Biên phòng - Phạm Ngọc Xuân bị câm, điếc bẩm sinh. Có lẽ anh cũng sẽ giống như nhiều người dân bình thường khác, sống lặng lẽ xung quanh khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn huyền bí nếu không có một ngày, anh phát lộ một tài năng đặc biệt: Tài tạc tượng Chăm bằng đá chỉ bằng một chiếc đục sắt nhỏ và chiếc cưa máy cầm tay.
![]() |
Người khiếm thính Phạm Ngọc Xuân tạc tượng Chăm. |
Điều đặc biệt là những bức tượng Xuân làm ra đều rất công phu và không hề có một nét vụng về nghiệp dư nào. Những bệ tượng Linga – yoni tinh xảo; những vũ nữ Apsara tròn trịa; những bức tượng Phật, thần Shiva, thần Ganesa sống động, đậm đà phong cách tín ngưỡng Champa và như được tách ra từ phiên bản chính đã phủ bóng ngàn năm trong khu đền thờ Chăm ở Mỹ Sơn.
Phạm Ngọc Xuân không thể nói được một từ nào. Cũng vì thế, tuổi thơ của anh lặng lẽ và cô độc. Nhiều lần, Xuân tha thẩn ham chơi rồi ngủ quên trong khu Thánh địa đổ nát ở Mỹ Sơn. Cha anh thường phải len lỏi giữa các tháp Chăm hoang tàn để tìm cậu con trai. Bất ngờ, cách đây khoảng chục năm, Phạm Ngọc Xuân say mê ngồi tạc các bức tượng vũ nữ Apsara bằng những viên đá nhặt được ở dòng suối Khe Thẻ, thứ đá sa thạch chỉ có ở Mỹ Sơn, cùng loại với nhiều bức linh thạch hiện còn ở trong khu Thánh địa này.
Tượng của Xuân làm, bức sau đẹp hơn bức trước. Cha anh đã nghĩ ra cách dựng túp lều tranh để lấy chỗ cho anh tạc tượng, đồng thời cũng để bán những sản phẩm chính tay anh làm ra. Khách du lịch thích thú với “xưởng chế tác không lời” này, thường ghé mua tượng và tận mắt xem anh đẽo gọt những tảng sa thạch thành các tác phẩm nghệ thuật sinh động.
Mỗi lần như vậy, Phạm Ngọc Xuân vui lắm. Anh không để tâm đến giá trị của tiền bạc, chỉ gặp ai cũng giơ tay khoe, vừa bán được tượng. Hàng xóm hỏi: Bán tượng loại nào. Anh sờ tay lên đầu để nói: Bán một bức tượng đầu thần, hoặc vòng tay chụm chân múa một điệu của tiên nữ Apsara để nói rằng: Một bức tượng tiên nữ Apsara chính tay anh làm ra đã được bán. Mỗi bức tượng như thế chỉ có giá từ 100 đến 400 ngàn đồng.
Trên chiếc kệ gỗ tồi tàn kê trước túp lều tranh, luôn bày những bức tượng do Phạm Ngọc Xuân làm ra. Mẹ anh, bà Văn Thị Liệu là một người Chăm gốc ở Duy Phú, Duy Xuyên. Phạm Ngọc Xuân có dòng máu Chăm chảy trong người, đồng thời cũng được người mẹ hết mực thương con luôn tìm mọi cách nói cho anh nghe hiểu. Bà nói về Xuân như nói về trẻ nhỏ: “Nó câm, điếc nhưng mà nhạy bén lắm, tôi nói gì nó cũng hiểu hết”.
Bà Liệu thường ở quán tranh nhỏ cùng với Xuân, dịch lời giữa anh và khách viếng thăm. Xuân không thể nghe ai nói, chỉ nghe từ mẹ. Nhưng cái kênh tiếp nhận thông tin này cũng lờ mờ. Mẹ anh bảo sở dĩ Xuân có thể tạc tượng là do anh thường “nói chuyện” với những bức tượng trong tháp Chăm. Bằng cách nào đó, anh cảm thụ hết những huyền bí của di tích, ý nghĩa những cử chỉ, ánh mắt, hành động của từng bức tượng. Khi anh đục đẽo, không cần nhìn mẫu, không cần suy nghĩ, cứ thế bàn tay anh như một hành vi của tạo hóa, đẽo gọt sa thạch thành những linh hồn.
Có một thời, cha anh lo sợ khi thấy con trai lặn mò cả ngày trong khu tháp Chăm dày đặc hố bom và khu rừng chưa rà phá bom mìn quanh Thánh địa. Nhưng bây giờ, ông có thể thở phào, vì Phạm Ngọc Xuân dường như trở thành một phần không thể tách rời của Di sản thế giới Mỹ Sơn.
Rất nhiều khách du lịch tới đây đã mua tượng của Phạm Ngọc Xuân – một người tạc tượng khiếm thính và vô danh, chứ không phải là tượng của một nghệ nhân nào. Cha anh viết một tấm bảng tôn đề tên tuổi và hoàn cảnh của anh ở trong quán nhỏ, mua thêm cho anh một cái máy cưa đá cầm tay bằng tiền bán tượng của anh. Ngày nào mẹ anh không có mặt để dịch lời, du khách chỉ cần nhìn vào tấm bảng đó để hiểu.
Mẹ anh nói, Xuân chưa kết hôn vì không ưng cô nào trong số những phụ nữ mà bà nhắm chọn làm con dâu. Bà Liệu sợ rằng, Xuân quen nhìn những tiên nữ Apsara xinh đẹp cho nên với ai cũng lắc đầu. Nghe mẹ nói về điều ấy, Phạm Ngọc Xuân lộ vẻ ngượng ngập. Khuôn mặt hiền lành của anh phảng phất điều gì đó dày nặng tâm sự, những sâu kín trong tâm hồn một thợ tạc tượng khiếm thính, không có ngôn ngữ biểu đạt. Tiếng nói ấy chỉ có thể thốt ra bằng ngôn ngữ của linh thạch mà thôi.