Biên phòng - Từ Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh sang bản Thoọng Pẹ, huyện Kăm Kớt, Lào phải vượt qua núi đá trập trùng và những cánh rừng già sâu hun hút. Thời tiết Việt Nam mưa, rét buốt, nhưng chỉ qua đỉnh Keo Nưa, đặt chân sang nước bạn Lào, nắng nóng đã như đổ lửa. Bản Thoọng Pẹ dần hiện ra trước mắt chúng tôi với những nếp nhà sàn thanh bình, yên ấm, điều mà trước đây chỉ có trong mơ ước.
|
Niềm vui của trẻ em bản Thoọng Pẹ. |
Đứng trên đỉnh Keo Nưa phóng tầm mắt nhìn xuống, bản Thoọng Pẹ nhỏ bé, khiêm nhường nằm nép mình bên dòng sông Nậm Pao hùng vĩ. Sông mẹ Nậm Pao bao đời nay cho bà con người Mông ở Thoọng Pẹ nguồn nước mát trong ngần, nhưng cũng chính dòng sông ấy đã chứng kiến nhiều giọt nước mắt đắng cay rơi trên đất này do loài hoa anh túc gây ra.
Câu chuyện buồn về bản Thoọng Pẹ xa xưa cuốn hút chúng tôi khi Trưởng bản Thoọng Pẹ Nừng Chá Xoòng cất giọng trầm ấm bên bếp lửa. Cách đây khoảng hơn chục năm về trước, bản Thoọng Pẹ được biết đến như là một địa chỉ cung cấp thuốc phiện cho các đầu mối tội phạm quốc tế. Năm 1988, khi Cầu Treo thành cửa khẩu quốc tế, có hơn 200 hộ dân, trên 1.500 người Mông Lào Sủng từ các địa phương giáp tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và huyện Kỳ Sơn, Nghệ An (Việt Nam) ồ ạt di cư đến Thoọng Pẹ. Họ mang theo tập quán đốt rừng làm rẫy và trồng cây anh túc trên từng bãi đất hoang bên sườn núi. Ông Nừng Chá Xoòng vẫn chưa quên những ngày tháng kinh hoàng đó: "Những người Mông di cư "cạo trắng" nhiều ngọn đồi lớn để trồng thuốc phiện. Vào mùa, những triền đồi lấp lóa bạt ngàn hai màu trắng đỏ của hoa anh túc. Cũng từ đó, cái đói, cái nghèo, kéo theo dịch bệnh và những hủ tục lạc hậu bao trùm lên khắp bản”.
Phải làm gì để người dân Thoọng Pẹ tránh xa ma túy, đói nghèo, dịch bệnh và lạc hậu, sau nhiều cuộc họp tìm lối thoát cho người dân Thoọng Pẹ, đầu năm 2000, Trung tá Nguyễn Đình Tiến, lúc đó là Đồn trưởng Đồn BP Cầu Treo và Thượng úy Võ Trọng Hải được Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh giao nhiệm vụ sang giúp bản Thoọng Pẹ trồng cây lúa nước, phát triển kinh tế. BĐBP Hà Tĩnh cấp toàn bộ kinh phí thuê máy ủi để cày, ủi, cải tạo toàn bộ sân bay Na Pei cũ thành một cánh đồng rộng và ngăn một con đập để chủ động nguồn nước tưới.
Biết không thể chỉ bằng lời nói, cán bộ, chiến sỹ xắn quần áo xuống ruộng cấy lúa. Đến vụ thu hoạch, được ăn thứ gạo thơm dẻo, người Mông ở Thoọng Pẹ mới bắt đầu tin BĐBP Việt Nam. Cây lúa cho cơm ăn, nhưng để giúp dân bản thoát nghèo thì không thể trông chờ vào cây lúa. Nghĩ là làm, BĐBP Hà Tĩnh lại mày mò tìm kiếm, cuối cùng cây gừng Thái Lan và cây gió trầm Hương Sơn được lựa chọn. Cây gừng cho năng suất cao, bán được giá nên dân bản hào hứng đua nhau phá cây thuốc phiện để trồng gừng. Đến năm 2003, những vùng đồi ngập tràn màu đỏ chết người của hoa anh túc được thay bằng màu xanh ngút ngàn của gừng và gió trầm. Và đến năm 2007 thì toàn bản chỉ còn 5 người nghiện. Đến lúc này thì Trưởng bản đã hoàn toàn tin và biết ơn BĐBP Việt Nam.
Cuộc chiến dành niềm tin
Niềm vui của bà con dân bản Thoọng Pẹ càng nhân lên khi tháng 5-2007, Đồn BPCK Quốc tế Cầu Treo xây tặng bản một trạm xá quân dân y kết hợp với tổng kinh phí hơn một tỷ đồng. Đây là trạm quân dân y duy nhất của Việt Nam nằm trên địa phận nước bạn Lào, được đầu tư trang bị y tế cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người bệnh và một cơ số thuốc dự trữ đủ dùng trong một năm.
Dẫn chúng tôi đến nhà ông Choóng, người có cô con dâu cách đây 7 năm được 2 y sĩ của trạm cứu sống. Bác sĩ Nguyễn Việt Đức, Trạm trưởng kể lại: Ngày đó, bất kể chuyện lớn, chuyện nhỏ trong nhà dân làng nhờ thầy mo, thầy cúng. Mỗi khi ốm đau, bệnh tật, người dân không chữa bệnh bằng thuốc mà chỉ mời thầy cúng về nhà để xua đuổi tà ma. Bà con dân bản hết sức lo lắng vì cô con dâu nhà ông Choóng - một thầy cúng lão làng trong bản - đang ốm thập tử nhất sinh, phải nằm liệt nhiều ngày trên giường bệnh. Thầy mo Choóng đã dùng đủ các "phép thuật" mà ông có trong suốt 20 năm làm nghề thầy cúng để "trừ tà", chữa bệnh cho con dâu. Không những thế, ông còn mời một số thầy mo, thầy cúng ở một số bản kế cận để chữa bệnh cho con, nhưng tất cả đều bất lực.
Đã sang tháng thứ 4, bệnh tình của cô gái không những không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng. Biết tin, Trạm xá quân dân y kết hợp Thoọng Pẹ đã cử 2 y sĩ là Nguyễn Văn Hùng và Lê Văn Sơn đến nhà thầy mo Choóng để vận động khám chữa bệnh cho cô con dâu của ông. Sau nhiều ngày kiên trì thuyết phục, cuối cùng, ông Choóng mới đồng ý để quân y khám bệnh cho con. Các anh nhận định, con dâu ông Choóng bị liệt ngoại biên, nếu được cứu chữa kịp thời mới khỏi bệnh, để lâu sẽ xảy ra tai biến và khó cứu chữa.
|
Y sĩ Nguyễn Văn Ân khám bệnh cho người dân bản Thoọng Pẹ. |
Biết đây vừa là thách thức lớn, nhưng cũng chính là cơ hội "có một không hai" để làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh và đoạn tuyệt với việc cúng con ma rừng, Thượng tá Võ Trọng Hải khi đó còn là Trạm trưởng Trạm BPCK Quốc tế Cầu Treo "đặt cược" với thầy mo Choóng, nếu các bác sĩ của trạm quân y không chữa khỏi bệnh cho con dâu ông thì sẽ chịu phạt nặng với dân làng, còn chữa khỏi thì thầy mo Choóng sẽ phải giúp BĐBP vận động bà con đến chữa bệnh tại trạm xá, không cúng con ma rừng nữa. Suốt một tháng ròng rã, ngày nào y sĩ Hùng, y sĩ Sơn cũng vượt đèo, lội suối thay nhau đến nhà thầy mo Choóng châm cứu cho người bệnh. Thật là kỳ diệu, cô con dâu thầy mo sau đó đã có thể cử động được chân tay, không còn nằm bất động nữa. Dân làng ai nấy đều vui mừng, truyền tai nhau như một chuyện "thần kỳ" chưa từng xảy ra trong bản. Sang tháng thứ 2, cô con dâu đã đứng lên và tự đi lại trong nhà. Tháng thứ 3, sức khỏe dần hồi phục, cô bắt đầu lên nương rẫy trước sự vui mừng, ngỡ ngàng của gia đình và dân bản. Sau khi cô con dâu khỏi bệnh, thầy mo Choóng đã tuyên bố với bà con là ốm đau không phải do con ma hành, mà là do không biết cách dùng thuốc, không biết cách phòng chống dịch bệnh.
Khi được hỏi về công việc các anh đang làm. Các anh tâm sự: "Cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, nhưng sự ủng hộ, tin tưởng và tình cảm bà con dân bản dành cho trạm đã làm ấm lòng chúng tôi. Gần hai năm nay, kể từ ngày nhận nhiệm vụ tại trạm, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân một số bản làng biên giới nước bạn, chúng tôi luôn tâm niệm sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nước bạn, coi vùng đất này là nhà, đồng bào là anh em ruột thịt. Dù có khó khăn gian khổ đến mấy, vì tình hữu nghị đoàn kết Việt - Lào, anh em chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng và tự nguyện"...