghiệp thông minh và hiện đại

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, đặt doanh nghiệp ở vai trò trung tâm, coi trọng thị trường trong nước để người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ thành quả tái cơ cấu ngành NN.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về tầm nhìn phát triển ngành NN giai đoạn tới, cần xác định mục tiêu chung là: “Xây dựng dựng nền NN thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và góp phần bảo đảm an ninh - quốc phòng”.

Muốn làm được điều này, các bộ, ngành, doanh nghiệp và nông dân phải vào cuộc quyết liệt. Các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành NN, nông thôn phát triển, đồng thời, khắc phục những điểm còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp. Trên cơ sở tái cơ cấu, Bộ NN&PTNT chủ trì với các bộ, ngành liên quan, các địa phương các tổ chức lập các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho NN, đặc biệt là xây dựng kế hoạch để xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư hạ tầng và phát triển các sản phẩm NN, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, và có sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, một lực lượng đóng vai trò quyết định đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm NN chính là khoa học, công nghệ. “Tái cơ cấu NN cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, đặc biệt là ứng dụng nhanh các thành tựu của khoa học, công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất NN tạo ra nhiều sản phẩm NN, có năng suất, chất lượng, khối lượng đột phá và có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO