Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 11:09 GMT+7

“Nón nghiêng” biên thùy

Biên phòng - Phụ nữ đơn thân, mà lại chọn sinh cư lập nghiệp ở biên giới, đang có trăm nỗi vất vả, cơ cực. Chúng tôi tới khu vực biên giới Tây Nguyên, khi mùa khô sắp vào kỳ cuối, gió nóng thốc rần rật khắp những con đường đất đỏ khô khốc. Bóng những phụ nữ ở nơi này trên rẫy, trên đồng, trên các buôn làng hẻo lánh biên cương chẳng khác nào “chiếc nón” chòng chành không quai, cứ nghiêng vẹo tứ bề.

5aefc6a3471e3c806a00344a
Chị Hà Thị Chinh trong lớp học xóa mù chữ ban đêm do Đồn Biên phòng Ea H’leo tổ chức. Ảnh: TTH

Gánh nặng hai vai

Trong căn nhà quạnh quẽ của chị Lang Thị Sách, ở thôn Đai Thôn, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, Đắk Lắk, bé gái quàng khăn đỏ tên là Lang Thị Trúc, con gái của chị đang dạy cho mẹ những chữ cái tiếng Việt đầu tiên. Chị Sách không biết chữ, mới theo học lớp học xóa mù chữ buổi tối, cách đó gần 4 cây số. Lớp học này các cán bộ BĐBP Đồn Biên phòng Ea H’leo, BĐBP Đắk Lắk mở để dạy chữ cho những người dân như chị Sách vì nhiều lý do mà cho tới giờ vẫn chưa bao giờ được đến trường. Cả gia đình này 3 người, cứ mỗi tối đều đèo bòng nhau đến lớp học. Giờ học buổi tối, nên thân đàn bà như chị Sách, đường xa vắng không dám đi một mình; bỏ lại 2 con gái nhỏ ở nhà cũng không yên tâm. Thế là cả 3 mẹ con mò mẫm đến lớp buổi tối.

Con gái đầu của chị Sách học lớp 4, cũng là học sinh giỏi, được Đồn Biên phòng Ea H’leo đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” vẫn đều đặn tới lớp học chữ buổi tối với mẹ, rồi về nhà lại kèm thêm nữa thì mới mong người phụ nữ tần tảo nhưng không được tinh nhanh cho lắm này nhận biết được mặt chữ. Khi chị Sách viết được dòng tên mình, đọc được những ghép vần đầu tiên, cả 3 mẹ con sung sướng trào nước mắt.

Cứ thế, 3 người dựa vào nhau như tay mướp quấn cành dâu non, chông chênh và nghiêng vẹo. Đại úy Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên phó của Đồn Biên phòng Ea H’leo huy động anh em làm công tác vận động quần chúng của đồn bỏ công đầm lại nền nhà cho mẹ con chị. Căn nhà này cặm cụi làm ăn, dành dụm mãi, chị Sách mới mua được của người họ hàng từ ngày di cư từ Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Căn nhà đơn chiếc giữa đồng, quạnh hiu hơn nữa vì người đàn ông, bố của bọn trẻ đã bỏ đi mất tăm tích từ lâu. Nền nhà trải xỉ than, gồ ghề, nóc tênh hênh gió, trời mưa thì chiếc giường duy nhất của mấy mẹ con ướt sũng.

Lang Thị Trúc tiết lộ rằng, số tiền hỗ trợ mà em nhận được mỗi tháng từ các cán bộ Biên phòng, có những thời điểm đã cứu sống cả 3 mẹ con. Những đồng tiền làm thuê ngày một khó với sức vóc đàn bà đang ở vào thời kì sức khỏe xuống dốc như chị Lang Thị Sách. Niềm hy vọng nhất của chị là con gái học giỏi và sự trợ giúp của đồn Biên phòng. Như vậy, căn nhà đơn côi này mới có thể vơi đi nỗi buồn tủi.

Không chỉ chị Sách, rất nhiều phụ nữ cư trú ở địa bàn các đồn Biên phòng khu vực biên giới Tây Nguyên đang có hoàn cảnh rất khó khăn. Ngoài sự nghèo đói vì đuối sức khỏe cùng với tiền công làm thuê mướn không đủ nuôi thân và nuôi con, còn những khổ cực mang tính hoàn cảnh riêng, khó có thể giãi bày cho thỏa. Chị Hà Thị Chinh, ở thôn Đông, xã Ia Lốp cũng có mức sống gia đình như chị Sách, nhưng còn gặp phải nỗi niềm canh cánh buồn với đứa con gái lớn mắc bệnh trầm cảm, lúc tỉnh, lúc ngu ngơ.

Chị mang theo con đến lớp học xóa mù chữ buổi tối với mình, mà hằng tháng trời cháu chỉ biết viết chữ O tròn, nói gì cũng ngơ ngác ngây dại. Gia đình này đã nghèo đói lại càng cùng cực vì người đàn ông duy nhất trong nhà ốm đau bệnh tật, mất sức lao động, cả nhà trông vào bàn tay yếu mềm của chị Chinh làm thuê mướn, lúc mót hạt điều, lúc lại dãi nắng trên đồng củ mì ngày này qua ngày khác. Chị bảo, Tây Nguyên nắng nóng quá, bỏ quê ra ở đây bao nhiêu năm mà vẫn chưa thích nghi được. Mãi cũng chả có đất canh tác, nhà cửa tuềnh toàng.

Và ánh mắt người phụ nữ này chợt lóe lên một niềm vui khi kể về chuyện đi học chữ buổi tối. Những ngón tay bám đen nhựa củ mì giơ lên để làm phép tính cộng trừ nhân chia. Phép tính đơn giản của học sinh lớp 1 mà chị làm 3 lần mới đúng, vậy cũng vui rồi. Cuộc đời những người như chị Chinh cứ đưa đẩy theo năm tháng, chẳng có khái niệm đúng sai. Những đứa con chẳng may phát bệnh cũng là “số trời”, lớn lên như cây cỏ, vai người thì oằn xuống bởi lo toan. Những cán bộ ở địa bàn suốt, quan sát và thương yêu đồng bào mình như BĐBP thì càng mủi lòng, nên dự án, mô hình nào cũng dành cho họ, từ học xóa mù chữ, huy động vốn làm kinh tế hộ gia đình, khuyến học cho trẻ nhỏ... 

0tba_11b
Người phụ nữ một mình sinh cơ lập nghiệp tại biên giới Ia H’Đrai Vũ Thị Xuân. Ảnh: TTH

Vững chí, bền gan giữa biên cương

Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mô Rai, BĐBP Kon Tum, Thượng tá Trần Đình Hào nói với chúng tôi: “Phụ nữ ở biên giới, địa bàn cư trú xa xôi hẻo lánh đã là nhóm dễ tổn thương bởi các tác động xã hội, lại có hoàn cảnh riêng tư rất đáng thương, đơn chiếc. Chúng ta không nâng đỡ họ, làm sao có thể bảo vệ biên giới bình yên?”.

Thượng tá Hào có sáng kiến trợ giúp các gia đình đặc biệt khó khăn bằng cách cho vay lợn giống. Lợn nái được hỗ trợ sẽ chuyển luân phiên qua các gia đình nghèo. Và phụ nữ phải là ưu tiên hàng đầu. Những người phụ nữ tần tảo, mờ sáng đã dậy rau cháo nuôi gia súc, gia cầm, cả ngày công kia việc nọ không ngơi tay, tối khuya vẫn cặm cụi. Chăm chỉ vậy mà vẫn nghèo, cái nghèo chung của buôn làng, của miền biên giới xa xôi hẻo lánh.

Chị Vũ Thị Xuân, sinh năm 1974, tuổi đã ở bên kia dốc cuộc đời, nguyện gắn bó với Làng Thanh niên lập nghiệp Mô Rai ở huyện Ia H’Đrai, Kon Tum, quyết không quay trở lại vùng quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, nơi chị nghe nói là có cuộc sống khá hơn ngày xưa nhiều. Chị có một cửa hàng tạp hóa nhỏ, chồng và con cái ở quê cả. Chị Xuân ở đây bám trụ một mình. Và lạ thay, người phụ nữ này luôn cho rằng mình chỉ thích hợp sống ở khu vực biên giới.

Ở đây, chị thấy khỏe mạnh, yêu đời, yêu cuộc sống, về quê nhà lại là không thích hợp, bí bách việc chọn nghề sinh sống, lại hay ốm đau lay lắt. Ở đây, mọi người phải dựa vào nhau, vì thế tình cảm hơn và chị được tự quyết mọi vấn đề của mình. Một niềm tin “rất phụ nữ” và hơn thế nữa, chị được bà con trong làng quý mến, cán bộ BĐBP ở đồn Biên phòng ưu tiên, nhất là sinh cơ lập nghiệp, khó cái gì giúp cái đó, từ nước sinh hoạt, con giống chăn nuôi, cây giống trồng trong vườn. Dù đã trải qua nhiều năm phải ăn Tết một mình, hằng ngày cũng một mình vật lộn với cuộc sống, nhưng không gió bão nào quật ngã được sức vóc mảnh mai ấy.

Không phải bây giờ, từ bao năm qua, BĐBP đóng quân ở biên giới cũng đã luôn đồng hành với những phụ nữ dù chân yếu tay mềm, nhưng bền gan và niềm tin kiên cường không gì lay chuyển được như thế.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO