Biên phòng - Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, năm 2021, ngành Nông nghiệp (NN) đã “vượt vũ môn” thành công với con số tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt mức cao kỷ lục, trên 48,6 tỷ USD.

Những “điểm sáng” tăng trưởng
Kết thúc một năm đầy biến động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, với quyết tâm cao, nỗ lực vươn lên, triển khai giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, ngành NN đã đạt được những kết quả khả quan. Bộ trưởng Bộ NN và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: “Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,85%. Xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được Chính phủ giao. Lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn cung ứng kịp thời đến hàng chục triệu người dân tại các đô thị, trung tâm công nghiệp trong bối cảnh giãn cách xã hội. NN công nghệ cao, NN hữu cơ, NN tuần hoàn, NN thông minh, NN số... đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm và lan tỏa, làm thay đổi tích cực cách thức tiếp cận NN truyền thống. Một nền NN sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII dần được định hình và hiện thực hóa”.
Những con số nổi bật của ngành NN còn thể hiện ở 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo, cao su). Sản lượng lúa gạo đạt trên 43 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2021, có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã. Toàn quốc có thêm 213 đơn vị cấp huyện và 3 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn tiếp tục khẳng định thành tích “to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử”. Những sản phẩm OCOP từ làng quê nông thôn dần trở thành sản phẩm quốc gia “hội tụ giá trị - lan tỏa văn hóa”. Dù trong bối cảnh nào, nông thôn vẫn dang rộng vòng tay, chào đón những người dân trở về, đã minh chứng cho sự bền bỉ đi lên của khu vực nông thôn”.
Nhìn lại một năm đã qua với rất nhiều “sóng gió” từ dịch Covid-19, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Toàn ngành đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn. Chúng ta cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất NN” sang “tư duy kinh tế NN”, chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Chúng ta huy động nguồn lực, kết nối các sáng kiến từ xã hội, qua nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hướng đến kích hoạt cơ chế hợp tác công tư, xã hội hóa để bổ sung nguồn lực phát triển. Thành tích của ngành là kết quả của sự đồng hành của cả xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp và hàng chục triệu nông dân”.
Định vị lại ngành Nông nghiệp trong nền kinh tế
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những điều khó khăn, khó lường vẫn còn phía trước, vì vậy, không được tự bằng lòng với kết quả đã đạt được. NN được xem là ngành luôn đương đầu với nhiều rủi ro, thách thức. Trong bối cảnh một thế giới đầy biến động, bất định, phức tạp và có phần mơ hồ, mà đại dịch Covid-19 là một minh chứng, NN lại đứng trước nhiều thách thức mới: biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, biến động thị trường và những rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế, biến chuyển xu thế tiêu dùng và cách tiếp cận nền NN xanh, minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Ngay trong 2 tháng cuối cùng của năm 2021, nông sản đã ùn ứ ở các cửa khẩu cho đến hiện tại, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Thực trạng này cho thấy, ngành NN không được tự bằng lòng với thành tích xuất khẩu. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Còn rất nhiều việc phải làm, làm đúng và làm ngay để xuất khẩu nông sản ngày thêm bền vững. Chúng ta phải chuẩn hóa vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng từ hợp tác xã đến doanh nghiệp, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản. Phải có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng logistics NN, nông thôn...”.
Bên cạnh đó, ngành NN cũng xác định tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường, khi chỉ bán nguyên liệu thô. Giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với khai thác hải sản. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi NN số... Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào NN tuần hoàn, NN giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng NN.
Hướng tới một nền kinh tế NN bền vững, Bộ NN và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chiến lược phát triển NN, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và sẽ trình Thủ tướng trong thời gian tới. “Chiến lược hiện thực hóa tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng: Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, NN là động lực. Chiến lược này không chỉ định vị NN, nông thôn như một ngành kinh tế tổng hợp, là “trụ đỡ” khi kinh tế gặp khó khăn, mà trong cả một cấu trúc góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước bền vững” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Nguyễn Bích