Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế

Biên phòng - Năm 2020, Nông nghiệp (NN) Việt Nam đối diện với những thách thức lớn chưa từng có do đại dịch Covid-19, thiên tai xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, ngành NN Vệt Nam vẫn bứt tốc, kim ngạch xuất khẩu cán đích hơn 41 tỉ USD và tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế.

Đến hết năm 2020, đã có 3.200 sản phẩm OCOP được phân hạng và công nhận. Ảnh: Bích Nguyên

Năm thành công toàn diện

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập, khẩu, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, diễn ra khốc liệt trên cả nước. Thị trường tiêu thụ một số nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật. Trong bối cảnh đó, NN Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu đã bứt tốc vào những tháng cuối năm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 2020 tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41 tỉ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người. Sản lượng lúa đạt 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Toàn quốc đã có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8% so với cuối năm 2019); 173 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019) và có 3 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên) đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới. Hiện có 9 tỉnh, thành phố đang hoàn thiện thủ tục để được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Nhiều sản phẩm NN của Việt Nam có chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất được nguồn gốc. Ảnh: Bích Nguyên

Chứng kiến nỗ lực của ngành NN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2020 là năm đầy khó khăn và thử thách nhưng người nông dân, toàn ngành NN đã cố gắng vượt khó vươn lên đạt mức tăng trưởng bằng với mức tăng trưởng của cả nền kinh tế. Ngành NN đã thích ứng tốt với đại dịch, với thiên tai. Sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu.

"Năm nay cũng như 5 năm qua, thiên tai, nhân tai, dịch bệnh ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến NN, nhưng đây cũng là năm đầy bản lĩnh và thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Xuất khẩu của nước ta đạt con số kỷ lục, khoảng 541 tỉ kim ngạch 2 chiều và xuất siêu trên 20 tỉ USD. Đến giờ phút này, NN đóng góp vào xuất siêu khoảng 10 tỉ USD. Năm 2020 Việt Nam là 1 trong 5 nước có dòng thương mại mạnh nhất thế giới. An sinh xã hội, vùng dân tộc thiểu số được quan tâm. Mặc dù thiên tai xảy ra nhiều, gây thiệt hại lớn nhưng tỉ lệ đói nghèo vẫn giảm còn dưới 3%." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

“NN Việt Nam trong khó khăn một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, một lần nữa khẳng định tiếp tục làm bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2020 là năm rất đặc biệt và thử thách rất lớn đối với nền kinh tế và ngành NN. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã chủ động, phối hợp tích cực, đồng bộ và toàn diện với các bộ, ngành xúc tiến thương mại sang các thị trường mới và giải cứu ngoạn mục các nông sản bị đình trệ trong xuất khẩu do dịch Covid-19.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp

Những thành tựu mà ngành NN đạt được trong một năm đầy biến động và sóng gió vừa qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, ngành NN còn một số tồn tại, đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững nhất là khi chịu tác động từ các cú sốc thiên tai, dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng NN còn nhiều hạn chế. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt. Biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn; thiên tai dị thường được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống. Tất cả những yếu tố trên đòi hỏi ngành NN vừa phải có những ứng phó kịp thời vừa phải có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất đồng thời tận dụng được thời cơ rất lớn từ việc thị trường được mở ra với việc tham gia 14 hiệp định thương mại tự do.

Định hướng phát triển NN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất NN sang làm kinh tế NN. Phải chuyển từ đánh bắt thủy sản là chủ yếu sang chiến lược nuôi trồng, nhất là nuôi trồng biển.

Nhiều nông dân đã ứng dụng khoa học, xây dựng mô hình sản xuất NN công nghệ cao. Ảnh: Thúy Hằng

Ở góc nhìn thương mại, phát triển doanh nghiệp NN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, tầm nhìn trong 20-30 năm tới phải chuyển được nền sản xuất NN sang nền kinh doanh NN. Muốn làm được điều này phải tháo gỡ các rào cản phát triển kinh doanh NN.

Theo ông Lộc, một số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực NN hiện hành đang gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cần sửa đổi để mở đường cho lĩnh vực này và phù hợp với tình hình thực tế trong giai đọan tới. Bên cạnh đó, hiện còn rất nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tích tụ đất đai phát triển NN. Ông Lộc đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội Luật sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết nút thắt về đất đai.

Trong khi đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thời gian vừa qua những mô hình sản xuất NN theo chuỗi đã được định hình và khẳng định là hướng đi đúng. Trong bối cảnh hiện nay, chiến lược hội nhập là chiến lược sống còn của nước ta, cần phải thống nhất quan điểm sản xuất nói chung và sản xuất NN nói riêng phải gắn liền với tín hiệu thị trường. Vai trò của doanh nghiệp trong vận hành các chuỗi liên kết sản xuất là rất lớn để đảm bảo nền kinh tế hàng hóa trong NN. Do đó, thời gian tới cần đánh giá việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, cung cấp thông tin để người nông dân và doanh nghiệp có hướng đi đúng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành NN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành NN gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thúc đẩy phát triển sản xuất NN quy mô lớn theo chuỗi giá trị, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO