Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 12/09/2024 09:51 GMT+7

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế trong đại dịch Covid-19

Biên phòng - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp, tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nông nghiệp vẫn giữ được vai trò là trụ đỡ quan trọng cho nên kinh tế với tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp. Ảnh: CTV

9 tháng đầu năm 2021, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức. Đó là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và thế giới, đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta.

Trong khi đó, sự cạnh tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai dị thường, hạn hán và xâm nhập mặn tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống người dân.

Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của toàn ngành, người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp, 9 tháng qua, ngành nông lâm thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế - xã hội cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng (VA) của ngành Nông nghiệp quý III tăng 1,04% so với quý III năm 2020.

Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng VA của ngành Nông nghiệp đạt 2,74% (nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,30%, thủy sản tăng 0,66%) và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế (GDP cả nước +1,42%).

Dù gặp rất nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 thứ tư gây ra nhưng nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành Nông nghiệp đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng vừa qua, ngành Nông nghiệp đã tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) và Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã,… thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong tình hình giãn cách theo Chỉ thị 16, đặc biệt tại 19 tỉnh Nam Bộ.

Tổ công tác 970 đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300 - 400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1.000 tấn nông sản; xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cúa Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường. Cụ thể, kiến nghị với Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu trở lại các mặt hàng hoa quả tươi đã được phép xuất khẩu chính ngạch đã được Trung Quốc cấp phép qua cửa khẩu Kim Thành, Vân Nam - Hà Khẩu, Lào Cai; thông báo cho các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội về khôi phục thông quan chuối, thanh long sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai.

Thúc đẩy thương mại nông sản, mở cửa thị trường nông sản với các nước như Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Séc và các nước trong khối ASEAN…; Hỗ trợ các doanh nghiệp để xuất khẩu nông sản (đặc biệt: Vải, nhãn, xoài, khoai lang, ớt đang vào vụ thu hoạch) đạt tiêu chuẩn sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc….

Hiện nay, cả nước có 5.343/8.233 xã (64,9%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 335 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao và đã có 32 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 197/664 đơn vị cấp huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 12 tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 4 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO