Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 07:20 GMT+7

Nồng nàn gian bếp homestay

Biên phòng - Vào những buổi tối, bất cứ mùa nào trong năm, ở vùng cao các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, không gian luôn phủ khí lạnh, sương mù. Nhưng chỉ cần bước chân vào căn bếp nào đó của người phụ nữ Mường, Thái đang làm dịch vụ du lịch homestay, người ta sẽ luôn có được cảm giác ấm áp, dịu dàng, yên lòng.

95wp_10b
Bữa cơm chủ nhà homestay làm cho khách du lịch. Ảnh: Thanh Hiền

Căn nhà sàn kiểu Mường truyền thống 2 gian 2 chái với mái lá của gia đình chị Bùi Thị Út (dân tộc Mường) nằm ở đầu xóm Mường Cú, cách trung tâm xã Tử Nê, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, chừng 3 cây số. Nhà không rộng lắm nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Trước nhà có vườn mía rộng, có chỗ nuôi ong. Chủ nhà sống rất cởi mở và thân thiện. Khoảng hơn 10 năm trước, có người từ Hà Nội lên khảo sát làm du lịch cộng đồng rồi ngỏ ý muốn chọn gia đình chị Út làm nơi đón khách du lịch cả trong và ngoài nước đến lưu trú tại nhà (homestay).

Kể từ đó, trung bình mỗi năm, gia đình chị Út đón khoảng gần chục đoàn khách đến nhà mình theo kiểu “3 cùng”: Cùng ngồi mâm, ăn các món ăn của người Mường; cùng trải chăn, đệm ngủ dưới sàn nhà theo tục ngủ của người Mường; cùng làm nương, rẫy, nhặt cỏ mía, quay mật ong, tham gia văn hóa, văn nghệ với chủ nhà... 

Mỗi lần nhà đón khách là một lần trong gian bếp nhà sàn của chị Út rộn ràng hẳn lên. Cũng như nhiều gia đình người Mường, căn bếp của nhà chị Út là một trong những không gian quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn; là linh hồn của căn nhà và gia đình. 

Trong tổng diện tích sử dụng khoảng hơn 10m2, rau lá, củ, quả mua từ chợ và lấy từ rừng về được xếp gọn gàng. Những ô cửa sổ gỗ nhìn thẳng ra khoảng sân được mở rộng. Vài bao thóc nếp ở vách bếp được ngả ra, đổ vào thúng, đặt vào quang gánh, quảy đi xay xát. Bên góc này, chậu hạt đậu ngâm trong nước nóng để làm nhân bánh truyền thống đang nở mọng, ươm vàng. Phía trên gian bếp, có gác dùng để trữ thức ăn, lương thực và đồ dùng cần ám khói...

Ở dưới sàn, một chiếc bếp lửa hình chữ nhật được đặt cao hơn sàn nhà khoảng 20cm. Quanh bếp là những chiếc ghế nhỏ để khách ngồi. Các thành viên trong gia đình chị Út, bao gồm vợ chồng chị, vợ chồng cậu con trai lớn, cháu nội cùng khách ngồi quây quần quanh bếp. 

Vào buổi tối, trong không gian tràn đầy ánh lửa bập bùng ấy là mâm cơm Mường với rất nhiều món truyền thống như cá suối rán, măng rừng, rau rừng luộc, gà ri, vịt cỏ, lợn cắp nách, cá băm nhuyễn nướng; món xôi, chả cuốn... được dọn ra trên mâm gỗ lớn có hình vuông chừng 50x50cm với những đôi đũa dài tới 30cm. Câu chuyện quanh mâm cơm giữa chủ nhà và khách thật vui vẻ, chân tình.

Từ Lạc Sơn, Hòa Bình đi bộ chừng hơn 10km xuyên qua rừng, vượt đỉnh Pù Luông, sẽ sang đến bản Hiêu - bản xa xôi nhất thuộc xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa. Ở đấy, chúng ta sẽ được gặp lại gian bếp nồng nàn của gia đình Trương Thị Tâm, người Thái.

Nhà chị Tâm nằm cheo leo trên triền đồi cao. Để lên đến nhà, phải vượt qua suối, leo dốc hàng cây số. Mùa xuân phong cảnh ở đây rất nên thơ, hùng vĩ. Phía trước con đường lên nhà chị, từng dãy núi xanh lơ, nhấp nhô quyện đầy mây phủ. Những thửa ruộng bậc thang điệp trùng. Căn nhà sàn của gia đình chị Tâm được ví như điểm nhấn quyến rũ nhất. Nhà gỗ, xây dựng theo đúng phong cách kiến trúc cổ của người Thái. Nhà rộng, đẹp, chứa được cả 100 người.

Tiêu chí làm dịch vụ của gia đình chị Tâm là “cổ truyền và chuyên nghiệp”. Từ năm 2010 đến nay, tháng nào gia đình chị cũng có khách tìm đến lưu trú, trải nghiệm. Cũng bởi thế, trong gian bếp nhà chị lúc nào cũng rộn rã tiếng cười vui. 

bn7i_10a
Bà chủ homestay Trương Thị Tâm trong tà áo truyền thống, nấu món ăn bằng bếp củi để đãi khách. Ảnh: Thanh Hiền

Bếp cái của nhà chị được làm ở phía trái nhà sàn để tiện cho sinh hoạt nấu nướng. Chị Tâm thường là đầu bếp chính cùng với sự chia sẻ của rất nhiều thành viên khác trong gia đình như mẹ chồng, chồng, những chị em hàng xóm, họ hàng... 

Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, núi rừng yên tĩnh, trong gian bếp, các chị vừa tất bật nhen lên ngọn lửa hồng nơi bếp củi, chuẩn bị xào, nấu, rán, nướng những món ăn truyền thống của người Thái như gà cùng măng chua, chả lá lốt, châu chấu chiên, cơm lam, nộm hoa chuối rừng; thịt nướng, thịt rán, khoai môn hầm..., vừa vui vẻ chuyện trò với khách về đời sống, phong tục tập quán riêng có của dân tộc mình...

Rồi vào thời khắc ngay trước bữa ăn, ông bà nội, ngoại, chị em trong đại gia đình sẽ lần lượt được gọi mời đến dự cùng. Trong không gian ấm cúng, xôm tụ ấy, chủ nhà thường xếp ngồi cùng mâm với khách, để ghé chén rượu gạo, rượu ngô tự nấu nâng lên, để nói lời mời khách, mong khách cảm nhận những gì gọi là tấm lòng nồng nhiệt, thân thương. 

Bước ra từ gian bếp truyền thống của người Thái, Mường, những phụ nữ dân tộc này đang giới thiệu đến du khách khắp mọi nơi nét đẹp văn hóa truyền thống, lối sống gần gũi, ấm áp của đồng bào mình. Điều níu chân du khách không chỉ là món ăn ngon mà chính là lòng mến khách, sự hồn hậu, thân thương của mỗi người dân nơi nẻo cao này như ánh lửa sưởi ấm những đêm giá rét.

Thanh Hiền 

Bình luận

ZALO