Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 04:49 GMT+7

Nông dân Ea Tar tích cực chuyển đổi cây trồng

Biên phòng - Tận dụng lợi thế về khí hậu, tiềm năng thổ nhưỡng, những năm qua, người dân xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản, giúp người dân từng bước vươn lên làm giàu.

Cán bộ xã Ea Tar tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Hoàng Lê

Xã Ea Tar có 10 thôn, buôn, với 2.140 hộ dân, 9.550 nhân khẩu, trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 65%. Những năm trước, do canh tác lạc hậu, độc canh một loại cây trồng nên dù diện tích lớn, đất đai màu mỡ, nhưng thu nhập của người dân vẫn thấp so với các địa phương khác trên địa bàn huyện. Từ khi chính quyền, nhân dân xã Ea Tar tích cực chuyển đổi vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng phù hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, mở ra hướng phát triển bền vững trong nông nghiệp.

Chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi, đến nay, gia đình ông Nguyễn Xuân Luyện ở thôn 4, xã Ea Tar đã có vườn sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Luyện chia sẻ: “Gia đình tôi có 7ha đất nông nghiệp chủ yếu là trồng cà phê và cao su. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định nên tôi mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng đa cây, trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao thay thế một phần diện tích cà phê già cỗi. Khu vực nào phù hợp trồng tiêu thì tôi trồng tiêu, phần cà phê còn lại, tôi vẫn tập trung chăm sóc.

Đến nay, vườn của tôi đã có 1.000 cây sầu riêng, hàng trăm cây bơ booth, tiêu và cà phê. Bên cạnh đó, tôi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cây nên năng suất cây trồng cao ổn định. Trừ chi phí mỗi năm, gia đình tôi thu về cả tỷ đồng”.

Ngoài ông Luyện, trên địa bàn xã còn nhiều hộ gia đình thu nhập cao từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như mô hình nuôi dê nhốt chuồng của gia đình bà Lý Thị Kim Huê, dân tộc Dao, ở buôn Ea Tar, mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng; hay như hộ chị H’Loanh Niê, buôn Drai Sí cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp đa cây, đa con...

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn xã hiện có 1.000ha sầu riêng, 1.000ha cà phê, ngoài ra, còn có khoảng 80ha cây ăn trái khác như bơ, mít, mắc ca xen canh tương đương 60-70% diện tích cây trồng trên địa bàn xã. Đến nay, xã đã xây dựng được mô hình 80ha hồ tiêu bền vững với 62 hộ tham gia sản xuất có chứng nhận sản phẩm tiêu an toàn; vùng chuyên canh cây ăn quả, chủ yếu sầu riêng với diện tích 500ha; xây dựng được gần 30 mô hình kinh tế với các loại cây trồng mũi nhọn; thành lập 3 tổ hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Tar Phan Văn Hùng, để hỗ trợ bà con xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, Đảng ủy, UBND xã tập trung triển khai các hoạt động khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao; cải tạo vườn tạp, chăm sóc, trồng xen canh các loại cây ăn quả trên cùng một diện tích đất; phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế.

Đối với những diện tích tiêu, cao su kém hiệu quả, UBND xã khuyến khích người dân trồng xen canh các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, cà phê... Riêng diện tích cà phê đang phát triển phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, năng suất cao, xã động viên bà con tái canh, ghép cải tạo, hướng đến sản xuất cà phê theo hướng sạch bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, xã Ea Tar ngày càng tươi đẹp, khởi sắc. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,41% (giảm 20 hộ so với năm 2020); cuối năm 2018, xã đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Toàn xã đã có 95% gia đình văn hóa, 100% thôn, buôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Đặc biệt, hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Tar vẫn còn giữ gìn, phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

Hoàng Lê

Bình luận

ZALO