Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Nông dân miền núi xứ Thanh thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Biên phòng - Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước nhằm giúp đồng bào các dân tộc của 11 huyện miền núi có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai thực hiện. Nhờ các nguồn vốn cho vay ưu đãi để phát triển kinh tế mà hàng nghìn hộ nghèo, đối tượng chính sách, nhất là nông dân ở khu vực miền núi xứ Thanh đã và đang thoát nghèo bền vững.

z82c_15a
Bà Phạm Thị Hương, ở thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa được vay vốn ưu đãi để sản xuất chăn nuôi và đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Xuân Anh

Điển hình là gia đình bà Cao Thị Nhặt, ở thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Trước năm 2004, gia đình bà Nhặt thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2005, bà được vay 5 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện Bá Thước. Từ nguồn vốn này, gia đình bà Nhặt đã đầu tư mua bò sinh sản, sau 5 năm, gia đình bà đã có 2 con bò thịt, 4 con lợn nái và 200 con gà. Năm 2011, gia đình bà Nhặt vay vốn NHCSXH để tiếp tục phát triển chăn nuôi.

Đến năm 2014, gia đình bà Nhặt đã thoát nghèo và trở thành hộ có thu nhập khá trong thôn.

Cũng như gia đình bà Nhặt, gia đình bà Lê Thị Xuân, ở thôn Tân Phong, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế và đã vươn lên thoát nghèo. Bà Xuân cho biết: “Nhờ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Lang Chánh, gia đình tôi đã đầu tư vào phát triển chăn nuôi, kết hợp với trồng rừng. Sau 4 năm, gia đình đã thoát nghèo và có tiền đầu tư cho các con học hành, mua sắm các vật dụng gia đình”.

Tại huyện Lang Chánh, đến nay, tổng dư nợ của các chương trình cho vay trên địa bàn huyện đạt trên 251 tỷ đồng, với 8.801 khách hàng được vay. Để phát huy hiệu quả vốn vay, NHCSXH huyện Lang Chánh đã tập trung xây dựng các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện, tiết giảm các chi phí giao dịch của người vay, nhất là hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn; đồng thời thực hiện dân chủ, công khai việc cho vay vốn tín dụng cơ sở.

Đánh giá về vai trò của nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Nguyễn Xuân Hồng khẳng định: “Nguồn vốn tín dụng chính sách rất quan trọng đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, khi vay được vốn, họ có thể làm các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian tới, huyện Lang Chánh tiếp tục thực hiện các chương trình cho vay vốn sản xuất để giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện”.

Những năm qua, các chương trình tín dụng ưu đãi của Phòng giao dịch, NHCSXH huyện Bá Thước đã giúp hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách có cơ hội phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Bá Thước, cho biết: Hằng năm, huyện luôn chỉ đạo các xã rà soát, đánh giá số lượng hộ nghèo trên địa bàn, từ đó, cử cán bộ theo dõi và hướng dẫn người dân mạnh dạn vay vốn chính sách để xây dựng mô hình kinh tế, phát triển sản xuất.

Đồng thời, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Bá Thước thường xuyên phối hợp với UBND các xã giám sát, kiểm tra các tổ tiết kiệm và vay vốn, yêu cầu các tổ chủ động hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Với hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi đã làm đời sống của người dân trên địa bàn huyện ngày một nâng lên, diện mạo nông thôn đang từng ngày đổi mới. Cũng nhờ đó mà tỷ lệ hộ nghèo của Bá Thước chỉ còn 13,3%, thu nhập bình quân đầu người 23,3 triệu đồng/người/năm. 

Ở 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa, việc phát triển kinh tế gắn liền với nâng cao đời sống của người dân được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hộ gia đình vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, mở ra cơ hội mới để người dân làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào được cải thiện rõ rệt, người nghèo đã tiếp cận thuận lợi và đầy đủ hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Tốc độ giảm nghèo ở các huyện miền núi cao hơn 1,7 lần bình quân chung toàn tỉnh, trong đó, 7 huyện nghèo cao gấp 2,1 lần bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,5% (giai đoạn 2013-2015) và giảm 4,45% (giai đoạn 2016-2018); thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần so với năm 2013 và tăng 1,25% so với năm 2015; có 17,4% xã đặc biệt khó khăn và 8,12% thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn theo tiêu chí quy định.

Xuân Anh

Bình luận

ZALO