Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Tây Nguyên:

Nông dân điêu đứng vì hồ tiêu rớt giá

Biên phòng - Đối với người nông dân ở khu vực Tây Nguyên, niên vụ hồ tiêu năm nay là nỗi buồn lớn. Xuống các buôn làng, đi đâu, làm gì mà nhắc đến hồ tiêu, chúng tôi đều bắt gặp những gương mặt buồn, u ám và những cái lắc đầu ngao ngán của những người sở hữu vườn tiêu.

yl9p_16
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần vì giá hồ tiêu xuống thấp. Ảnh: Bá Thăng

Sự ngao ngán, chán nản của người trồng tiêu lộ rõ khi được hỏi về tình hình giá thuê nhân công, giá bán hồ tiêu. Thậm chí, nhiều chủ vườn còn không muốn bước chân ra vườn, không muốn nhắc đến cây hồ tiêu.

Đủ thứ mất

Tây Nguyên hiện là vùng sản xuất hồ tiêu lớn nhất cả nước, tính đến tháng 5-2017, diện tích hồ tiêu toàn vùng lên đến 72.000ha. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk có gần 28.000ha hồ tiêu, tỉnh Đăk Nông gần 25.000ha, tỉnh Gia Lai 16.400ha... Cây tiêu khá phù hợp với điều kiện khí hậu vùng đất Tây Nguyên, năng suất bình quân đạt 31,4tạ/ha, sản lượng hơn 120.000 tấn/năm. Trước đây, hồ tiêu luôn chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu hằng năm của các tỉnh Tây Nguyên, mở ra cơ hội làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân.

Vài năm trước, với giá tiêu cao ngất ngưởng chạm mức 200.000 đồng/kg, mang lại niềm vui cho nhiều người, thì hiện nay, loại cây này đang khiến bà con hoang mang, lo lắng, khi giá chỉ còn khoảng 1/5 giá các năm trước. Theo các đại lý thu mua tiêu, hiện, giá hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên trung bình từ 42.000 - 43.000 đồng/kg, chỉ bằng 40% so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Đặc biệt, điều nghịch lý đang diễn ra ở Tây Nguyên là giá tiêu hạt xuống thấp nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây, nhưng giá thuê nhân công lại cao gấp nhiều lần (khoảng 200.000 đồng/ngày) khiến người trồng hồ tiêu càng thêm chán ngán.

Khi nhắc đến cây hồ tiêu, anh Bùi Hải Nhân, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk nói với vẻ buồn rầu: “Tôi sống ở Đắk Lắk trên 20 năm rồi, nhưng chưa bao giờ thấy giá hồ tiêu thê thảm đến như vậy. Nhiều hộ nông dân không buồn bước ra vườn nữa. Nhà tôi có khoảng 300 trụ tiêu, nhưng giá quá thấp, năng suất giảm mạnh, giá thuê nhân công lại cao, chi phí đầu tư, chăm sóc cũng cao, lỗ nặng, tôi thấy chán, chẳng buồn hái...”.

Cho không người thu hái

Trước đây, loại cây này được mệnh danh là “ông hoàng” trên vùng đất Tây Nguyên (trên 200.000 đồng/kg hạt), mỗi khi vào vụ thu hoạch, người nông dân phải đi nhặt từng hạt rơi rụng trên vườn. Hiện nay thì nhiều gia đình đã phải bỏ, không thèm thu hái. Thậm chí nhiều gia đình phải cho người ta hái được bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Là người sở hữu đến 450 trụ tiêu, ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, ông Lê Văn Quyết cho biết: “Để kịp cho công việc dọn dẹp vườn cũng như khâu chăm sóc cho vụ tới, tôi cho 3-4 người dân vào thu hái, được ít nào họ lấy ít đó”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện nay ở Tây Nguyên thời tiết khá thất thường, ngày nắng gắt, nên tiêu chín nhanh và rụng. Trong khi trung bình một người hái tiêu cũng chỉ đạt được 5-6kg tiêu/ngày (vì tiêu chín rũ, rụng thưa quả). Đem bán lượng tiêu thuê người thu hái cũng chỉ đủ tiền thuê nhân công.

 Chia sẻ thêm về điều này, bà Nguyễn Thị Hải, xã Ea Nuool, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Gia đình tôi có hơn 100 trụ tiêu, trong khi nhà lại có 3 nhân công, nên mặc dù giá rẻ, chúng tôi cũng cố gắng thu hái. Tuy nhiên, do tiêu chết, trời nắng nóng, quả chín rụng nên việc thu hái gặp khó khăn. Nhiều gia đình không đủ nhân công đành cho người ta hái không, bởi làm bài toán lấy tiền bán tiêu trả cho người thuê nhân công thì không có lãi. Thuê được người hái, bán tiêu trả tiền công không những lỗ mà người chủ lại mất công đem bán, mệt thêm”.

Những năm trước, cây hồ tiêu ở Tây Nguyên có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống thu nhập cho nông dân, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, hiện nay, người trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên thật sự bước vào giai đoạn khốn đốn nhất trong lịch sử, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì hồ tiêu. Cảnh tượng này như một tiếng khóc ròng trải dài trên khắp các buôn làng ở Tây Nguyên. Cần lắm sự chung tay của các cấp, các ngành để tổ chức lại sản xuất cây hồ tiêu, đưa người nông dân vượt qua “cơn ác mộng” hồ tiêu hiện nay.

Bá Thăng

Bình luận

ZALO