Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:18 GMT+7

Nói quá, khuếch trương - “trò” cũ soạn lại

Biên phòng - Trong thời gian gần đây, trên các trang mạng của một số phần tử, cơ hội chính trị, người đọc thường bắt gặp giọng điệu rêu rao nào là đã thành lập tổ chức này, đã có nhóm nọ. Thực ra, đây chỉ là trò cũ soạn lại mà từ xa xưa đã “chỉ mặt, điểm tên” là nói quá, khuếch trương.

ws5f_6a
Cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Kè, BĐBP Điện Biên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Ảnh: Đức Trần

Tìm trong cuộc sống và trong lịch sử, nói quá, khuếch trương như là một thủ pháp nghệ thuật, phép tu từ, phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng nhằm nhấn mạnh nội dung, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm. Sử dụng cách nói quá, thủ pháp khuếch trương không chỉ ngày nay mà đã từ lâu, rất lâu, ông cha ta đã sử dụng và được truyền lại trong các câu ca dao, tục ngữ. Ví dụ như, khi nói về thời gian các mùa, người xưa có câu: Đêm tháng Năm chưa nằm đã sáng. Ngày tháng Mười chưa cười đã tối. Nói về gian giảo của tính cách con người, có câu: Miệng nam mô bụng một bồ dao găm. Thủ pháp nói quá, khuếch trương này suất hiện tần xuất rất cao trong các tác phẩm văn học, nhất là thường được sử dụng trong các tác phẩm kiếm hiệp, dã sử.

Nói như thế để thấy, nói quá, khuếch trương chỉ là một biện pháp, cách thức của một thủ pháp nghệ thuật, phép tu từ. Nếu nhìn thẳng thắn, gạt bỏ phần “hoang đường”, trong “lõi” của sự vật hiện tượng ấy không phải xuyên tạc mà nó là lối thổi phồng, phóng đại, nói “điêu” quá mức bình thường. Có nghĩa là, sự vật hiện tượng chỉ bằng “con kiến” nhưng khi sử dụng thủ pháp này, nó to lên như “con voi”.

Một vấn đề đặt ra là: Tại sao các phần tử, đối tượng thù địch lại hay sử dụng biện pháp nói quá, khuếch trương này? Do tâm lý của người đọc, người nghe, có yếu tố tò mò, thích cái mới lạ, cái khác người, không giống ai. Phần nữa, nó sử dụng thủ pháp của nghệ thuật nên rất dễ được người đọc, người nghe chấp nhận và dễ nhớ. Vì thủ pháp này có yếu tố làm tăng sự biểu cảm nên cũng dễ đi vào lòng người, vốn “nhân chi sơ tính bản thiện”, nét văn hóa, nhân văn của đời sống. Lợi dụng vào các yếu tố có tính đặc trưng này, các thế lực, đối tượng thù địch, phản động sử dụng biện pháp nói quá, khuếch trương để đánh vào tâm lý người đọc, người nghe. Với những người có nhận thức và sự trải nghiệm. Ban đầu đọc, nghe sẽ tự thấy vấn đề không thể như thế nhưng trong tư tưởng cũng xuất hiện sự hoài nghi. Với người ít trải nghiệm, nhận thức chưa đầy đủ sẽ tiếp nhận từ xuýt xoa rồi chuyển sang nghi ngờ và cuối cùng là cả tin và bộc lộ ra bằng thái độ phản ứng mang tính thù địch.

Việc các thế lực, đối tượng thù địch, phản động thường dựa vào những cái xảy ra rất nhỏ rồi nói quá lên, khuếch trương sự việc đã lôi kéo không ít người nghe theo và tin theo. Từ những sự vụ rất nhỏ trong nước xảy ra, bằng thủ pháp này, sự việc trở nên nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng. Cũng tương tự thế, các thế lực và đối tượng thù địch, phản động ở nước ngoài cũng thường xuyên “rêu rao” đã thành lập tổ chức này, đảng nọ, nhóm kia, được tổ chức này, tổ chức khác ủng hộ và có nhiều người tham gia. Thật ra, cái mà các thế lực thù địch, đối tượng phản động “làm ầm” lên thế, chẳng qua là trò khuếch trương thanh thế. Cái mà các thế lực, đối tượng thù địch, phản động nói đã có tổ chức này hay đảng nọ được thành lập, có bao nhiêu người tham gia thực ra có khi chỉ có chính đối tượng ấy “tự phong” cho chính bản thân. Còn nhớ, những năm trước đây, các thế lực thù địch, đối tượng phản động “la toáng” lên đã xây dựng một bộ khung nhà nước với cái gọi là “Nhà nước Việt Nam mới” với sự ra đời của đảng Việt Tân. Mấy ai biết, đó chỉ là một nhóm người bất mãn về tư tưởng, lợi ích kinh tế bị ngăn chặn bởi làm ăn vi phạm pháp luật hoặc do chính sách quản lý của Nhà nước ngày càng hoàn thiện nên không còn cơ hội “đục nước béo cò”, quay sang chống đối, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước.  

Hiện nay, Đảng, Nhà nước quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, hách dịch, vi phạm phẩm chất, đạo đức người cộng sản để làm trong sạch nội bộ, bộ máy quản lý. Mặc dù các vụ án đó bản thân “thuần” là hình sự, nhưng với thủ pháp nói quá, khuếch trương, các thế lực thù địch, đối tượng phản động “quặc” sang công tác quản lý, công tác cán bộ, rồi từ đó “vơ đũa cả nắm” cho rằng đội ngũ cán bộ, chất lượng cán bộ của Đảng yếu kém. Trong “thế giới phẳng”, với thủ pháp nói quá, khuếch trương, các thế lực thù địch và đối tượng phản động đã “lôi kéo” được một “đám đông” hùa theo.

Tiếp nhận thông tin đa chiều song cũng cần phải có bản lĩnh để biết lựa chọn, sàng lọc. Phân định được đâu là thủ đoạn, đâu là biện pháp, bản chất của sự việc, hiện tượng đó như thế nào, mức độ ra sao, sự ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội. Đó chính là một phần quan trọng của chính nội tại bản thân mỗi cá nhân khi tiếp nhận các thông tin trên thế giới ảo hiện nay. Một thế giới ảo mà không ảo bởi trong đó các thế lực thù địch và đối tượng phản động đã cài cắm các thủ đoạn, các thủ pháp để lôi kéo người đọc, người xem, người nghe theo hướng có lợi cho chúng. Một khi bản lĩnh chính trị không vững, nhận thức sự vật hiện tượng chưa thật chu đáo, chặt chẽ, đầy đủ, còn mơ hồ, bản thân mỗi cá nhân rất dễ rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà không hay biết.

Thủ pháp nói quá, khuếch trương đã, đang được các thế lực thù địch và đối tượng phản động triệt để lợi dụng, khai thác theo lối “bới lại” nhằm phục vụ cho âm mưu từng bước gây nghi ngờ, làm mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước trong nhân dân. Từ đó hiện thực hóa âm mưu lâu dài là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với xã hội và hoạt động quản lý Nhà nước hiện nay.

Phạm Quế Nghi

Bình luận

ZALO