Biên phòng - Những năm gần đây, ở Tây Nguyên, bơ quả xuất hiện gần như quanh năm. Khác với tâm lý thu hoạch các loại cây trồng khác, người trồng bơ nơi đây tỏ ra vui vẻ, phấn khởi, bởi bơ hiện đang được bán với giá cao.
Ở các tỉnh Tây Nguyên, có tới hàng trăm ha bơ các loại, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là “thủ phủ” của cây bơ với trên 2.100ha bơ quy chuẩn, sản lượng ước đạt trên 20 ngàn tấn, trong đó, diện tích bơ tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Krông Búk, Krông Năng, Cư Kuin, Ea H’Leo, Buôn Đôn... Cây bơ hầu hết được trồng xen canh trong các vườn cà phê, hồ tiêu, trung bình mỗi ha trồng xen canh thêm được 120-150 cây bơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khác với những năm trước, năm nay, thời tiết ở Tây Nguyên có nhiều biến đổi, dẫn đến thời điểm thu hoạch bơ nơi đây cũng khác nhiều. Mùa bơ ở Tây Nguyên đã và đang kéo dài gần như quanh năm, loại bơ chính vụ lại trở thành trái vụ, bơ trái vụ lại trở thành chính vụ. Điều này làm cho sản lượng bơ quả không tập trung vào một thời điểm nhất định mà xuất hiện rải rác ở nhiều thời điểm khác nhau. Do vậy, giá bơ cao hơn hẳn so với những năm trước.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Đức, ở thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kiun, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Năm nay, bơ bán được giá hơn những năm trước. Loại bơ 2 quả/kg giá bán trung bình 70 ngàn đồng/kg, có thời điểm bán hơn 100 ngàn/kg. Gia đình tôi có 50 cây bơ cho quả, hiện tại đã thu hoạch được ¾ lượng quả, nếu thu hoạch hết, dự kiến tôi thu về khoảng trên 300 triệu đồng”.
Cũng như ông Đức, bà Lê Thị Thu, ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Nhà tôi có 17 cây bơ trồng xen canh trong vườn cà phê, hồ tiêu. Nếu như giá cà phê, hồ tiêu giảm mạnh thì năm nay, giá bơ quả lại tăng cao và bán chạy hàng. Hàng ngày, có rất nhiều thương lái đến hỏi mua. Giá cao thế này, người trồng bơ chúng tôi ai cũng phấn khởi. Nếu bán hết chắc cũng thu về 70-80 triệu đồng”.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, bơ là một loài cây ăn trái phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên. Trước đây, nông dân ở Tây Nguyên trồng bơ để làm hàng rào, hoặc làm cây che bóng mát, bơ quả không tiêu thụ được, chỉ để ăn, làm quà tặng người thân... Đến nay, người nông dân các dân tộc ở Tây Nguyên đã xem cây bơ là loại cây kinh tế hàng hóa. Ngoài việc trồng xen trong các vườn cây, họ còn mở trang trại trồng các loại bơ chất lượng cao.
Theo tính toán, thu nhập của 1ha bơ, tính riêng 185 cây bơ rải vụ tuổi 8-9 năm có năng suất 110 – 140kg/cây và giá bán trung bình từ 20 ngàn đồng/kg sẽ đạt mức thấp là 407 triệu đồng/ha (chưa tính cà phê). Các năm sau, năng suất tiếp tục tăng cao, khác biệt rất lớn so với giống ghép chính vụ hay bơ trồng từ hạt. Ngoài ra, bơ rải vụ cho nguồn thu nhập ở nhiều thời điểm không trùng với cà phê, do vậy, bà con nông dân có vốn để đầu tư, giảm thiểu vay cà phê non (giá thấp) ở nhiều hộ khó khăn.
Được biết, bơ là loại quả chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm chất xơ và rất nhiều vitamin, khoáng chất như vitamin B, vitamin K, kali, đồng, vitamin E và vitamin C, bơ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau... Do vậy, những năm gần đây, bơ quả luôn được khách hàng ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ... đặt mua.
Ở Việt Nam, bơ được trồng ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bơ sáp Tây Nguyên. Bơ ở đây phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đất đỏ bazan nên sớm trở thành đặc sản của vùng đất cao nguyên này. Ngon nhất là giống bơ sáp được trồng tại Đắk Lắk, quả bơ to, bên trong là lớp cùi bơ dày dặn, ruột vàng, ngon, béo nhẹ. Chính vị thanh nhẹ, mát lành đó đã hấp dẫn thực khách.
Bá Thăng