Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:29 GMT+7

Nông nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội khi tham gia các hiệp định thương mại tự do

Biên phòng - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 26-6.

img-8036
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo áp lực cần thiết chuyển đổi phương thức từ hệ thống quản lý, cơ cấu kinh tế tới liên kết chất lượng sản phẩm, cung cách tiếp cận thị trường phải khác biệt. Ảnh: Bích Nguyên

Hiện Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ tiếp tục ký kết Hiệp định Thương mại tự do (TMTD) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) trong vài ngày tới. Đây là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hứa hẹn sẽ là thị trường tiềm năng tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản.

Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất, khi tham gia các hiệp định TMTD, nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, đó là: Mở rộng cơ hội thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan; đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam và tuân thủ các quy định SPS (biện pháp kiểm dịch động, thực vật) và TBT (các biện pháp kỹ thuật); đa dạng hóa các thị trường đầu tư tiềm năng ở nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam; thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do tạo ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam nhưng cũng đầy rẫy thách thức và rủi ro. Nếu chúng ta không vươn lên, nông sản Việt Nam sẽ mất ngay cơ hội trên sân nhà”.

Những thách thức đặt ra với nông sản Việt Nam đó là sự gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm. Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với quy định SPS (các biện pháp kiểm dịch động, thực vật) và TBT (các biện pháp kỹ thuật), hay quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin. Doanh nghiêp phải tuân thủ các quy định của các nước nhập khẩu không chỉ đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ví dụ như các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, giới…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những thách thức nói trên sẽ là động lực để ngành nông nghiệp phát triển. Điều đó đòi hỏi cả chính phủ, khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và người dân phải vào cuộc. Trong đó, Nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, doanh nghiệp phải liên kết sản xuất theo chuỗi, người dân phải đổi mới tư duy sản xuất…

Tại hội nghị, bên cạnh việc phân tích kỹ các cơ hội và thách thức, các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị để có thể khai thác tốt nhất tiềm năng và những lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO